Cỏ lúa mì có tốt cho sức khỏe?

Cỏ lúa mì được cho là loại thực phẩm có thể làm tăng cường hệ thống miễn dịch, giải độc và giúp cơ thể tránh xa được bệnh tật. Các bác sĩ y học cổ truyền cũng đã từng sử dụng cỏ lúa mì để điều trị táo bón hoặc giảm đau do thấp khớp. Vậy công dụng của cỏ lúa mì có thực sự tốt cho sức khỏe hay không?

1. Cỏ lúa mì là gì?

Cỏ lúa mì là loại thực phẩm được làm từ cây Triticum aestivum. Nó phát triển ở các vùng ôn đới trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ, nó có thể sống ở trong nhà hoặc ngoài trời. Nó được coi là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe với nhiều lợi ích đáng kinh ngạc. Cỏ lúa mì thường được sử dụng như một loại nước trái cây tươi, nhưng nó cũng có thể sử dụng ở dạng bột. Nước ép cỏ lúa mì tươi được coi là thực phẩm sống.

Thành phần dinh dưỡng của cỏ lúa mì (8gam) bao gồm: 25 calo, 1 gam protein, 6 gam carbohydrate, 4 gam chất xơ. Ngoài ra, cỏ lúa mì còn là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng tự nhiên bao gồm: vitamin A, E, C, K, B6, canxi, selen, magie, sắt...

Những người quan tâm đến loại thực phẩm này từ lâu đã ca ngợi về vô số lợi ích của loại cây này và đó cũng là lý do chính đáng. Bởi vì, cỏ lúa mì có thể được sử dụng như một loại thuốc bổ cho sức khỏe hàng ngày và thậm chí có thể giúp điều trị nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu và dài hạn để có những căn cứ cụ thể cho các tác dụng tiềm năng của cỏ lúa mì.

2. Sử dụng cỏ lúa mì

Lá của cỏ lúa mì rất khó tiêu hóa. Vì vậy, chúng thường được nghiền nát và ép để làm nước uống. Lá này có thể cũng được sấy khô và làm thành thuốc dưới dạng viên nang.

Một số người trộn cỏ lúa mì với nước và sử dụng nó như một loại thuốc xổ để làm sạch hệ thống tiêu hóa. Những người khác ăn cỏ lúa mì sống vì họ tin rằng thực phẩm này khi nấu sẽ phá hủy hết các enzym tự nhiên cung cấp cho sức khỏe cơ thể thực sự.


Hiện nay cỏ lúa mì có thể được bào chế dưới dạng viên nang và sử dụng dễ dàng hơn
Hiện nay cỏ lúa mì có thể được bào chế dưới dạng viên nang và sử dụng dễ dàng hơn

3. Một số lợi ích của cỏ lúa mì

3.1. Lợi ích của cỏ lúa mì với hệ thống tiêu hóa

Bất chấp tất cả các tuyên bố về lợi ích sức khỏe, bằng chứng cho thấy cỏ lúa mì thực sự có tác dụng giải độc hoặc ngăn ngừa hoặc chữa bệnh. Hầu hết những nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện tập trung vào tác động của cỏ lúa mì với hệ thống tiêu hoá:

  • Cải thiện triệu chứng viêm loét đại tràng

Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở Israel đã chỉ ra rằng, điều trị bằng nước ép lúa mì làm giảm các triệu chứng viêm loét đại tràng - viêm đại tràng. Mặc dù, các nhà khoa học đã chỉ ra những lợi ích có thể có từ cỏ lúa mì, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định tác dụng này.

  • Giảm tác dụng phụ của hóa trị

Mặc dù không có bằng chứng khoa học nào cho thấy cỏ lúa mì có thể thu nhỏ khối u hoặc tăng tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân ung thư, nhưng một nghiên cứu sơ bộ trên 60 phụ nữ bị ung thư vú đã phát hiện ra rằng cỏ lúa mì làm giảm một số tác hại của hóa trị liệu mà không làm thay đổi hiệu quả của việc điều trị.

3.2. Một số lợi ích khác của cỏ lúa mì

  • Chống oxy hoá

Giống như nhiều sản phẩm từ thực vật, cỏ lúa mì có chứa các thành phần hoạt động như chất chống oxy hóa. Những chất này có thể mang lại lợi ích sức khỏe.

Khi cơ thể thực hiện các quá trình tự nhiên, nó sẽ tạo ra các sản phẩm phụ có thể gây độc hại cho cơ thể. Nếu các độc tố vẫn còn trong cơ thể, sẽ dẫn đến tình trạng stress oxy hóa. Mức độ stress oxy hóa cao có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe bao gồm cả ung thư. Chất chống oxy hóa từ cỏ lúa mì có thể giúp cơ thể loại bỏ các độc tố này.

Chất chống oxy hóa còn giúp chống viêm mãn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với một chất không mong muốn, chẳng hạn như tình trạng tự miễn với các bệnh như: viêm khớp dạng thấp, tiểu đường type 1bệnh vẩy nến.

  • Phòng chống ung thư

Một số nhà khoa học nói rằng cỏ lúa mì có cấu trúc tương tự như huyết sắc tố. Hemoglobin là một loại protein mang oxy đi khắp cơ thể. Vì lý do này, họ lập luận rằng cỏ lúa mì có thể tăng cường cung cấp oxy cho máu. Ngoài ra, cỏ lúa mì còn chứa các enzyme có đặc tính chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa tổn thương oxy hóa cho DNA.

Năm 2017, các nhà khoa học này đã áp dụng một chế phẩm cỏ lúa mì cho các tế bào ung thư miệng (ung thư tế bào vảy miệng) trong phòng thí nghiệm. Họ nhận thấy rằng sự phát triển của các tế bào ung thư đã chậm lại. Chính vì thế, họ đề xuất cỏ lúa mì một ngày nào đó có thể là cơ sở của một loại thuốc để điều trị loại ung thư miệng này.


Sử dụng cỏ lúa mì có thể giúp người bệnh phòng chống bệnh ung thư
Sử dụng cỏ lúa mì có thể giúp người bệnh phòng chống bệnh ung thư

Các nghiên cứu khác đã đạt được kết luận tương tự. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2015 đã phát hiện ra rằng cỏ lúa mì làm chậm sự phát triển của ung thư ruột kết và khiến một số tế bào ung thư bị tiêu diệt.

  • Chống nhiễm trùng

Một số nghiên cứu năm 2015 cho thấy cỏ lúa mì có thể tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của một số bệnh nhiễm trùng. Điều này có thể đặc biệt hữu ích trong điều trị nhiễm trùng kháng kháng sinh, hoặc những người bị dị ứng với kháng sinh.

Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả của một thí nghiệm được thực hiện trong ống nghiệm. Các phát hiện chỉ ra rằng cỏ lúa mì có đặc tính kháng khuẩn có thể chống lại một số loại nhiễm trùng như: streptococcal (strep) và một số dạng vi khuẩn như: Lactobacillus.

  • Ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường type 2

Cỏ lúa mì được sử dụng như một loại thuốc truyền thống để điều trị bệnh tiểu đường type 2, và một số nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về lợi ích này của nó. Một nghiên cứu năm 2016 được tiến hành trên chuột cho thấy cỏ lúa mì làm tăng nồng độ insulin và giúp hạ đường huyết.

Các chuyên gia tin rằng tình trạng viêm đóng vai trò trong bệnh tiểu đường. Cho nên, cỏ lúa mì có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường bằng cách chống viêm giúp kiểm soát cả bệnh và một số biến chứng của nó.

  • Béo phì

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây nên bệnh tiểu đường. Cùng với huyết áp cao, cholesterol cao và các vấn đề sức khỏe khác, chúng tạo nên hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa thường bắt đầu bằng béo phì.

Một nghiên cứu trên chuột được công bố vào năm 2014 cho thấy rằng cỏ lúa mì có thể giúp điều trị bệnh béo phì. Những con chuột ăn chiết xuất cỏ lúa mì tăng cân ít hơn và có ít biến chứng liên quan đến béo phì hơn so với những con không ăn.


Người bệnh béo phì có thể sử dụng cỏ lúa mì giúp đem lại lợi ích cho sức khỏe
Người bệnh béo phì có thể sử dụng cỏ lúa mì giúp đem lại lợi ích cho sức khỏe

4. Một số rủi ro khi sử dụng cỏ lúa mì

Hầu hết các nghiên cứu đều báo cáo không có tác dụng phụ đáng kể sau khi sử dụng cỏ lúa mì. Tuy nhiên, điều này có thể còn phụ thuộc vào hình thức của sản phẩm và cách sử dụng của mỗi cá nhân.

Một số người có thể bị nhạy cảm hoặc dị ứng dẫn đến phản ứng không mong muốn. Tuy nhiên, những người mắc bệnh celiac và những người nhạy cảm với gluten vẫn có thể sử dụng cỏ lúa mì vì chỉ có hạt lúa mì và không phải cỏ lúa mì mới chứa gluten.

Một nghiên cứu đã xem xét về ảnh hưởng của cỏ lúa mì đến trẻ bị bệnh thalassemia cho thấy một số trẻ dùng ban đầu sẽ có xuất hiện các vấn đề về đường tiêu hoá, nhưng tình trạng này sẽ được giải quyết trong vài ngày.

Hiện này, vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng để chứng minh cỏ lúa mì có thể chữa khỏi mọi bệnh. Cho nên, trước khi sử dụng loại thực phẩm nên cân nhắc và có thể tìm hiểu thêm tư vấn từ các bác sĩ.

5. Cách sử dụng cỏ lúa mì

Cỏ lúa mì có thể sử dụng dưới dạng bột mì thô hoặc bột trong sinh tố và nước trái cây. Có thể lựa chọn trộn nó với sữa, mật ong hoặc nước ép trái cây để làm tăng hương vị thơm ngon của thực phẩm này. Hoặc có thể sử dụng cỏ lúa mì dưới dạng viên nang có bổ sung hương vị.

Tóm lại, nhiều nghiên cứu đã tìm ra được kết quả đầy hứa hẹn về lợi ích của cỏ lúa mì, nhưng đây hầu hết chỉ là những nghiên cứu nhỏ. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ căn cứ để chứng minh cỏ lúa mì có thể tự điều trị hoặc ngăn ngừa bất kỳ tình trạng y tế nào.


Bên cạnh đó cũng có một số rủi ro khi sử dụng cỏ lúa mì
Bên cạnh đó cũng có một số rủi ro khi sử dụng cỏ lúa mì

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe