Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị Bệnh nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Nhiễm trùng tiểu là bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở người, nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiết niệu gây nên các cảm giác khó chịu cho người bệnh như đau buốt, nóng rát khi tiểu,... Đây là bệnh lý không khó điều trị nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
1. Nhiễm trùng tiểu là gì?
Nhiễm trùng đường tiểu xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn trong đường tiết niệu, khiến cơ thể tạo ra các phản ứng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đó.
Nhiễm trùng tiểu chia làm 2 nhóm dựa theo vị trí giải phẫu bị nhiễm khuẩn:
- Nhiễm khuẩn tiết niệu trên: Gồm viêm thận bể thận cấp, viêm thận bể thận mạn.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Gồm viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở nữ giới, nam giới cũng mắc phải nhưng nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm trùng tiểu ở nam giới là do đường bài niệu bị tắc hoặc do những vi khuẩn đặc hiệu như lao, lậu,... gây nên.
2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu
Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) là nguyên nhân chính gây nên bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu, được tìm thấy ở ruột. Bệnh có thể do một số vi khuẩn khác gây ra như Enterococcus; Streptococcus nhóm B, nhóm A; Enterobacteriaceae; Pseudomonas spp,...
Vi khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể vào trong đường tiết niệu và di chuyển lên đến các bộ phận khác của cơ thể. Ở nữ giới, đường tiểu và hậu môn gần nhau hơn ở nam giới, nên nguy cơ mắc bệnh lý này sẽ cao hơn.
Vi khuẩn có thể đi vào trong đường tiết niệu thông qua các dụng cụ y tế như ống thông dùng trong y khoa, dụng cụ dùng để tán sỏi hoặc dùng để loại bỏ các dị vật làm tắc nghẽn đường tiểu,...
Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể xảy ra do sự xâm nhiễm từ các cơ quan lân cận như nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục, rò tiêu hóa, rò bàng quang âm đạo.
3. Dấu hiệu sớm của nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiểu có thể có hoặc không có triệu chứng. Dấu hiệu nhiễm trùng tiểu bao gồm:
- Bệnh nhân cảm thấy đau rát, tiểu buốt, khó chịu mỗi khi đi tiểu: Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, các mô đường tiết niệu, nơi mà vi khuẩn xâm nhập vào sẽ bị viêm và trở nên rất nhạy cảm do đó khi nước tiểu đi qua các mô này sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau và nóng rát.
- Tiểu sót: Bệnh nhân đi tiểu thường xuyên, có cảm giác buồn tiểu, vừa đi tiểu xong lại muốn đi tiểu tiếp, nhưng lượng nước tiểu rất ít và ngắt quãng.
- Đau vùng bụng dưới: Đây được xem là dấu hiệu cảnh báo sớm bàng quang của bệnh nhân đang bị viêm nhiễm. Bệnh nhân cảm thấy đau âm ỉ hoặc chuột rút.
- Nước tiểu đục, có mùi hôi: Nước tiểu của những người khỏe mạnh, không có vấn đề về sức khỏe thường không mùi và trong một số trường hợp chỉ có mùi amoniac nhẹ. Khi bị nhiễm trùng tiểu, bệnh nhân sẽ nhận thấy nước tiểu của mình có mùi hôi hoặc có mùi khác thường kèm theo nước tiểu đục.
- Kiểm soát bàng quang kém.
4. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
- Trường hợp nhiễm trùng đường tiểu cấp tính, cần bất động bệnh nhân, tăng cường lợi tiểu bằng cách truyền dịch và cho bệnh nhân uống nhiều nước để lợi tiểu.
- Dùng kháng sinh đặc hiệu liều cao, phối hợp các nhóm kháng sinh để tránh tình trạng kháng thuốc, dùng kháng sinh từ 5-7 ngày.
- Có thể dùng thêm các loại thuốc sát khuẩn đường niệu như: Negram, Nitrofurantoin, Mictasol Blue...
- Chế độ ăn nhẹ, giảm đạm động vật, giảm muối, không nên ăn các thức ăn đóng hộp.
- Tìm hiểu và giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh.
- Trong thời kỳ mang thai, nếu bị viêm bể thận - thận cấp thì nguy cơ bị nhiễm khuẩn huyết rất cao, thậm chí có thể dẫn đến sảy thai, do đó cần nghiên cứu phá thai (trong 6 tháng đầu) hoặc đẻ non.
5. Phòng tránh nhiễm trùng đường tiết niệu
- Uống đủ nước mỗi ngày: Bệnh nhân có thể sử dụng nước lọc hoặc nước ép để uống nhằm lọc đường tiết niệu và hỗ trợ điều trị.
- Vệ sinh sạch sẽ, nên lau chùi từ trước ra sau, tránh thụt rửa và xịt nước sâu vào trong âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. Mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật.
- Trước và sau khi quan hệ tình dục cần vệ sinh sạch sẽ, tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng.
- Nên tiểu thường xuyên và làm rỗng bàng quang hoàn toàn;
- Thuốc tránh thai có thể gây tương tác với một số loại thuốc kháng sinh, do đó cần báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc tránh thai.
- Nếu bệnh nhân hay bị nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa bệnh.
Bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm trùng tiểu có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nôi -Ngoại tiết niệu được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.