Có thể tự nhận diện triệu chứng tiền sản giật?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Thai phụ với chỉ số huyết áp ≥ 140/90mmHg có thể là một dấu hiệu của tiền sản giật - bệnh lý nguy hiểm làm tăng nguy cơ thai chết lưu hay sinh non cho em bé và làm nguy hại đến sức khỏe của người mẹ.

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng, thường xuất hiện ở nửa sau thai kỳ do huyết áp tăng cao và có dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là thận. Phụ nữ mang thai dù có huyết áp bình thường cũng có thể bị tiền sản giật vào tuần thứ 21 của thai kỳ.

Bệnh nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sản giật gây những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé.

Khoảng 6 - 8% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật ở thai phụ, bao gồm:

  • Tiền sử bị tiền sản giật: Tiền sử bản thân hoặc gia đình bị mắc bệnh.
  • Mang thai lần đầu
  • Tuổi tác: Mang thai khi ngoài 40 tuổi làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Mang đa thai: Tiền sản giật thường xảy ra với tỷ lệ cao ở phụ nữ có thai đôi, thai ba.
  • Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai: nếu khoảng thời gian giữa hai lần mang thai của bạn là ngắn hơn 2 năm hoặc dài hơn 10 năm, bạn có nguy cơ bị tiền sản giật.
  • Tiền sử bệnh tật: Cao huyết áp, đau nửa đầu, tiểu đường tuýp 1 hoặc tiểu đường tuýp 2, bệnh thận, bệnh lupus,...
Phụ nữ trung niên
Phụ nữ mang thai khi ngoài 40 tuổi có nguy cơ tiền sản giật cao hơn bình thường

2. Dấu hiệu của tiền sản giật

Dấu hiệu đặc trưng khi thai phụ bị tiền sản giật là hiện tượng tăng huyết áp và protein niệu tăng cao.

Thai phụ bị tiền sản giật thường có:

  • Cao huyết áp thai kỳ: HA > 140/90 mmHg, đột ngột tăng cao sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thấy Albumin niệu > 300 mg/24h hoặc cao hơn.

Tiền sản giật nặng: Khi huyết áp > 160/110 mmHg hoặc có một trong hai đặc điểm:

  • Albumin niệu >3,5 g hoặc hơn.
  • Hoặc có các dấu hiệu nặng, ví dụ như thiểu niệu ( NT < 500 mL//24h), có vấn đề về thận, nhức đầu, mờ mắt, đau vùng thượng vị, phù phổi cấp, suy tim.
Những căn bệnh có thể dẫn tới huyết áp thấp
Dấu hiệu đặc trưng khi thai phụ bị tiền sản giật là hiện tượng huyết áp tăng nhiều

Các dấu hiệu của tiền sản giật biểu hiện ra bên ngoài:

  • Phù nề: Bình thường, sự phù nền chỉ diễn ra ở thai phụ trong 3 tháng cuối và chỉ bị sưng phù nhẹ ở chân, thường phù về chiều, khi được nằm nghỉ, kê cao chân thì sẽ hết. Nếu phù nề là triệu chứng của tiền sản giật thì sẽ bị phù toàn thân, phù trong cả buổi sáng, kê cao chân cũng không hết được.
  • Đau đầu nghiêm trọng
  • Thay đổi thị lực như tạm thời mất thị lực, mắt mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau bụng trên
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Đi tiểu ít
  • Giảm lượng tiểu cầu trong máu, Creatinin trong máu tăng cao.
  • Chức năng gan suy giảm, biểu hiện men gan tăng cao.
  • Khó thở do có dịch trong phổi.

Một số dấu hiệu bên ngoài của bệnh tiền sản giật có thể khiến phụ nữ cảm thấy rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khác. Thậm chí, chị em có thể tưởng nhầm là đau đầu, mệt mỏi do mang thai. Do đó, ngoài việc chăm sóc sức khỏe, bổ sung dưỡng chất, thai phụ cần thường xuyên thăm khám định kỳ để theo dõi.

Đặc biệt, nếu chị em có điều kiện, nên thường xuyên kiểm tự kiểm tra huyết áp tại nhà. Những phụ nữ mang thai có huyết áp tối đa cao hơn 30mmHg hay huyết áp tối thiểu tăng cao hơn 15mmHg so với huyết áp ở thời điểm chưa mang thai thì cần chú ý thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ ngay để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

945 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan