Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường sinh dục thường gặp trong cộng đồng. Bệnh sùi mào gà khiến nhiều người lo lắng về khả năng tự khỏi cũng như khả năng điều trị dứt điểm của bệnh.
1. Bệnh sùi mào gà là gì?
Bệnh sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất. Tác nhân gây bệnh là do một loại virus có tên là Human Papiloma Virus (HPV). Tổn thương cơ bản do virus này gây ra là các sẩn nhỏ màu hồng nhạt hoặc bề ngoài trông giống như súp lơ, ban đầu có thể chỉ nhỏ bằng đầu đinh ghim hoặc có thể tiến triển thành đám lớn.
Các sang thương thường gặp tại những vị trí ẩm ướt của vùng sinh dục, ở âm hộ, âm đạo, đáy chậu và cổ tử cung ở nữ; ở quy đầu, thân dương vật, da bìu và hậu môn ở nam. Đôi khi sang thương cũng có thể nhiễm ở miệng, hầu họng nếu quan hệ tình dục đường miệng với người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, mọi biểu mô của tổn thương sùi mào gà bong ra đều có chứa HPV, do vậy HPV còn có thể lây truyền dễ dàng và gây bệnh trên da, niêm mạc có tiếp xúc trực tiếp với sang thương.
2. Sùi mào gà có chữa dứt điểm được không?
Nhiều bệnh nhân mắc sùi mào gà thường do dự trong điều trị, do những thắc mắc về việc sùi mào gà có tự khỏi hay không. Các chuyên gia da liễu cho biết đối với bệnh sùi mào gà nếu người bệnh không cảm thấy khó chịu thì có thể không cần điều trị; nếu người bệnh cảm thấy ngứa, rát, hoặc không tự tin thì nên đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên hiện nay chưa có thuốc điều trị triệt để căn bệnh này, và càng không thể tự khỏi nếu không điều trị.
Giải pháp tốt cho điều trị hiện nay là đốt các sang thương bằng laser CO2 hay đốt điện, tác động trực tiếp vào sang thương trên bề mặt da, niêm mạc. Tuy nhiên, do bản chất bệnh gây ra bởi virus, đồng thời các phương pháp đốt này chỉ loại bỏ được các nốt sùi chứ không tiêu diệt được virus nên sau đó các sang thương cũng dễ phát triển trở lại. Theo đó, người bệnh vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị cho đến khi hoàn toàn không thấy sang thương mới, tối thiểu trong thời gian ủ bệnh là lên đến 8 tháng. Sau 8 tháng mới có thể đánh giá được có chữa dứt điểm sùi mào gà hay chưa.
Ngoài các phương pháp trên, các sang thương do mào gà cũng có thể giải quyết được với chấm dung dịch trichloactic acid, dung dịch podophyllotoxine 20 - 25% và chỉ áp dụng đối với các tổn thương sùi mào gà ở âm hộ, âm đạo, không được bôi lên các nốt sùi ở cổ tử cung hay trong lỗ hậu môn, vì không kiểm soát được mức độ tổn thương loét niêm mạc do thuốc.
3. Làm gì khi mắc bệnh sùi mào gà?
Không nên trông chờ sùi mào gà có thể tự khỏi mà nên đi thăm khám chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Bác sĩ sẽ xác định bệnh, loại trừ các sang thương da thường gặp khác và lập kế hoạch điều trị trước khi tổn thương lan rộng.
Từ đó, nếu tích cực tuân thủ phác đồ, theo dõi và vận động bạn tình cùng tham gia điều trị, người bệnh sùi mào gà có thể hy vọng ngăn ngừa bệnh diễn tiến đến các biến chứng nguy hiểm cũng như tránh lây lan cho người khác.
Vì sùi mào gà không thể tự khỏi và việc điều trị dứt điểm là vô cùng khó khăn nên phòng bệnh cần được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, tốt nhất là tiêm phòng vắc xin HPV ngay trước khi có quan hệ tình dục đầu tiên, có thể bắt đầu từ tuổi thanh thiếu niên.
Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân như rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước và xà phòng thích hợp trước và sau khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, việc dùng bao cao su cũng có thể dự phòng được bệnh sùi mào gà và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tuy vậy, virus gây bệnh này vẫn có thể xâm nhập vào vùng da và niêm mạc khác ngoài bộ phận sinh dục.
Để bảo vệ tốt nhất sức khỏe tình dục của bản thân, chúng ta nên chủ động thăm khám tại bệnh viện có uy tín để phát hiện sớm nhất dấu hiệu bệnh và có hướng can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.