Đau đầu sau gáy tưởng chừng như là một biểu hiện thông thường, tuy nhiên nó có thể phản ánh một tình trạng bệnh lý nào đó. Đặc biệt khi cơn đau đầu kéo dài có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nguyên nhân của tình trạng đau đầu sau gáy là gì? Đau đầu sau gáy kéo dài có nguy hiểm không?
1. Đau đầu sau gáy là gì?
Đau đầu sau gáy được hiểu là đau phía sau đầu, vùng cổ gáy, mặt - hốc mắt. Hiện tượng này gây đau nhức hoặc đau mỏi vùng cổ gáy lan lên đầu vùng chẩm, đỉnh đầu thậm chí lan đến vùng thái dương hai bên.
Đau có thể thành cơn hoặc âm ỉ liên tục, mức độ từ nhẹ đến nặng, tính chất như điện giật hoặc cảm giác bó thắt, có thể kèm theo rối loạn cảm giác da đầu, hạn chế vận động cổ, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, buồn nôn, chóng mặt hoặc không.
2. Đau đầu sau gáy kéo dài nguy hiểm thế nào?
Các cơn đau đầu kéo dài, đau đầu liên tục nhiều ngày có thể là dấu hiệu của những bệnh lý sau:
- Hội chứng nhiễm siêu vi (bệnh cảm cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết): Người bệnh thường có cảm giác đau đầu sau gáy, đau mỏi vùng cổ gáy, uống thuốc không giảm, cổ cứng, ói, sợ ánh sáng, sốt cao. Trẻ em thường là đối tượng dễ mắc bệnh, bệnh khởi phát nhanh và khó phát hiện.
- Viêm màng não là bệnh do virus, vi trùng. Nếu do siêu vi trùng gây nên thì bệnh có thể khỏi trong vòng vài ngày còn nếu là vi trùng gây nên thì sức khỏe bệnh nhân có thể diễn tiến trầm trọng và khả năng tử vong cao.
- Đau đầu do u não: Do u não gây tăng áp lực nội sọ dẫn đến cơn đau đầu sau gáy, kèm theo nôn, sợ sáng, rối loạn ý thức. Giai đoạn sau kèm buồn nôn, giảm thị lực hoặc các dấu hiệu của thần kinh khu trú như liệt chi thể, liệt dây thần kinh sọ não, mắt mờ.
- Đau đầu do xuất huyết não (đột quỵ): Với các triệu chứng như đau đầu, đau đầu sau gáy đột ngột, dữ dội và có thể liệt nửa người, hôn mê nhanh. Bệnh nhân dễ bị đột quỵ sau khi gắng sức về tâm lý hoặc thể lực trong lúc làm việc, sinh hoạt bình thường, cơn xuất huyết não cũng có thể gặp ngay cả trong lúc ngủ.
- Đau đầu do tăng huyết áp: Thường với những bệnh nhân trên 50 tuổi có bệnh lý tăng huyết áp đi kèm. Đau đầu sau gáy, đau như bó chặt lấy đầu thường là dấu hiệu của cơn cao huyết áp.
Nguyên nhân bệnh nhân bị đau đầu khi tăng huyết áp là do áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch tăng làm cho thành mạch bị giãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này ngày càng tăng ở các mạch máu nhỏ tại não gây ra hiện tượng đau đầu. Bệnh kéo dài dễ gây ra các biến chứng như tắc mạch máu não, liệt.
- Bệnh lý liên quan đốt sống cổ (thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, gai đôi đốt sống cổ, quá phát mỏm ngang C7, lao xương khớp) trong đó thoát vị đĩa đệm cổ. Đau đầu sau gáy, có thể kèm theo đau mỏi cổ gáy, hạn chế vận động cổ gáy, rối loạn cảm giác da đầu, đau có thể lan xuống cánh tay và cẳng tay,...
- Ngoài ra, các bệnh lý hố sau (U, xuất huyết,...) cũng gây ra cơn đau nửa sau đầu kèm theo triệu chứng thần kinh khu trú.
Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.
3. Phòng tránh tình trạng đau đầu sau gáy
- Nên có một chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, bạn có thể tham gia các lớp yoga hay thiền để cải thiện tình trạng xương khớp (cột sống cổ).
- Khám sức khỏe định kỳ, đây là cách để duy trì sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý và có biện pháp điều trị kịp thời hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.