Cách chữa mất giọng cho người phải nói nhiều

Mất giọng khàn tiếng có thể gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống của bệnh nhân, cản trở tới sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày, đặc biệt là với những người phải nói nhiều. Vì vậy, cần áp dụng sớm các cách chữa mất giọng hiệu quả.

1. Mất giọng là gì?

Lời nói được hình thành nhờ hoạt động của 2 dây thanh nằm trong thanh quản. 2 dây thanh này rung động đồng nhất, đóng mở trơn tru và biến đổi linh hoạt theo từng âm sắc, tạo ra âm thanh với cường độ cao - thấp khác nhau. Mất giọng khàn tiếng là tình trạng giọng nói bị rè, khàn, không trong trẻo được như trước, thậm chí không nói được rõ từ.

Tình trạng khàn giọng mất tiếng phổ biến ở những người có công việc phải nói nhiều như giáo viên, phát thanh viên, MC, ca sĩ, tư vấn viên,... Khi phải nói nhiều liên tục trong thời gian dài, dây thanh quản sẽ phải làm việc quá mức, trở nên suy yếu và tổn thương. Lúc này, các virus, vi khuẩn dễ xâm nhập dây thanh quản, gây sưng viêm kéo dài. Các tổn thương như hạt xơ, u nang dây thanh, viêm thanh quản,... gây cản trở hoạt động của 2 dây thanh, làm giọng nói bị biến đổi, âm thanh trở nên khàn đục hoặc không rõ tiếng.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân gây mất giọng khan tiếng là: Mắc bệnh nhược cơ, suy giáp, tổn thương thanh quản do từng mổ tuyến giáp/cổ/ngực, mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, tiếp xúc nhiều với các chất gây kích ứng như thuốc lá, khói bụi, bị cảm lạnh, cúm kèm các cơn ho kéo dài nhưng không được điều trị dứt điểm,...

Khi bị mất tiếng và khàn giọng, người bệnh còn có triệu chứng ngứa, rát và đau ở cổ họng. Họ luôn cảm thấy cổ họng khô khó chịu, khát nước,... Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ càng trở nên mệt mỏi, kiệt sức, đôi khi bị khó nuốt, khó thở,...

2. Cách chữa mất giọng nhanh nhất

Mất giọng và cách chữa là mối quan tâm của nhiều bệnh nhân có đặc thù công việc phải nói nhiều. Sau đây là các cách chữa khan tiếng mất giọng hiệu quả mà người bệnh nên tham khảo:

2.1 Điều chỉnh chế độ sinh hoạt để cải thiện tình trạng bệnh

Khi giọng nói trở nên khàn đặc, không rõ tiếng thì bạn nên:

  • Hạn chế nói chuyện, không nên nói to với âm lượng lớn để giúp dây thanh quản được nghỉ ngơi;
  • Súc miệng bằng nước muối pha loãng khoảng 3 lần/ngày hoặc ngậm mật ong pha chanh ấm để chống viêm hiệu quả;
  • Cho 1 - 2 muỗng giấm táo nguyên chất vào 1 cốc nước nhỏ, uống vài lần/ngày cho tới khi tình trạng mất tiếng được cải thiện;
  • Pha 2 muỗng cà phê mật ong với 250ml lít sữa tươi hâm nóng. Sau đó, uống từng ngụm thật chậm, uống nhiều lần trong ngày để làm dịu cổ họng;
  • Không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn vì chúng có thể gây tổn thương cổ họng;
  • Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt chú ý ở vùng cổ họng. Vào mùa hè, bệnh nhân nên tránh để điều hòa với nhiệt độ quá thấp. Vào mùa đông, người bệnh nên mặc ấm, quàng khăn khi đi ra ngoài đường;
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể;
  • Tránh nói thầm, vì việc này thực sự sẽ khiến dây thanh quản chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn so với việc nói với âm sắc bình thường;
  • Nếu bị ho gây mất tiếng và có nhiều đờm, bạn hãy ngâm vài lát củ hành khô trong nước ấm vài giờ, sau đó dùng nước hành để súc miệng.

2.2 Điều trị khàn giọng mất tiếng ở bệnh viện

Chứng khàn giọng mất tiếng diễn ra trong thời gian dài có thể gây khó khăn trong giao tiếp và khiến người bệnh đau đớn, khó chịu trong cổ họng. Do đó, bệnh nhân nên đến bệnh viện để thăm khám, được tư vấn cách chữa mất giọng kịp thời.

Tại các bệnh viện, với trang thiết bị chuyên dụng, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ tổn thương ở cổ họng, đặc biệt là dây thanh quản của bệnh nhân. Các phương pháp thăm thường được sử dụng là:

  • Khám lâm sàng tai – mũi – họng;
  • Nội soi họng - thanh quản, kiểm tra đánh giá mức độ viêm, phát hiện các bất thường khác nếu có;
  • Chụp X-quang cổ họng để xác định xem có khối u ở vị trí này hay không;
  • Siêu âm để kiểm tra xem có hạch ở cổ họng hay không, xác định vị trí khối u và xem xét tình trạng lây lan của khối u.

Qua các bước thăm khám cần thiết, bác sĩ sẽ có nhận định chính xác. Nếu tình trạng mất giọng khan tiếng là do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc phù hợp. Với trường hợp phát hiện khối u ở vùng cổ họng hoặc mức độ viêm quá nặng, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị bằng các phương pháp phù hợp để chữa trị dứt điểm.

3. Biện pháp phòng ngừa tình trạng mất tiếng

Thay vì tìm cách chữa mất giọng khi đã xảy ra tình trạng này, người bệnh nên chủ động phòng ngừa từ trước. Để phòng tránh nguy cơ khàn giọng mất tiếng gây ảnh hưởng tới giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày, bệnh nhân nên lưu ý tới một số biện pháp bảo vệ dây thanh quản như:

  • Uống nhiều nước đều đặn trong suốt cả ngày, tránh để cổ họng bị khô;
  • Không sử dụng điều hòa với mức nhiệt độ quá thấp. Sinh hoạt quá lâu trong phòng có nhiệt độ thấp sẽ dễ gây các bệnh về đường hô hấp;
  • Mặc quần áo đủ ấm nếu phải làm việc nhiều giờ trong những căn phòng quá lạnh;
  • Hạn chế uống nước quá nóng hoặc quá lạnh vì nó có thể gây tổn thương cho thanh quản. Nên bỏ thói quen uống nước đá lạnh trong những ngày trời nắng gắt;
  • Nên nghỉ ngơi khoảng 2 - 3 ngày khi bị cảm cúm để tránh phải nói nhiều, đặc biệt là nếu trước đó bệnh nhân đã có tiền sử bị mất tiếng;
  • Không được bước vào phòng điều hòa khi quần áo đang ướt mồ hôi;
  • Không đi đầu trần quá lâu giữa trưa nắng, dưới ánh nắng mặt trời gay gắt;
  • Ngưng hút thuốc lá, uống rượu, bia,... vì đây là các chất kích thích - tác nhân trực tiếp gây tổn thương vùng cổ họng và thanh quản;
  • Hạn chế nói nhiều trong thời gian dài, nên xen kẽ thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, không nói to, hét lớn hoặc hắng giọng vì việc này sẽ kích thích dây thanh quản.
  • Người có thanh quản nhạy cảm có thể tham khảo biện pháp sau: Dùng lòng bàn tay chà mặt trước khuỷu và cổ tay nhiều lần trong ngày. Điều này giúp tác động vào một số huyệt đạo ở 2 vị trí này, giúp tăng tác dụng kháng viêm cho cơ thể, phòng ngừa khàn giọng mất tiếng.

Tình trạng khàn giọng mất tiếng nếu không được điều trị sớm và dứt điểm thì có thể sẽ gây nhiều hậu quả tiêu cực tới sức khỏe của bệnh nhân. Đồng thời đây cũng là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý nguy hiểm mà người bệnh không thể chủ quan. Do vậy, nếu có biểu hiện mất tiếng kéo dài, đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không cải thiện được, người bệnh nên đi thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác, tư vấn cách chữa mất giọng phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan