Điều trị viêm loét dạ dày đòi hỏi sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, chế độ ăn uống hợp lý và sử dụng các loại thuốc điều trị đặc hiệu. Việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của bệnh, cũng như các phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện tình trạng sức khỏe và ngăn ngừa tái phát.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ ThS. BS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Viêm loét dạ dày có điều trị được không?
Viêm loét dạ dày có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng cách sử dụng thuốc nếu đang ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý rằng bệnh lý này rất dễ tái phát nhiều lần. Nếu không điều trị, viêm loét dạ dày sẽ trở thành mãn tính và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, bệnh nhân cần chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa đúng cách để phòng ngừa bệnh tái phát.
2. Các cách điều trị viêm loét dạ dày tại bệnh viện
2.1. Điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc
Khuyến cáo: Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Đầu tiên, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và xác định tình trạng cũng như nguyên nhân gây bệnh. Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc phù hợp để điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Thông thường, các loại thuốc thường được dùng để điều trị bao gồm:
- Thuốc kháng acid: Giúp trung hòa acid trong dịch vị dạ dày tá tràng.
- Thuốc giảm tiết acid: Làm giảm lượng acid tiết ra.
- Thuốc ức chế bơm proton: Ngăn chặn việc tiết dịch HCL trong dạ dày.
- Thuốc tạo màng bọc: Tạo lớp bảo vệ xung quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Thuốc diệt HP: Có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn HP gây bệnh.
- Thuốc ức chế thụ thể Choline: Ức chế dây thần kinh số X để giảm co thắt dạ dày và giảm tiết acid thông qua tác động trực tiếp lên tế bào thành dạ dày, gián tiếp kìm hãm sản xuất gastrin.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh đường uống và thuốc ức chế acid dạ dày trong 14 ngày để tiêu diệt vi khuẩn HP, giảm các nguy cơ xuất hiện biến chứng.
2.2. Phẫu thuật
Đối với một số trường hợp xuất hiện biến chứng và điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng điều trị bệnh viêm loét dạ dày gồm:
- Cắt dây thần kinh phế vị
- Phẫu thuật cắt một phần dạ dày
- Phẫu thuật cắt ba phần tư dạ dày
- Phẫu thuật cắt một nửa dạ dày.
3. Các phương pháp điều trị tại nhà
3.1. Kết hợp với các loại thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh viêm loét dạ dày
Các thực phẩm có lợi cho việc điều trị viêm loét dạ dày bao gồm:
- Củ nghệ vàng: Tinh bột nghệ vàng cùng mật ong là các thực phẩm được biết đến với khả năng chống viêm và chống loét dạ dày tá tràng cũng như giảm tiết dịch vị.
- Nha đam: Nước ép nha đam có hiệu quả trong giảm đầy hơi và nhuận tràng…
- Nghệ đen: Sử dụng bột nghệ đen pha với nước ấm có thể kích thích tiêu hóa và giảm tiết dịch vị…
- Bột quả sung pha nước ấm: Các hợp chất có trong quả sung như phosphor, kali, glucose, malic acid và vitamin giúp chữa lành vết viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, có nhiều bài thuốc Nam truyền miệng được cho là hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, vì các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
3.2. Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt một cách hợp lý
Thay đổi lối sống là phương pháp hiệu quả để điều trị viêm loét dạ dày. Áp dụng các thói quen ăn uống và sinh hoạt sau đây có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng viêm loét dạ dày:
- Bổ sung trái cây, rau xanh giàu flavonoid như táo, hành, gừng…và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn.
- Tăng cường những thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua và tương miso (gia vị của Nhật Bản).
- Thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C giúp làm lành vết loét, tăng cường sức đề kháng và hạn chế viêm loét dạ dày tái phát.
- Duy trì tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và lo âu.
- Thực hiện các hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe như đi bộ hoặc yoga.
- Ăn đúng giờ, đều đặn.
- Ưu tiên các thức ăn mềm và dễ tiêu hóa.
Bên cạnh việc thực hiện những điều kể trên, bệnh nhân cần:
- Tránh hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác.
- Không uống đồ có cồn như rượu bia.
- Tránh thức khuya, đảm bảo giấc ngủ đầy đủ.
- Tránh ăn thức ăn cay nóng.
3.3. Chườm ấm
Chườm túi ấm từ 50 đến 65 độ C lên vùng bụng bị khoảng 10 đến 20 phút sẽ giảm cơn đau, co bóp ở dạ dày hiệu quả và cải thiện các triệu chứng của viêm loét dạ dày.
3.4. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ
Sau khi hoàn thành liệu trình thuốc theo đơn của bác sĩ, tình trạng viêm loét dạ dày có thể có những chuyển biến khác nhau tùy thuộc vào chế độ sinh hoạt và cơ địa của từng bệnh nhân. Do đó, để kiểm soát tốt tình trạng bệnh và xác định phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám mà bác sĩ đã định.
Thông thường, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân từ 2 đến 4 tuần và đặt lịch tái khám để đánh giá hiệu quả điều trị sau khi sử dụng thuốc. Bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc hoặc hủy lịch tái khám khi cảm thấy triệu chứng đã giảm hay biến mất. Đặc biệt, bệnh nhân không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng đơn thuốc của người khác để trị viêm loét dạ dày vì những hành động này có thể gây hại và thậm chí cản trở tác dụng của thuốc.
Nếu tình trạng viêm loét dạ dày đã được điều trị và ổn định, bệnh nhân vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiến hành kiểm tra định kỳ để phòng ngừa nguy cơ bệnh tái phát.
4. Những lưu ý khi điều trị viêm loét dạ dày
Trong quá trình áp dụng các phương pháp điều trị bệnh viêm loét dạ dày, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
- Tuân thủ hướng dẫn và chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ.
- Không ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn.
- Kết hợp bổ sung thực phẩm và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng và cải thiện hệ tiêu hóa.
- Theo dõi triệu chứng và tình trạng sức khỏe. Nếu có bất kỳ bất thường nào, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để thăm khám chuyên sâu.
Viêm loét dạ dày đang ngày càng phổ biến và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh có thể điều trị viêm loét dạ dày dứt điểm bằng thuốc, tuy nhiên cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu xuất hiện các biến chứng nguy hiểm nào bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.