Bệnh thủy đậu lây qua những đường nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh thủy đậu có thể bùng phát thành dịch, nguy hiểm hơn khi đối tượng chính của bệnh là trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức về bệnh cũng như cách thức lây truyền thủy đậu để biết cách bảo vệ sức khỏe cho con mình.

1. Thời gian ủ bệnh thủy đậu trong bao lâu?

Thủy đậu là bệnh gây ra bởi virus thủy đậu (Varicellavirus), xảy ra ở trẻ nhỏ, virus này còn là nguyên nhân gây bệnh zona ở người lớn. Bệnh diễn biến cấp tính với biểu hiện sốt nhẹ và phát ban. Ban mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ nốt sần, bọng nước trong, bọng nước đục cho đến nốt vảy.

Cũng như các bệnh nhiễm khuẩn lây bằng đường không khí giọt nhỏ, mức độ mắc thủy đậu cao hơn trong các tháng lạnh. Dịch thủy đậu cũng có tính chất chu kỳ nhất định như dịch sởi.

Thời gian ủ bệnh: 2 đến 3 tuần, thông thường 14-16 ngày.

Thời kỳ lây truyền: Dài nhất là 5 ngày, nhưng thường là từ 1-2 ngày trước phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên. Sự lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch. Tỷ lệ tấn công thứ phát ở những người cảm nhiễm sống cùng trong gia đình là 70 - 90%. Bệnh nhân zona có thể lan truyền bệnh trong một tuần sau khi mọc ban. Cơ thể cảm nhiễm có thể bị mắc bệnh sau khi phơi nhiễm 10 - 21 ngày.


Virus thủy đậu
Virus thủy đậu

2. Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?

Bệnh thủy đậu lây truyền qua những con đường sau:

  • Lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp.
  • lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng.
  • Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc.

Ở người bị thủy đậu, bệnh có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy. Khoảng 90% những người chưa từng bị thủy đậu sẽ mắc bệnh, nếu tiếp xúc với một người bị nhiễm bệnh.

3. Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?

Cũng như các bệnh lý khác, nếu không được điều trị kịp thời bệnh thủy đậu có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm:

  • Nhiễm trùng da nơi mụn nước: Đây là biến chứng nhẹ, không gây nguy hiểm, nhưng có thể để lại sẹo.
  • Vi trùng xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết.
  • Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não,...: Đây là các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại di chứng về sau này.
  • Zona: Ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). 10, 20, hay 30 năm sau đó, khi gặp được các điều kiện thuận tiện (sức đề kháng cơ thể yếu đi, mắc một số bệnh nhất định,...), siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và là một yếu tố gây bệnh zona (hay còn gọi là giời leo).
  • Bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus thủy đậu trong cơ thể mẹ sẽ gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh,... Ở những ngày cuối của thai kỳ hoặc sau sinh, bệnh thủy đậu ở mẹ có thể lây sang bé, khiến bé bị nổi mụn nước rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp,...

4. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu


Tiêm vacxin phòng thủy đậu là cách hiệu quả và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu
Tiêm vacxin phòng thủy đậu là cách hiệu quả và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu

Tiêm vacxin phòng thủy đậu là cách hiệu quả và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu. Vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Khoảng 90% người đã tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, rất ít nốt đậu, không bị biến chứng. Thực hiện tiêm chủng: Vắc xin thủy đậu sống giảm độc lực. Với trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều 0,5 ml dưới da. Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.

Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tầm quan trọng của tiêm vắc-xin đúng lịch

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh, phụ huynh vẫn nên đưa con đi tiêm vắc xin đúng lịch. Việc trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ hoặc khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi...trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.

Trong vòng 5 năm đầu đời trẻ mới xây dựng được hệ miễn dịch hoàn thiện vì vậy tiêm chủng đầy đủ là một cách tăng cường sức đề kháng hiệu quả với trẻ. Cha mẹ cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng tuân thủ đúng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ y tế như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra các phụ huynh luôn cập nhật thông tin đúng đủ về chủng Covid -19 này để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi Virus Corona.

Những khu vực không có dịch các mẹ vẫn có thể cho bé đi tiêm phòng theo lịch tiêm chủng phù hợp với lứa tuổi, nhưng tránh những nơi tụ tập đông người, nên đặt lịch hẹn trước tránh không phải chờ đợi và đến cơ sở y tế tin tưởng cơ sở vật chất đảm bảo.

>> Xem thêm: Có nên trì hoãn việc tiêm chủng trong đợt dịch Covid-19? được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Nguồn tổng hợp: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe