Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Suy nhược thần kinh được coi là tâm bệnh của xã hội hiện đại và là nguyên nhân gây ra chứng mất tập trung ở nhiều người. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh.
1. Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh còn được biết đến là kiệt quệ thần kinh. Đây là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não và một số trung khu dưới vỏ do tế bào não phải làm việc quá căng thẳng, dẫn tới tình trạng quá tải và suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hồi phục và tái tạo toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.
Chứng suy nhược thần kinh là tâm bệnh, nhưng nếu không được can thiệp sớm sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.
2. Triệu chứng của suy nhược thần kinh
Bạn có thể dựa vào những triệu chứng được liệt kê dưới đây để xác định xem liệu mình có bị suy nhược thần kinh hay không. Các dấu hiệu và triệu chứng thường thấy của suy nhược thần kinh, bao gồm:
2.1 Thay đổi tâm trạng
Người bị suy nhược thần kinh thường có những sự thay đổi không ổn định về tâm trạng, chẳng hạn như dễ nổi nóng, tức giận kèm theo cảm giác ăn năn, tội lỗi, dễ khóc, dễ xúc động và đôi khi trầm lặng tuyệt đối.
2.2 Tự cô lập bản thân
Những người bị suy nhược thần kinh thường có xu hướng tự xa lánh mọi người xung quanh và thích ở một mình. Khi sự căng thẳng lên đến mức đỉnh điểm, họ dễ tự cô lập bản thân và dành toàn bộ năng lượng để đối phó với căng thẳng.
2.3 Rối loạn cảm giác
Rối loạn cảm giác thường xuất hiện các triệu chứng như: hoa mắt, chóng mặt, người tê mỏi, chán nản, buồn bã. Những triệu chứng này thường xảy ra và thay đổi theo trạng thái tâm lý vì những người bị suy nhược thần kinh rất nhạy cảm và dễ bị ám thị.
2.4 Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của suy nhược thần kinh. Khi mắc phải chứng bệnh này, bạn có thể bị mất ngủ hoặc tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, ngủ quá ít hoặc quá nhiều so với bình thường.
2.5 Lo âu quá độ
Suy nhược thần kinh khiến cho người bệnh thường xuyên cảm thấy lo âu và dễ sinh ra những cảm xúc hay suy nghĩ tiêu cực, luôn thấy các vấn đề xảy ra là trầm trọng và bế tắc, không thể giải quyết.
2.6 Tăng nhịp tim
Suy nhược thần kinh xảy ra khi người bệnh cảm thấy căng thẳng quá độ, điều này khiến tim đập nhanh hơn, họng bị nghẹn lại và có cảm giác co thắt ở ngực.
2.7 Triệu chứng trên cơ thể và thần kinh
Người bị suy nhược thần kinh thường cảm thấy cổ bị đau mỏi, đau thắt lưng, cột sống, chóng mặt, hoa mắt, các cơ bị đau nhức và cảm giác khó chịu ở ngoài da như: kim châm, kiến bò, nóng lạnh thất thường, run chân tay, lưỡi, bị rối loạn cảm xúc,..
3. Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới suy nhược thần kinh bắt nguồn từ những yếu tố gây chấn thương tâm thần tác động tới người bệnh. Những yếu tố này có thể ít hay nhiều, tuy nhiên chúng thường xảy ra liền kề nhau hoặc kết hợp với nhau, về lâu dài có thể trở thành tâm bệnh khó chữa.
Sự căng thẳng quá mức dẫn tới rối loạn các hoạt động thần kinh và gây ra suy nhược thần kinh. Chứng bệnh này hầu hết được phát sinh do các yếu tố bên ngoài tác động vào, cũng có thể đến từ sự mệt mỏi quá mức của cơ thể hoặc quá căng thẳng về tâm thần. Bệnh sẽ xuất hiện dần sau một khoảng thời gian sang chấn tâm lý và ngày một biểu hiện rõ rệt khi có các nhân tố thúc đẩy. Những nhân tố này bao gồm: thần kinh yếu, cuộc sống quá mệt mỏi, lao động trí óc căng thẳng, môi trường sống và làm việc có nhiều nhân tố kích thích, tiếng ồn, mắc các bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm loét dạ dày, viêm xoang, viêm túi mật, người nghiện rượu nặng, thiếu dinh dưỡng, mất ngủ lâu ngày hoặc kiệt sức.
4. Những đối tượng thường mắc phải suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Nếu không được điều trị bệnh sớm, người bệnh có thể gặp các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Những đối tượng dễ mắc bệnh suy nhược thần kinh, bao gồm:
- Người thường xuyên căng thẳng hoặc bị trầm cảm
- Nghiện rượu
- Hút thuốc lá nhiều
- Người lao động trí óc hoặc làm trong môi trường phức tạp, ồn ào.
5. Suy nhược thần kinh có nguy hiểm không?
Suy nhược thần kinh không gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, nhưng nó thường gây ra các rối loạn trên cơ thể và làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Nếu chứng bệnh này về lâu dài không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.
Trầm cảm và suy nhược thần kinh là hai chứng bệnh có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn tới trầm cảm là do suy nhược thần kinh. Trầm cảm thường thể hiện tình trạng chán nản, buồn rầu, ăn uống kém, khó ngủ, không có hứng thú với công việc và mọi thứ xung quanh, mặc cảm thua kém và rầu rĩ lâu ngày. Trầm cảm cũng có thể dẫn tới những rối loạn về nhận thức, trí nhớ và bị ức chế hoặc kích thích tăng vận động. Lâu ngày, chứng trầm cảm sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn, dẫn tới giảm chất lượng cuộc sống, khả năng làm việc cũng như sinh hoạt hàng ngày bị hạn chế, các bệnh đa khoa khác cũng tiến triển nặng hơn, diễn biến xấu nhất của trầm cảm đó là có ý định tự sát để giải thoát bản thân.
6. Đẩy lùi suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh thường bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh, bao gồm: sống cùng với sự căng thẳng và áp lực quá độ mà không thể giải tỏa, thường xuyên sử dụng các chất kích thích hoặc gây nghiện như: rượu, cà phê, thuốc lá; thường xuyên nổi nóng, cãi cọ hoặc xô xát với những người xung quanh; chế độ ăn uống nhiều chất béo, thường sử dụng đồ ăn nhanh; chế độ nghỉ ngơi không điều độ.
Lời khuyên tốt cho bạn và mọi người để đẩy lùi suy nhược thần kinh đó là thay đổi thói quen sống hàng ngày. Bạn nên lên kế hoạch cho mình tuân theo một lối sống tích cực và lành mạnh hơn, giúp những cảm xúc căng thẳng, stress của bản thân được giải tỏa. Lối sống lành mạnh tức là:
- Ăn uống khoa học, đủ chất kết hợp với nghỉ ngơi đầy đủ để nạp thêm năng lượng sau một ngày dài mệt mỏi với công việc.
- Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
- Cố gắng giảm thiểu hoặc tránh các đầu mối gây ra căng thẳng như: xung đột gia đình, mâu thuẫn nơi làm việc,.. bằng cách thường xuyên chia sẻ, tâm sự với bạn bè và người thân những vấn đề trong công việc cũng như trong cuộc sống mà bạn đang mắc phải. Điều này giúp bạn giảm được sự mệt mỏi và dồn nén trong cảm xúc.
- Nếu bạn đang gặp các vấn đề về sức khỏe thì nên đi thăm khám bác sĩ, tuân thủ theo quá trình điều trị và nên dũng cảm đối mặt với nó thay vì sợ hãi, trốn tránh. Điều này chỉ làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Hơn thế nữa, lâu dần nó sẽ dẫn tới các rối loạn khác của cơ thể như suy nhược thần kinh suy giảm tuổi thọ.
- Thư giãn đầu óc và nâng cao thể chất bằng các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên. Bạn nên dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Đặc biệt các bài tập thiền định, yoga hay thái cực quyền đều là những liệu pháp rất hữu ích cho những người thường xuyên bị áp lực căng thẳng.
- Khi nghi ngờ bản thân bị suy nhược thần kinh, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc để đối phó với chứng bệnh mà nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp chữa trị cụ thể. Những loại thuốc như an thần hoặc điều trị về thần kinh nếu lạm dụng quá mức có thể khiến cho tình trạng bệnh không những không cải thiện mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tổng thể của người bệnh.
- Bạn cũng không nên bắt ép bản thân phải đạt được những mục tiêu vượt quá khả năng của mình. Điều này chỉ khiến bạn tự tạo áp lực cho bản thân, dẫn tới thất vọng, buồn phiền. Chán nản khi không đạt được mục tiêu là nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới suy nhược thần kinh. Đôi khi, bạn nên biết tự hài lòng về những gì mình đang có, quẳng gánh lo đi vui mà sống, bạn sẽ thấy cuộc sống này nhẹ nhàng hơn, an nhiên hơn.
Cuộc sống xã hội hiện đại có nhiều căng thẳng stress dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh rất phổ biến hiện nay. Để cải thiện được hiện tượng này, chúng ta cần phải bảo vệ cơ thể tránh khỏi những căng thẳng lo âu trong cuộc sống, đồng thời bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để có một bộ não thật khỏe mạnh.
Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang có chức năng khám, tư vấn, điều trị ngoại trú các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org