Chế độ dinh dưỡng cho người bị rối loạn chuyển hóa lipid máu

Rối loạn chuyển hóa lipid máu là một bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng bệnh như viêm tụy, xơ vữa động mạch. Việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi bị rối loạn chuyển hóa lipid máu có vai trò quan trọng trong việc điều trị, đồng thời hạn chế một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với người bệnh.

1. Bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu là căn bệnh như thế nào?

Lipid máu là một thành phần quan trọng trong cơ thể con người, chúng có vai trò giúp cơ thể phát triển bình thường, khỏe mạnh. Một số loại lipid máu bao gồm: LDL, HDLtriglyceride.

Theo đó, rối loạn chuyển hóa lipid máu được định nghĩa khi có một hoặc có nhiều rối loạn sau: tăng triglyceride máu, tăng cholesterol toàn phần trong máu, tăng LDL-cholesterol (cholesrol xấu) hoặc giảm HDL-cholesterol (cholesterol tốt). Tuy nhiên, nếu rối loạn chuyển hóa lipid máu kéo dài có thể gây xơ vữa động mạch, hẹp mạch máu và là tác nhân chính gây ra các bệnh lý tim mạch.

Thực tế, rối loạn chuyển hóa lipid máu không có một biểu hiện bất thường nào, bệnh chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm máu. Các triệu chứng của xơ vữa động mạch cũng diễn biến âm thầm nên người bệnh rất khó phát hiện.

Lấy máu xét nghiệm
Xét nghiệm máu giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu

2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khi bị rối loạn chuyển hóa lipid máu

Nguyên nhân chính gây ra rối loạn chuyển hóa lipid máu là do chế độ dinh dưỡng không phù hợp, có quá nhiều mỡ động vật, thức ăn chứa nhiều Cholesterol (nội tạng động vật, trứng, bơ, sữa) hoặc do chế độ ăn dư thừa năng lượng và sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích. Ngoài ra, rối loạn chuyển hóa lipid máu còn do yếu tố di truyền, hội chứng thận hư, suy giáp hoặc đái tháo đường.

Chính vì thế, chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khi bị rối loạn chuyển hóa lipid máu là việc làm cần thiết. Người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

  • Người bệnh cần giảm tổng năng lượng ăn trong thực đơn hàng ngày để từ đó giảm cân theo chỉ số khối cơ thể (BMI) nếu xuất hiện tình trạng thừa cân, béo phì. Trong một số trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid thể nhẹ thì chỉ số cân nặng có thể giảm ổn định sau khi người bệnh áp dụng chế độ ăn giảm cân phù hợp. Theo đó, người bệnh nên giảm khẩu phần ăn từ từ, từng bước một và không nên vội vàng, trung bình mỗi tuần giảm khoảng 300Kcal so với khẩu phần ăn trước đó cho tới khi đạt được năng lượng tương ứng với mức chỉ số khối cơ thể BMI;

  • Giảm lượng chất béo (lipid) theo chuẩn BMI: Trong đó, chất béo chỉ nên chiếm từ 15 – 20% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Người bệnh nên hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và thay vào đó nên ăn các chất béo không bão hòa;
  • Trong khẩu phần ăn hàng ngày cần đảm bảo lượng protein chiếm khoảng 12 – 20% tổng năng lượng, khẩu phần ăn này bao gồm đạm động vậtđạm thực vật. Người bệnh có thể làm tăng lượng đạm (protein) bằng cách ăn thịt ít béo và các sản phẩm chế biến từ đậu nành vì nguồn thực phẩm này chứa nhiều estrogen thực vật và isoflavones có tác dụng giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglyceride trong cơ thể;
Đậu nành đỗ tương
Sử dụng đậu nành chứa nhiều estrogen thực vật và isoflavones tốt cho người bệnh

  • Giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn bằng cách không sử dụng các thực phẩm có nhiều cholesterol như: phủ tạng động vật, da động vật, óc, lòng đỏ trứng và hải sản nhất là gạch cua, gạch tôm...
  • Sử dụng ngũ cốc kết hợp với các loại khoai củ. Các loại thực phẩm này có thể chiếm khoảng 55-60% năng lượng trong khẩu phần ăn. Bệnh nhân rối loạn mỡ máu nên ăn gạo lứt để cung cấp thêm chất xơ để đào thải cholesterol nội sinh ra ngoài, đồng thời hạn chế lượng đường, mật trong đồ ăn, đồ uống hàng ngày.

Ngoài ra, trong chế độ dinh dưỡng cho người bị rối loạn chuyển hóa lipid máu không thể thiếu vitamin và khoáng chất. Vì thế người bệnh nên ăn nhiều rau, hoa quả, đồng thời sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành như các nguồn thức ăn giàu vitamin E, beta-caroten, vitamin C, selen.

Khẩu phần ăn cũng có thể chia thành nhiều bữa, mỗi bữa cách nhau khoảng 3 giờ và cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính, nhưng giảm tối đa lượng chất béo, tăng lượng rau và trái cây ít ngọt.

3. Rối loạn chuyển hóa lipid máu ăn gì?


Vì nguyên nhân chính gây ra rối loạn chuyển hóa lipid máu là do thực phẩm, chế độ dinh dưỡng nên ngoài việc sử dụng thuốc điều trị theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh nhân cần phải xây dựng chế độ dinh dưỡng khi bị rối loạn chuyển hóa lipid máu phù hợp theo đúng nguyên tắc kết hợp việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

Sau đây là một số thực phẩm được khuyến cáo rối loạn chuyển hóa lipid máu ăn gì?:

  • Ngũ cốc chế biến thô: bánh mì đen, gạo thô,...;
  • Sữa không béo;
  • Thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da;
thịt nạc thịt lợn
Người rối loạn chuyển hóa lipid máu ăn thịt nạc

  • Các loại hạt có dầu như lạc, hạt dẻ vừng, bí ngô,...
  • Cá béo, ăn tối thiểu 2 lần/tuần;
  • Dầu thực vật không bão hòa: dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu đậu nành,...;
  • Tỏi: Tỏi có tác dụng làm tăng HDL-Cholesterol, giảm cholesterol, triglyceride, LDL-Cholesterol máu và dự phòng bệnh xơ vữa động mạch, ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều tỏi có thể dẫn đến viêm mí mắt, viêm kết mạc, tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày. Do đó, bệnh nhân rối loạn lipid máu có tiền sử bệnh lý dạ dày và các chứng viêm ở mắt không nên dùng;

  • Hành tây: Hành tây có tác dụng giảm cholesterol trong máu, đồng thời cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch;
  • Đậu tương: Có tác dụng làm cholesterol máu, đặc biệt là giảm nồng độ LDL-cholesterol. Đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương rất tốt cho bệnh nhân rối loạn lipid máu;
  • Dưa leo: Dưa leo chứa rất nhiều chất xơ có tác dụng cải thiện tiêu hóa, tăng đào thải và giảm hấp thu cholesterol hiệu quả;
  • Rong biển: chứa nhiều iod và magie, có tác dụng ngăn ngừa hình thành mảng lắng đọng cholesterol thành mạch.
  • Ớt: Ớt có hàm lượng vitamin C cao, có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn của cơ thể, làm giảm lượng cholesterol máu;
  • Súp lơ: Có hàm lượng chất xơ rất cao, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là flavonoid. Đây là một chất làm sạch lòng mạch, có khả năng tiêu trừ cholesterol lắng đọng trên thành mạch, ngăn chặn ngưng tập tiểu cầu, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch;
  • Mướp đắng: giàu vitamin B1, vitamin C và nhiều loại khoáng chất, giúp giảm mỡ máu và nâng cao sức đề kháng của cơ thể;
Mướp đắng
Mướp đắng chứa nhiều vi chất tốt cho người bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu

  • Mầm đậu xanh: Mầm đậu xanh có chứa nhiều vitamin C, chất xơ,... các dưỡng chất này đều có lợi trong việc loại trừ chất thải trong cơ thể, làm giảm cholesterol máu, đồng thời làm giảm sự lắng đọng cholesterol ở thành động mạch;
  • Cà rốt: Cà rốt rất giàu beta-carotene và các loại vitamin, chất xơ, khoáng chất. Vì thế, cà rốt rất tốt cho người mắc bệnh mạch vành, giảm mỡ máu và hạ huyết áp;
  • Các loại nấm: Một số loại nấm như nấm hương, linh chi, mộc nhĩ có tác dụng làm giảm cholesterol và triglyceride máu;

Ngoài các thực phẩm trên thì người bệnh nên tăng cường ăn các loại hoa quả như táo, kiwi và các loại quả chứa nhiều vitamin C như cam, quýt.

4. Bệnh nhân rối loạn mỡ máu nên kiêng ăn gì?

Từ nguyên tắc trong chế độ dinh dưỡng khi bị rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh nhân cần chú ý và hạn chế các thực phẩm sau đây:

  • Mỡ, nội tạng động vật, da, gạch cua, gạch tôm;
  • Sữa béo nguyên kem, sữa đặc;
  • Lòng đỏ trứng, phô mai, bơ...;
  • Thịt gia cầm chưa loại bỏ da;
  • Các loại bánh ngọt, bánh mặn làm từ lòng đỏ trứng và có chứa mỡ bão hòa;
  • Hạn chế đường, mật, đồ ngọt
  • Đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất béo như phô mai, xúc xích, thịt nguội,...
  • Dầu mỡ chứa nhiều chất béo bão hòa
Chế độ ăn ít đường
Người bệnh rối loạn mỡ máu cần hạn chế sử dụng đường ngọt

Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế các loại đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, mì ăn liền. Nên bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe và duy trì cân nặng phù hợp.

Trong trường hợp việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt không làm giảm lượng cholesterol máu, bệnh nhân cần sử dụng thuốc hạ cholesterol máu theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, mỗi người cần chú ý tới việc thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra mỡ máu nếu có nguy cơ cao mắc rối loạn lipid máu để phòng ngừa nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Đặc biệt khi điều trị và thăm khám bệnh tại Vinmec, Quý khách hàng còn được đội ngũ y bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng và duy trì lối sống để phòng ngừa và điều trị sao cho phù hợp với thể trạng nhất.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan