Triệu chứng sớm của đái tháo đường type 2

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh đái tháo đường type 2 là bệnh mạn tính thường xuất hiện ở người từ 40 tuổi trở lên hay có yếu tố gia đình hoặc do thừa cân béo phì. Bệnh diễn biến âm thầm lặng lẽ rất ít triệu chứng thậm chí là không có mà chỉ khi phát hiện các biến chứng của bệnh thì người bệnh mới biết mình mắc bệnh đái tháo đường.

1. Đái tháo đường type 2 là gì?

Tiểu đường type 2 hay bệnh đái tháo đường type 2 là bệnh rối loạn chuyển hóa carbonhydrat có đặc điểm tăng glucose máu do cả 2 lý do là khiếm khuyết về tiết insulin và về tác động của insulin đến cơ thể hay gặp là đề kháng insulin.

Cơ chế của bệnh đầu tiên khi mới mắc bệnh đái tháo đường type 2 là sự đề kháng insulin, điều đó có nghĩa là cơ thể đủ insulin nhưng không thể sử dụng insulin đúng cách hay insulin không thực hiện được chức năng. Insulin chính là những cầu nối đưa nguồn thức ăn quan trọng nhất trong cơ thể là glucose vào bên trong tế bào từ đó các tế bào sử dụng để sản sinh ra năng lượng cho cơ thể.

2. Những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2

  • Tăng huyết áp: Là yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường. Tăng huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu lên thành mạch từ 140/90mmHg trở lên.
  • Béo phì: Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2 do sự dư thừa mỡ trong cơ thể càng thúc đẩy quá trình đề kháng insulin.
  • Tiền đái tháo đường: Đây là tình trạng rối loạn dung nạp glucose nhưng chưa đến mức chẩn đoán bệnh đái tháo đương. Nếu không có chế độ kiểm soát glucose kịp thời thì hơn 50% người bệnh sẽ tiến triển thành đái tháo đường type 2 sau 5 – 10 năm.
  • Chủng tộc: Người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa và người châu Á có nhiều khả năng mắc bệnh này.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường type2: Có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh đái tháo đường type2 thì nguy cơ bạn sẽ bị tiểu đường type 2.
  • Rối loạn lipid máu: Những người rối loạn lipid máu tăng nguy cơ đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.
  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) .
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần: Bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hoặc dùng thuốc chống loạn thần đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
  • Tuổi: 45 tuổi trở lên làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type2.
  • Sinh hoạt và lối sống không lành mạnh: như hút thuốc nhiều, uống nhiều rượu, ít tập thể dục.

Vậy khi trên cùng một bệnh nhân càng có nhiều yếu tố nguy cơ cao thì khả năng mắc bệnh đái tháo đường type2 càng cao và nhanh.

3. Triệu chứng của đái tháo đường type2 thường gặp

  • Đi tiểu nhiều: Thường xuyên hoặc đi tiểu nhiều lần là một dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu của bạn cao, nó đã xâm nhập cả vào đường tiết niệu.
  • Hay bị khát, khô miệng: Việc tiểu nhiều sẽ làm cơ thể tăng nhu cầu sử dụng nước để bù lại lượng nước đã mất. Điều này sẽ kích thích làm người bệnh luôn cảm thấy khát nước và uống nhiều nước hơn.
  • Thèm ăn nhiều hơn và nhanh đói: Một trong những chức năng của insulin là kích thích cảm giác đói. Do đó, nồng độ insulin cao trong cơ thể sẽ dẫn đến tăng cảm giác đói và muốn ăn.
  • Bị giảm cân hoặc tăng cân bất thường: Tăng hoặc giảm cân bất thường nhưng không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh đái tháo đường type2.

Tăng hoặc giảm cân bất thường nhưng không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường type 2
Tăng hoặc giảm cân bất thường nhưng không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường type 2
  • Đau hoặc tê bàn tay, chân: Người bệnh sẽ có cảm giác kiến ​​bò hoặc tê ở tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân. Đây là một dấu hiệu thần kinh của bệnh tiểu đường, nhẹ có thể tê bì thoáng qua, nhưng khi đã sưng, đau là dấu hiệu tổn thương thần kinh nặng.
  • Lâu lành vết thương và dễ nhiễm trùng: Nguyên nhân là do đường máu tăng cao, làm lượng máu lưu thông kém. Bên cạnh tác động đến hệ tuần hoàn, bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng cả đến hệ miễn dịch, cũng góp phần làm người bệnh khó lành các vết nhiễm trùng hoặc vết thương.
  • Nhìn mờ: Mờ mắt thường xảy ra sớm nếu người mắc bệnh tiểu đường type 2 không được phát hiện và điều trị. Khi lượng đường trong máu cao, gây dịch chuyển thủy tinh thể của mắt.
  • Mảng da tối màu: Đây là dấu hiệu của kháng insulin, những mảng da tối màu, đặc biệt là ở các nếp gấp của da như ở vùng nách, cổ, bẹn sẽ xuất hiện trên cơ thể.
  • Một số bị suy thận và phù, nhiễm khuẩn tiết niệu hay tái phát.

4. Biến chứng nguy hiểm của tiểu đường type 2

  • Bệnh tim và động mạch

Đái tháo đường type2 sẽ gây ra các mảng bám trong động mạch. Chất dính này làm chậm lưu lượng máu và tăng nguy cơ đông máu. Nó dẫn đến xơ cứng động mạch hay còn gọi là xơ vữa động mạch, khiến dễ bị đau tim hoặc đột quỵ.

  • Biến chứng thận

Bị đái tháo đường type2 càng có nguy cơ bị mắc bệnh thận mãn tính càng lớn. Bệnh đái tháo đường type2 là nguyên nhân hàng đầu của suy thận hiện nay. Kiểm soát glucose trong máu, huyết áp và cholesterol có thể làm giảm nguy cơ biến chứng này.

  • Tổn thương ở mắt

Lượng glucose trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến võng mạc, một phần quan trọng của mắt. Điều này được gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường và nó có thể dẫn đến mất thị lực.

  • Tổn thương dây thần kinh ngoại biên

Diễn biến theo thời gian bệnh đái tháo đường type2 không được kiểm soát và lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương dây thần kinh đặc biệt thần kinh ngoại biên. Các triệu chứng bao gồm: Ngứa ran, tê, đau, và cảm giác ghim và kim - thường ở ngón tay, bàn tay, ngón chân hoặc bàn chân của bạn.

  • Tổn thương bàn chân

Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu tới chân kém làm tăng nguy cơ các biến chứng bàn chân khác nhau. Nếu không điều trị, các vết cắt và vết rộp có thể bị nhiễm trùng nặng, thường khó lành và cuối cùng có thể phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc chân.

  • Biến chứng răng lợi

Lượng đường trong máu cao tạo điều kiện cho vi khuẩn tạo ra mảng bám. Mảng bám tích tụ dẫn đến sâu răng và bệnh nướu răng. Bệnh nướu răng nghiêm trọng có thể gây tổn thương răng, thậm chí phải nhổ bỏ răng.

  • Biến chứng trong thai kỳ

Lượng đường trong máu cao có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nguy cơ sảy thai cao hơn, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt. Đối với người mẹ, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ bị nhiễm toan ceton, bệnh võng mạc tiểu đường, tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật.

  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đặc biệt đời sống tình dục

Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh trong bộ phận sinh dục của bạn. Điều này có thể dẫn đến mất cảm giác và khó đạt cực khoái. Phụ nữ cũng dễ bị khô âm đạo. Khoảng 1 trong 3 người mắc bệnh tiểu đường sẽ có một số dạng rắc rối về tình dục.

5. Kiểm soát bệnh tiểu đường type 2


Kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và giảm cân
Kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và giảm cân

Kiểm soát glucose trong máu bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt ăn uống như chủ động giảm cân, ngừng uống rượu bia, tích cực tập thể dục hang ngày.

Kiểm soát lượng gkucose trong máu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và giảm cân. Điều đó cũng sẽ giảm nguy cơ biến chứng của bạn. Ăn nhiều rau xanh, hạn chế chất béo và protein, cắt giảm lượng calo.

Tập thể dục thường xuyên bằng việc đi bộ nhẹ nhàng để duy trì trọng lượng cơ thể và loại bỏ mỡ thừa. Cố gắng luyện tập trong 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần.

Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp và lượng đường trong máu vì thế hãy thư giãn như hít thở sâu, thiền hoặc nói chuyện với người thân, bạn bè.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên bằng máy mao mạch cá nhân: Sử chiếc máy đo đường huyết để kiểm tra lượng đường trong máu hoặc tới các cơ sở y tế kiểm tra. Việc kiểm tra đường huyết thường xuyên sẽ cho bạn biết lối sống, sinh hoạt có hiệu quả hay không để bạn có kế hoạch thay đổi cho hiệu quả.

Trường hợp bệnh nhân không thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động thì sẽ phải tiến hành điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ kê một hoặc nhiều loại thuốc uống điều trị tiểu đường khác với insulin tùy theo tình trạng bệnh nhân. Trường hợp sử dụng thuốc uống điều trị tiểu đường nhưng không có hiệu quả, bệnh nhân có thể kết hợp điều trị bằng insulin hoặc chuyển sang chỉ điều trị bằng insulin.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp gói Sàng lọc đái tháo đường - Rối loạn mỡ máu dành cho khách hàng có dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 2 nhằm mục đích chẩn đoán, sàng lọc sớm bệnh lý dựa trên các xét nghiệm định lượng trong máu, áp dụng nghiệm pháp dung đường uống (đối với khách hàng có kết quả đường máu lúc đói nghi ngờ)......Từ đó bác sĩ sẽ có kết luận và đưa ra lời khuyên phòng tránh bệnh cũng như liệu pháp điều trị thích hợp, khoa học đối với bệnh nhân.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Vũ Thị Duyên đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong khám chữa bệnh nội khoa chung đặc biệt có thế mạnh trong khám và điều trị chuyên ngành thận - Nội tiết.

Bác sĩ đã tham gia nhiều hội thảo trong, ngoài nước và hiện đang là bác sĩ Thận nội - Nội tiết Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe