Điều trị thoái hóa điểm vàng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu giảm thị lực ở người trên 60 tuổi, khi điểm vàng bị thoái hóa, thị lực vùng trung tâm sẽ bị mờ, tối, hình ảnh nhận được sẽ bị méo mó, biến dạng, thậm chí không nhìn thấy. Khi mắt bị giảm thị lực sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt hằng ngày.

1. Các phương pháp chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt

Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt tên gọi chung của một nhóm bệnh thoái hóa võng mạc mạn tính, bệnh gây giảm thị lực vùng trung tâm, hình ảnh thấy được trở nên mờ, đặc biệt phần chính giữa ảnh bị biến dạng, méo mó.

Thoái hóa điểm vàng ở người già do lão hóa, là nguyên nhân gây giảm thị lực hàng đầu ở những người trên 60 tuổi. Thoái hóa điểm vàng ở người trẻ có thể do di truyền, đây là bệnh bẩm sinh hiếm gặp, bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi thanh niên. Ngoài ra, nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, ánh sáng xanh từ các thiết bị công nghệ như điện thoại, tivi, máy tính,...làm tỷ lệ bệnh thoái hóa điểm vàng ở người trẻ tăng lên nhanh chóng.


Đo nhãn áp giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt
Đo nhãn áp giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt

Để chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp sau:

  • Kiểm tra thị lực: sử dụng các bảng đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn của mắt ở các khoảng cách gần, xa khác nhau.
  • Đo nhãn áp: bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để đo áp suất bên trong mắt.
  • Kiểm tra đáy mắt: bác sĩ sẽ nhỏ thuốc làm giãn đồng tử, sau đó sử dụng kính lúp chuyên biệt kiểm tra võng mạc và dây thần kinh thị giác để tìm kiếm các dấu hiệu của thoái hóa điểm vàng cũng như các vấn đề khác của mắt.
  • Dùng lưới Amsler: người bệnh sẽ được yêu cầu nhìn vào một tờ giấy vẽ ô caro như một bàn cờ. Bệnh nhân bị che một mắt và nhìn thẳng vào một chấm đen ở giữa lưới. Nếu nhìn thấy các đường thẳng trong lưới Amsler bị lượn sóng hoặc một số đường bị thiếu, người bệnh có thể đã mắc bệnh thoái hóa điểm vàng.
  • Chụp cộng hưởng mạch hoặc OCT (chụp bằng ánh sáng quét):

Trong chụp động mạch, thuốc nhuộm được tiêm vào tĩnh mạch cánh tay bệnh nhân. Hình ảnh được chụp khi thuốc nhuộm đến mắt qua các mạch máu của võng mạc. Các bức ảnh sẽ hiển thị vị trí chính xác nếu có sự xuất hiện của cách mạch máu mới, xuất huyết hoặc chảy dịch trong điểm vàng.

Chụp OTC có thể giúp nhìn thấy dịch hoặc máu bên dưới võng mạc mà không cần sử dụng thuốc nhuộm.

2. Thoái hóa điểm vàng có chữa được không?

Với thoái hóa điểm vàng thể khô, hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân có thể được kê đơn các thuốc bổ sung kẽm, Vitamin A, C, E, B2 liều cao để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

  • Vitamin A: là những chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng trong tăng cường thị lực ở mắt, giúp duy trì hoạt động của nhiều mô và màng ở mắt. Vitamin A có nhiều trong gan động vật, cá, sữa, cà rốt, bí ngô,...
  • Vitamin C và vitamin E: giúp bảo vệ tế bào và mô của mắt khỏi tấn công của những phân tử gốc tự do. Vitamin C có nhiều trong trong cà chua, cải bắp, bông cải xanh, các loại quả thuộc họ cam chanh,...
  • Vitamin B2: giúp khôi phục chức năng cơ thị giác, tăng cường thị lực. Vitamin B2 có nhiều trong sữa, trứng, gan động vật, men bia, rau quả,...
  • Kẽm: tập trung nhiều ở vùng võng mạc, giúp bảo vệ và tăng cường thị lực ở mắt. Kẽm có nhiều trong các thực phẩm như hàu, tôm, cua, thịt bò, ngũ cốc, sữa chua,...
  • Omega 3 là một acid béo không bão hòa, là thành phần cấu tạo võng mạc, giúp tăng cường thị lực, bảo vệ mắt. Omega 3 có nhiều trong sữa, sữa đậu nành, các loại cá,...

Các loại vitamin A, C, E, B2 có thể ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng
Các loại vitamin A, C, E, B2 có thể ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng thể ướt, hiện cũng chưa có phương pháp điều trị nào có thể đảo ngược quá trình thoái hóa, một số phương pháp được sử dụng để ngăn bệnh phát triển nghiêm trọng hơn gồm:

  • Sử dụng thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng

Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (vascular endothelial growth factor- VEGF) là một protein có vai trò kích thích hình thành các mạch máu mới, giúp tăng tính thấm thành mạch và cung cấp oxy cho các mô. Tuy nhiên, nếu yếu tố tăng trưởng nội mô phát triển quá mức sẽ làm rò rỉ chất dịch và tăng sinh các mạch máu mới ở võng mạc.

Các thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu gồm: Bevacizumab (Avastin), Ranibizumab (Lucentis), Aflibercept (Eyle),...là những kháng thể đơn dòng, tác dụng ức chế sự hình thành yếu tố tăng trưởng nội mô, giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới, ngăn chặn sự chảy máu và chảy dịch từ các mạch máu bất thường trong mắt. Nhóm thuốc này được sử dụng qua đường tiêm trực tiếp vào dịch kính của mắt. Mắt sẽ được gây tê trước khi tiêm. Sau khi tiêm, bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để theo dõi trong một vài ngày.

  • Trị liệu bằng laser: ánh sáng laser năng lượng cao được sử dụng để phá hủy các mạch máu bất thường phát triển trong thoái hóa điểm vàng.
  • Liệu pháp laser quang động võng mạc (PDT): một loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng được dùng để điều trị các mạch máu bất thường. Sau đó, tia laser được chiếu vào mắt để kích hoạt thuốc, phá hủy các mạch máu bị rò rỉ mà không gây tổn hại đến các phần khác của mắt. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi điều trị một biến thể của thoái hóa điểm vàng thể ướt là bệnh lý đa xơ đơn bào không tự phát.
  • Cải thiện tầm nhìn: các thiết bị có ống kính đặc biệt tạo hình ảnh phóng to của các vật thể giúp những người bị thoái hóa điểm vàng có thể sử dụng tối đa tầm nhìn còn lại.
  • Sử dụng các thuốc và chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất tương tự như điều trị thoái hóa điểm vàng thể ướt để tăng cường dinh dưỡng cho mắt.

Khi có các dấu hiệu của bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt, bệnh nhân nên sớm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám và điều trị. Tùy theo giai đoạn tổn thương của mắt của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ sử dụng phác đồ điều trị phù hợp. Nếu không được điều trị trong thời gian kéo dài, tình trạng thoái hóa điểm vàng sẽ ngày càng trầm trọng, thị lực sẽ suy giảm dần.

Trong trường hợp bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt, nếu không được điều trị, những mạch máu bất thường trong mắt chảy máu lâu ngày có thể gây sẹo, thị lực vùng trung tâm có thể mất vĩnh viễn, chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt tại Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng. Hiện là Bác sĩ Mắt tại Phòng khám Liên Chuyên khoa Khoa Khám bệnh - Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Khi có các dấu hiệu của bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt, bệnh nhân nên sớm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám và điều trị. Tùy theo giai đoạn tổn thương của mắt của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ sử dụng phác đồ điều trị phù hợp. Nếu không được điều trị trong thời gian kéo dài, tình trạng thoái hóa điểm vàng sẽ ngày càng trầm trọng, thị lực sẽ suy giảm dần.

Trong trường hợp bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt, nếu không được điều trị, những mạch máu bất thường trong mắt chảy máu lâu ngày có thể gây sẹo, thị lực vùng trung tâm có thể mất vĩnh viễn, chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe