Trào ngược họng – thanh quản (Laryngopharyngeal reflux – LPR) là bệnh lý mà acid từ dịch dạ dày di chuyển ngược chiều sinh lý qua thực quản và gây tổn thương ở vùng họng – thanh quản.
1. Người nào có nguy cơ mắc trào ngược họng – thanh quản?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc trào ngược LPR, tuy nhiên có một số cá nhân dễ mắc bệnh lý này hơn những người khác:
- Những người có chế độ ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều đồ chua cay, chè, café,...
- Những người mặc quần áo chật hoặc thắt lưng chặt.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người làm việc căng thẳng và stress.
2. Nguyên nhân gây ra trào ngược họng – thanh quản?
LPR có nguyên nhân là do dịch dạ dày chứa acid bị đẩy ngược lên vùng họng. Khi bạn nuốt, thức ăn sẽ di chuyển theo một chiều từ họng qua thực quản để xuống dạ dày. Có một cơ gọi là cơ thắt thực quản đóng vai trò kiểm soát chỗ nối thông giữa thực quản và dạ dày. Cơ này có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản luồng trào ngược.
Khi cơ này hoạt động không tốt, dịch thức ăn có chứa acid sẽ di chuyển từ dạ dày và qua thực quản. Hiện tượng này gọi là trào ngược dạ dày thực quản.
3. Triệu chứng của trào ngược họng – thanh quản là gì?
Các triệu chứng của trào ngược họng - thanh quản bao gồm:
- Đau họng.
- Khàn tiếng mức độ nhẹ
- Cảm giác vướng mắc ở cổ như có một khối gì.
- Cảm giác đằng hắng giọng
- Hay ho khạc chất dịch nhầy ở họng và cảm giác chảy dịch mũi sau.
- Ho mạn tính
- Khó nuốt.
4. Chẩn đoán trào ngược họng – thanh quản?
Chẩn đoán trào ngược họng – thanh quản thường dựa vào triệu chứng khó chịu của bệnh nhân hoặc thăm khám của bác sĩ phát hiện hiện tượng phù nề ở thành sau họng. Trong nhiều trường hợp, không cần đến các xét nghiệm để chẩn đoán.
Trong một số trường hợp không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm bao gồm:
- Nội soi họng – thanh quản, nội soi dạ dày – thực quản.
- Chụp X quang có uống Barium (hiện nay ít dùng)
- Test pH dạ dày qua test thổi bóng
- Test HP
5. Biến chứng của trào ngược họng – thanh quản
Khi bệnh diễn biến trong thời gian dài có thể đưa đến những biến chứng sau:
- Những rối loạn hô hấp như ho kéo dài
- Viêm phổi tái phát liên tục
- Viêm thanh quản dai dẳng
- Những bất thường vùng họng miệng.
6. Điều trị bệnh trào ngược họng – thanh quản?
Hầu hết các trường hợp trào ngược họng – thanh quản không cần điều trị bằng thuốc và có thể bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt, bao gồm:
- Duy trì chế độ ăn cân bằng (giảm các loại acid béo, dầu mỡ, các đồ chua cay, đồ uống có gas, café, tăng cường rau củ quả, ...)
- Chia nhỏ các bữa ăn, không nên ăn quá no
- Giảm cân
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá và café.
- Không ăn quá khuya, không ăn gì trước khi đi ngủ 2 giờ.
- Không mặc quần áo quá chật
- Nằm đầu cao nhẹ khoảng 15 – 20 độ so với mặt giường.
- Tránh đằng hắng giọng.
Trong các trường hợp thay đổi lối sống mà không đáp ứng. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ:
- Thuốc kháng histamine H2
- Thuốc ức chế bơm proton
- Thuốc nhanh làm rỗng dạ dày.
- Thuốc trung hòa acid dịch vị
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY