Ứng dụng của oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị viêm cơ tim cấp

Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) là một kỹ thuật hỗ trợ tạm thời chức năng tim phổi bởi một hệ thống tim phổi nhân tạo. Kỹ thuật này được sử dụng trên bệnh nhân suy hô hấp và suy tuần hoàn, đặc biệt là viêm cơ tim, giúp người bệnh vượt qua tình trạng nguy kịch, đồng thời giúp tim phổi có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.

1. Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể là gì?

Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal membrane oxygenation (ECMO)) là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi mà cả hai chức năng này đều không thể hoạt động bình thường. Công nghệ ECMO có tác dụng thay thế hoạt động của tim hoặc phổi hoặc cả hai trong một khoảng thời gian ngắn.

Kỹ thuật ECMO giúp đưa máu ra ngoài cơ thể, loại bỏ CO2 và thêm O2 vào tế bào hồng cầu, sau đó đưa máu giàu O2 trở lại cơ thể. Do đó, công nghệ này được sử dụng trong các trường hợp suy tim, suy hô hấp nghiêm trọng, thậm chí là ngưng thở để bác sĩ có thời gian tìm nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị.

ECMO được ứng dụng nhiều ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, người trưởng thành bị suy tim, suy hô hấp, hay các bệnh lý về tim gây cản trở hô hấp, tuần hoàn, nguy hiểm đến tính mạng đều có thể sử dụng ECMO.

2. Ứng dụng của oxy hóa màng ngoài cơ thể trong điều trị viêm cơ tim cấp

Viêm cơ tim
Viêm cơ tim là một bệnh có diễn biến nhanh chóng, phức tạp, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị sớm và kịp thời

Viêm cơ tim là một bệnh có diễn biến nhanh chóng, phức tạp, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị sớm và kịp thời. Dấu hiệu ban đầu của bệnh không điển hình, giống với cảm cúm thông thường. Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ thể, chán ăn. Những biểu hiện này tương đối nhẹ nhàng nên thường làm người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh rất nhanh, chỉ sau vài ngày kể từ thời điểm xuất hiện các triệu chứng ban đầu. Bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng cấp tính bao gồm tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, mạch yếu dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn nhịp tim, viêm phổi.

Các trường hợp bệnh vào viện với thể tối cấp thì các chỉ định điều trị như hỗ trợ hô hấp, sử dụng thuốc vận mạch, chống loạn nhịp tim gần như không đáp ứng. Theo đó, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn bằng oxy hóa màng ngoài tim là lựa chọn duy nhất còn lại có thể giúp hồi sinh người bệnh. ECMO đóng vai trò như tim, phổi nhân tạo, hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não bộ; lọc máu liên tục để hỗ trợ gan, thận giúp duy trì sự sống cho người bệnh, đồng thời tạo thời gian cho tim được nghỉ ngơi và hồi phục.

Sau khi được hỗ trợ bằng oxy hóa màng ngoài tim, bệnh nhân có thời gian đáp ứng với các thuốc vận mạch, chống loạn nhịp mà tại thời điểm bệnh biểu hiện cấp tính không đáp ứng và có thời gian cho tim, phổi được nghỉ ngơi và hồi phục dần.

Ngoài viêm cơ tim, ECMO còn ứng dụng trong tất cả các bệnh khác dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn như:

  • Hỗ trợ sau phẫu thuật tim, sau phẫu thuật bắt cầu mạch vành, đặt dụng cụ hỗ trợ thất
  • Suy tim cấp
  • Suy tim trơ với điều trị nội khoa với liều tối đa catecholamine:
    • Adrenalin > 4 μg/phút
    • Dopamine hoặc Dobutamine > 20 μg/kg/phút
  • Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS)
  • Viêm phổi (virus, vi khuẩn, viêm phổi hít)
  • Rối loạn chức năng phổi sau ghép tạng
  • Phù phổi sau cắt phổi
  • Sốc tim
  • Ngừng tim

3. Các phương pháp điều trị viêm cơ tim bằng ECMO

ECMO có hai loại phổ biến nhất là tĩnh mạch-động mạch (V-A ECMO) và ECMO tĩnh mạch-tĩnh mạch (V-V ECMO). ECMO giúp máu được đưa ra bên ngoài cơ thể từ hệ thống tĩnh mạch được thêm oxy rồi trả về cơ thể. Trong V-A ECMO, máu được trả về hệ thống động mạch và trong V-V ECMO máu được trả về hệ thống tĩnh mạch. Tuy nhiên, V-V ECMO chỉ hỗ trợ hô hấp, không hỗ trợ cho tim còn V-A ECMO thì có thể hỗ trợ cả tim và hô hấp.

3.1 Tĩnh mạch-động mạch (V-A ECMO)

Ở phương pháp tĩnh mạch-động mạch (V-A ECMO), người thực hiện thủ thuật sẽ đặt một ống thông tĩnh mạch vào tĩnh mạch đùi bên trái hoặc bên phải để lấy máu ra bên ngoài và một ống thông động mạch vào động mạch đùi bên trái hoặc bên phải để trả máu vào cơ thể. Vị trí của đầu ống thông ở tĩnh mạch đùi phải được giữ ở ngay gần đường giao nhau của tĩnh mạch chủ dưới và tâm nhĩ phải, trong khi đầu của ống động mạch đùi phải ở trong động mạch chậu.

3.2 Tĩnh mạch-tĩnh mạch (V-V ECMO)

Ở phương pháp ECMO tĩnh mạch-tĩnh mạch (V-V ECMO), người thực hiện thủ thuật đặt một ống thông vào tĩnh mạch đùi để đưa máu ra và tĩnh mạch cảnh trong bên phải để trả máu về.

4. Chống chỉ định của ECMO

Người cao tuổi
ECMO chống chỉ định tuyệt đối với người có độ tuổi trên 65

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Người có độ tuổi > 65
  • Block tim không thể hồi phục
  • Block phổi không thể hồi phục
  • Tăng áp phổi nặng mạn tính.
  • Người có cân nặng >140kg
  • Bệnh gan tiến triển
  • AIDS
  • Không xác định được thời điểm ngưng tim hoặc thời gian hồi sức tim-phổi kéo dài > 60 phút.

Chống chỉ định tương đối:

  • Chấn thương với nhiều vết thương chảy máu
  • Suy đa cơ quan

Chống chỉ định tuyệt đối cho phương thức V-V ECMO:

  • Tăng áp phổi nặng (mPAP > 50 mmHg)
  • Suy tim trái hoặc phải nặng (EF<25%)
  • Bệnh nhân đã ngưng tim

Chống chỉ định tuyệt đối cho phương thức V-A ECMO:

  • Phình động mạch chủ
  • Hở van động mạch chủ nặng

5. Biến chứng của oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO)

Đột quỵ
Đột quỵ là biến chứng có thể gặp của oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể
  • Thần kinh: Hậu quả phổ biến ở người lớn được điều trị bằng ECMO là xuất huyết dưới màng nhện, nhồi máu, thiếu máu cục bộ ở não, hôn mê không rõ nguyên nhân và chết não. Khả năng xuất huyết là từ 30-40% do thuốc chống đông máu chứa heparin được truyền vào liên tục gây rối loạn chức năng của tiểu cầu. Bởi vậy, người bệnh cần được thăm khám, xét nghiệm kỹ càng trước khi tiến hành thực hiện ECMO và theo dõi sát xao trong suốt quá trình chạy máy để đảm bảo an toàn và phát hiện kịp thời các biến chứng.
  • Máu: Tiểu cầu trong máu bị giảm do thuốc chống đông máu heparin, để khắc phục, sử dụng thuốc chống đông không có heparin. Ngoài ra, có một lưu lượng máu ngược dòng trong động mạch chủ ngay cả khi động mạch đùi và tĩnh mạch đang nối với máy ECMO. Nếu đầu ống thông không duy trì ở vị trí cũ sẽ xảy hiện tượng ứ máu làm xuất hiện các cục máu đông.
  • Sinh non: Trẻ dưới 32 tuần tuổi sẽ không được sử dụng ECMO để duy trì sự sống do rủi ro xuất huyết nội sọ là rất cao.
  • Nhiễm trùng: Do là hệ thống trao đổi oxy bên ngoài màng cơ thể và kết nối trực tiếp với các mạch máu trong cơ thể nên nguy cơ nhiễm trùng là rất cao. Nếu không được phát hiện xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
  • Suy thận: Suy thận xảy ra khi hệ thống ECMO không cung cấp đủ máu cho thận, thường gặp là suy thận cấp.
  • Đột quỵ: Do tắc mạch hoặc hệ thống không cung cấp và phân phối đủ máu cho một số vùng trên não.
  • ECMO cũng có khả năng gây tổn thương tại các vị trí đặt ống.

Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ECMO là phương pháp y khoa đòi hỏi bác sĩ và kỹ thuật viên phải có chuyên môn nghiệp vụ cao. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng thành công phương pháp này vào quá trình điều trị, giúp cứu sống được rất nhiều trường hợp bệnh nhân viêm cơ tim cấp.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình phẫu thuật và hồi sức cho người bệnh có thể kể đến như: Hệ thống tim phổi nhân tạo HR20 của Maquet, Máy thở R860 của GE.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

554 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan