Thuốc Camoas có thành phần chính là Flavoxate hydrochloride được chỉ định điều trị chứng khó tiểu, tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu dắt. Tham khảo thông tin về công dụng, thành phần và cách sử dụng thuốc Camoas để có cách dùng thuốc hiệu quả, tránh tác dụng phụ không mong muốn.
1. Thuốc Camoas có tác dụng gì?
Thuốc Camoas 200 mg là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Me Di Sun. Thuốc có thành phần chính là flavoxat hydrochlorid, đây là thuốc dùng để chống co thắt cơ trơn đường tiết niệu sinh dục.
Flavoxate hydrochloride là một thuốc tổng hợp, hoạt chất này có tác dụng làm giãn cơ trơn. Theo đó, cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế men phosphodiesterase, đối kháng trực tiếp sự co thắt cơ trơn của bàng quan, đường tiết niệu, sinh dục. Cụ thể, Flavoxate hydrochloride có tác dụng chống co thắt mạnh hơn các alcaloid và ít gây độc tính hơn.
Sau khi uống, thuốc Camoas được hấp thu qua đường tiêu hóa và nồng độ đạt đỉnh trong máu sau khoảng thời gian 20 phút. Flavoxate hydrochloride được phân bố trong mô não, gan, thận, bàng quang và được thải trừ qua nước tiểu, không tích tụ trong cơ thể.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Camoas
2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Camoas
Thuốc Camoas được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau:
- Thuyên giảm các triệu chứng của bệnh viêm bàng quang, đau bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo-bàng quang.
- Thuốc được chỉ định trong các trường hợp chống co thắt ở bệnh sỏi thận, rối loạn co thắt đường tiết niệu, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang.
- Giảm co thắt đường sinh dục ở những chị em phụ nữ trong các trường hợp đau vùng chậu, đau bụng kinh...
Thuốc Camoas có thể được bác sĩ kê đơn điều trị một số bệnh lý khác không được liệt kê ở trên. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
2.2. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Camoas trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh quá mẫn với Flavoxate hydrochloride hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Người bệnh bị tắc hồi tràng hoặc bị hỏng tá tràng.
- Người bệnh bị chấn thương gây tắc ruột, liệt ruột, xuất huyết đường tiêu hóa.
Thông thường, nếu người bệnh bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc thì sẽ không được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc. Những trường hợp khác sẽ được quy định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc các đơn thuốc mà bác sĩ kê đơn chỉ định. Theo đó, những chống chỉ định thuốc Camoas phải được hiểu là những chống chỉ định tuyệt đối, có nghĩa là không vì lý do nào đó mà trường hợp chống chỉ định có thể linh động được sử dụng thuốc.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Camoas
3.1. Cách dùng thuốc Camoas
Thuốc Camoas được bào chế dưới dạng viên nén bao phim nên được dùng bằng đường uống. Người bệnh cần uống nguyên viên thuốc với nước lọc. Để tránh kích ứng dạ dày thì người bệnh nên uống thuốc vào lúc ăn no, thời điểm lý tưởng là sau khi ăn khoảng 30 phút-1 giờ.
3.2 Liều dùng thuốc Camoas
Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định liều lượng thuốc riêng biệt. Liều dùng tham khảo: như sau: Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi: Liều lượng uống 1 viên/lần, ngày dùng 3-4 lần.
4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Camoas
Trong quá trình sử dụng thuốc Camoas 200mgm người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:
- Hệ tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, khô miệng, buồn nôn
- Hệ thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, cảm xúc không ổn định.
- Thị giác: Tăng nhãn áp.
- Trên da: Phát ban da, nổi mề đay và các bệnh ngoài da
Ngoài tác dụng phụ trên, nếu người bệnh có bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thì người bệnh cần ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
5. Tương tác thuốc Camoas
Khi sử dụng đồng thời thuốc Camoas cùng với thuốc, thực phẩm có thể gây tương tác, từ đó làm giảm tác dụng hoặc gia tăng tác dụng phụ không mong muốn với người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng để bác sĩ điều trị có những chỉ định liều lượng và đưa ra lời khuyên phù hợp. Một số tương tác thuốc Camoas có thể xảy ra đó là:
Hoạt chất Flavoxat có tác dụng làm giãn cơ, đồng thời có tác dụng kháng muscarinic. Tương tác của Flavoxat tương tự như các chất kháng muscarinin. Tác dụng của Flavoxat, thuốc kháng muscarinin có thể tăng cao khi kết hợp với thuốc kháng muscarinin như: amantadin, thuốc kháng histamin, phenothiazin, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế MAO.
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Camoas
Trong quá trình sử dụng thuốc Camoas, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Người bệnh cần đọc kỹ thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.
- Người bệnh cần dùng đúng liều lượng thuốc chỉ định. Nếu quên liều thuốc Camoas thì người bệnh cần uống ngay sau khi nhớ ra. Nếu đã đến thời gian uống liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên, uống liều mới như bình thường, tuyệt đối không được chồng liều.
- Khi thuốc có dấu hiệu chảy nước, ẩm mốc hay thuốc đã hết hạn sử dụng thì người bệnh không được sử dụng.
- Người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 15 tuổi cần thận trọng khi sử dụng.
- Phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú: Hiện nay, chưa có báo cáo về sự an toàn khi sử dụng thuốc Camoas cho phụ nữ có thai, bà mẹ đang cho con bú. Do đó, những đối tượng này cần thận trọng khi sử dụng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Để đảm bảo chất lượng thuốc thì bạn cần bảo quản thuốc ở nơi khô thoáng, nhiệt độ phòng 15 - 30 độ C, tránh ánh nắng mặt trời có tia UV chiếu trực tiếp vào thuốc. Bảo quản thuốc Camoas ở nơi cao, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ và vật nuôi trong gia đình.
Thuốc Camoas có thành phần chính là Flavoxate hydrochloride được chỉ định điều trị chứng khó tiểu, tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu dắt. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ thì người bệnh cần dùng thuốc theo đơn và nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.