Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em thế nào?

Viêm tụy cấp ở trẻ em là một tình trạng viêm đột ngột của tuyến tụy, một cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng máu, suy đa tạng hoặc tử vong. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm tụy cấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thu Hương - Trưởng Đơn nguyên Cấp Cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Hương đã có 37 năm kinh nghiệm trong ngành và nguyên là Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi Trung Ương. Thế mạnh của bác là chẩn đoán và điều trị bênh, hồi sức cấp cứu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

1. Nhận biết trẻ bị viêm tụy

Sự tự tiêu hủy của các men tụy gây tổn thương tế bào nang tuyến, dẫn đến tình trạng viêm tuyến tụy cấp. Bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em thường phức tạp do liên quan đến nhiều bệnh lý khác. Bệnh có thể diễn biến nhẹ, tự khỏi hoặc nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Nghiên cứu cho thấy, viêm tụy cấp ở trẻ em có nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:

  • Bệnh lý đường mật: Chiếm khoảng 10-30% tổng số ca, bao gồm sỏi túi mật, sỏi nhỏ và cặn bùn đường mật, tắc nghẽn bóng Vater.
  • Bệnh lý toàn thân: Chiếm khoảng 10-50% nguyên nhân, gồm các bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, nhiễm độc.
  • Thuốc: Khoảng 5-25% trường hợp viêm tụy cấp ở trẻ em do sử dụng các loại thuốc như Salicylate, Azathioprine, Valproic acid, Metronidazole,…
  • Chấn thương: Chiếm khoảng 10-20% trường hợp.
  • Rối loạn chuyển hoá: Chiếm khoảng 5-10% trường hợp.
  • Vô căn (tức là chưa xác định được nguyên nhân): Chiếm khoảng 15-30% trường hợp.

Thường sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ, trẻ bị viêm tụy cấp thường đau bụng dữ dội. Cơn đau tập trung chủ yếu ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn, cơn đau tăng dần, trẻ đặc biệt bị đau nhiều sau khi ăn. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị nôn nhiều, mệt mỏi, mất nước và chán ăn.

Mặt khác, quai bị có thể gây ra biến chứng viêm tụy cấp ở trẻ. Do đó, khi trẻ bị quai bị, cha mẹ cần theo dõi sát sao.

2. Chẩn đoán viêm tuyến tụy ở trẻ

Triệu chứng viêm tụy cấp:

  • Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc tăng dần từ từ. Các cơn đau đột ngột thường là dấu hiệu của trường hợp nặng. Bệnh khởi đầu nhẹ thường có cơn đau diễn tiến từ từ.
  • Cơn đau thường tập trung ở nửa trên hoặc phần trên bên trái của bụng và có thể lan ra phía sau lưng.
  • Đau có thể kéo dài trong vài ngày.
  • Cơn đau tăng lên khi nằm ngửa hoặc sau khi ăn.

Triệu chứng viêm tụy mạn:

  • Trẻ bị viêm tụy mạn thường cảm thấy đau ở phần giữa và phần trên lưng, bụng.
  • Dấu hiệu suy kiệt, suy dinh dưỡng cũng xuất hiện ở bệnh nhi.
  • Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị phình bụng và sốt.
Trẻ bị viêm tuỵ cấp có thể bị đau bụng dữ dội.
Trẻ bị viêm tuỵ cấp có thể bị đau bụng dữ dội.

So với viêm tụy cấp tính, triệu chứng của viêm tụy mạn tính thường rất mơ hồ và khó phát hiện. Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em, các bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm nhất định.

2.1 Xét nghiệm máu

  • Xét nghiệm công thức máu:
    • Bạch cầu có thể tăng cao trong viêm tụy cấp.
    • Hematocrit có khả năng giảm.
  • Chỉ số Amylase/ máu:
    • Amylase/ máu tăng trên 3 lần so với giá trị bình thường.
    • Mức tăng của Amylase/ máu có thể đạt đỉnh và duy trì trong khoảng 3-5 ngày.
    • Mức tăng của Amylase/ máu không phản ánh mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Chỉ số Amylase/ nước tiểu:  
    • Amylase/ nước tiểu tăng trên 2 tuần.
    • Chỉ số Amylase nước tiểu có ý nghĩa khi Amylase máu tăng dưới 3 lần so với giá trị bình thường.
  • Lipase:
    • Lipase/ máu tăng gấp 3 lần so với giá trị bình thường.
    • Lipase/ máu có độ đặc hiệu cao hơn Amylase máu.
  • Các xét nghiệm khác: Ion đồ, khí máu, đường huyết, urê/ máu, creatinin/ máu, triglyceride, LDH,... được chỉ định khi nghi ngờ bệnh nặng.
  • Cấy máu: Cấy máu được thực hiện khi nghi ngờ nhiễm trùng hoặc có hoại tử tụy.

2.2 Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm bụng: Phương pháp này hữu ích trong việc xác định bệnh và dự đoán diễn biến của bệnh. Đáng chú ý, khoảng 20% bệnh nhân viêm tụy cấp khi mới mắc bệnh có thể cho kết quả siêu âm hoàn toàn bình thường.
  • X-quang bụng không sửa soạn: Đây là một xét nghiệm hình ảnh được chỉ định khi cần phân biệt giữa hai tình trạng bệnh lý là tắc ruột và thủng ruột.
  • Chụp CT bụng.
  • MRCP (chụp cộng hưởng từ mật tụy) và EUS (siêu âm nội soi) là những kỹ thuật hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán viêm tụy cấp ở trẻ em, nhất là khi bệnh tái phát nhiều lần.

3. Điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em

Để điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em, các bác sĩ sẽ đặt một ống vào dạ dày của trẻ nhằm rút dịch ra ngoài. Trong suốt quá trình điều trị, bé sẽ được yêu cầu nhịn ăn hoàn toàn. Thay vào đó, tất cả chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp qua đường tĩnh mạch hoặc đặt một ống xông đặc biệt qua dạ dày.  

Sau đó trẻ sẽ được bù dịch, nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, trẻ có thể phải dùng thêm kháng sinh. Thời gian điều trị và nằm viện cho đến khi bé hồi phục hoàn toàn có thể kéo dài tới cả một tháng. 

Thời gian điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em và nằm viện có thể lên tới cả tháng.
Thời gian điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em và nằm viện có thể lên tới cả tháng.

Trong một số trường hợp cụ thể, bệnh nhi viêm tụy có thể cần phẫu thuật. Đó là khi:

  • Viêm tụy hoại tử, kèm theo các triệu chứng như nôn ói nhiều, bụng chướng đau khi ấn và có dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc.
  • Xuất hiện áp xe tại tuyến tụy với kích thước vượt quá 3 cm.
  • Có tình trạng viêm tụy xuất huyết.
  • Hình thành nang giả tụy, tăng kích thước nhanh, lớn hơn 5 cm và tồn tại lâu hơn 4 tuần. 
Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tụy cấp.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tụy cấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe