Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xơ vữa động mạch cảnh và hẹp động mạch cảnh là nguyên nhân chính của bệnh động mạch cảnh. Các mảng chất béo lắng đọng bên trong lòng mạch hay còn gọi là mảng xơ vữa, ngăn cản dòng máu giàu oxy lên nuôi não bộ và các cấu trúc ở vùng đầu. Bệnh động mạch cảnh có liên quan mật thiết với bệnh đột quỵ khi lưu lượng tuần hoàn đến não bị sụt giảm nghiêm trọng.
1. Động mạch cảnh là gì?
Động mạch cảnh là một nhánh lớn xuất phát từ động mạch chủ ngực, hướng lên chia nhánh nuôi dưỡng cho não bộ. Cơ thể người có hai động mạch cảnh ở hai bên, với đường đi đối xứng nhau qua đường giữa. Động mạch cảnh chia nhánh tại vùng cổ, trên sụn giáp, ngang mức đốt sống cổ thứ 4, thành động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài. Động mạch cảnh có thể sờ thấy được trên lâm sàng và ứng dụng đánh giá người bệnh trong bối cảnh sốc, mạch ngoại biên không bắt được.
Bệnh động mạch cảnh là một bệnh lý khá thường gặp trên lâm sàng, đặc biệt ở nhóm những người cao tuổi có nhiều nguy cơ. Người bệnh trên 80 tuổi chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp, trong khi nhóm bệnh nhân trên 50 tuổi chỉ chiếm 1%. Hẹp động mạch cảnh do xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây bệnh động mạch cảnh phổ biến nhất. Biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch cảnh là đột quỵ. Người bệnh có thể phải đối diện với những di chứng về thần kinh, vận động và ngôn ngữ gây suy giảm chất lượng cuộc sống lâu dài.
Bệnh động mạch cảnh phát triển âm thầm trong một thời gian dài. Đôi khi dấu hiệu đầu tiên để phát hiện bệnh là đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua. Tuy nhiên, bệnh động mạch cảnh là bệnh có thể dự phòng hoặc làm chậm lại diễn biến của bệnh bằng việc phát hiện và thay đổi các yếu tố nguy cơ. Điều trị bệnh động mạch cảnh cần có sự phối hợp giữa việc thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và điều trị bằng phẫu thuật trong một số trường hợp.
2. Nguyên nhân gây bệnh động mạch cảnh
Ở những người khỏe mạnh, động mạch cảnh có thành bên trong trơn láng, được lót bởi các tế bào nội mô nguyên vẹn và luôn đảm bảo vai trò đưa máu lên nuôi não bộ và các cấu trúc vùng đầu. Bệnh động mạch cảnh xuất hiện khi có sự lắng đọng của cholesterol, mô xơ, canxi và những tổ chức khác tạo nên các mảng xơ vữa bên trong động mạch. Theo thời gian, các mảng xơ vữa tăng dần kích thước, chiếm hết lòng mạch và gây giảm lưu lượng máu lưu thông đến não. Xơ vữa động mạch cảnh khiến thành động mạch trở nên cứng và hẹp lòng. Sự sụt giảm oxy và các chất dinh dưỡng trong máu ảnh hưởng đến hoạt động của các cấu trúc não quan trọng một cách từ từ hoặc có thể đột ngột trong bệnh cảnh tai biến mạch máu não.
Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.3. Yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch cảnh
Yếu tố nguy cơ mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch cảnh lên nhiều lần. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch cảnh bao gồm:
- Tăng huyết áp: Áp lực lớn tác động lên thành động mạch trong thời gian dài gây tổn thương thành mạch.
- Hút thuốc lá: Hoạt chất nicotine có trong thuốc lá kích thích và gây tổn thương cho lớp nội mạc của động mạch cảnh. Hút thuốc lá còn là nguyên nhân làm tăng nhịp tim và huyết áp.
- Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường khiến quá trình chuyển hóa chất béo xảy ra không hiệu quả, tăng nguy cơ mắc phải tình trạng xơ vữa mạch máu , bao gồm cả xơ vữa động mạch cảnh.
- Tăng mỡ máu: nồng độ cao của LDL-cholesterol và triglycerides tạo điều kiện lắng đọng các các mảng xơ vữa.
- Tiền sử gia đình có người thân mắc xơ vữa động mạch hoặc bệnh động mạch cảnh.
- Tuổi: Động mạch cảnh trở nên kém linh hoạt hơn và dễ tổn thương ở những người lớn tuổi.
- Béo phì: Cân nặng tăng quá mức làm tăng nguy cơ phải đối diện với nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và đái tháo đường.
- Chứng ngưng thở khi ngủ: Làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Lối sống tại chỗ, ít vận động: Tăng nguy cơ tổn thương động mạch do bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì.
4. Dấu hiệu nhận biết bệnh động mạch cảnh
Bệnh động mạch cảnh trong giai đoạn sớm rất khó phát hiện vì không có triệu chứng gì trên lâm sàng. Bệnh động mạch cảnh sẽ diễn tiến chậm và âm thầm cho đến khi gây thiếu hụt máu đến não, gây thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ với các triệu chứng sau:
- Đột ngột yếu liệt tay chân hoặc các cơ vùng mặt, thường chỉ thấy ở một bên cơ thể.
- Đột ngột có bất thường về nói và hiểu ngôn ngữ.
- Đột ngột nhìn không rõ ở một hoặc cả hai mắt.
- Chóng mặt, mất thăng bằng.
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh được chỉ định để làm rõ chẩn đoán bệnh động mạch cảnh và đánh giá mức độ của nó. Siêu âm động mạch cảnh khảo sát dòng máu lưu thông và áp lực của động mạch cảnh. Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não phát hiện tổn thương nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Chụp động mạch cảnh trong có thuốc bổ sung với siêu âm trong việc đánh giá dòng chảy, mức độ hẹp của động mạch cảnh và các hệ động mạch khác kèm theo.
Khi có một trong các dấu hiệu gợi ý đột quỵ kể trên, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế có trung tâm điều trị đột quỵ gần nhất để được cứu chữa kịp thời trong thời gian vàng.
5. Dự phòng và điều trị bệnh động mạch cảnh
May mắn, bệnh động mạch cảnh có thể dự phòng được bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Không hút thuốc lá: Ngưng hút thuốc lá trong vòng vài năm giúp giảm nguy cơ đột quỵ xuống thấp tương đương với người không hút thuốc lá.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định: Thừa cân là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau.
- Giới hạn cholesterol và chất béo trong chế độ ăn hằng ngày.
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả: Kali, folate và các chất chống oxy hóa có trong trái cây và rau xanh giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh thiếu máu não thoáng qua và tai biến mạch máu não.
- Giới hạn muối: Theo các chuyên gia một người lớn khỏe mạnh nên sử dụng ít hơn 1,5 gram muối mỗi ngày.
- Luyện tập thể dục thường xuyên: giúp giảm huyết áp, tăng HDL-cholesterol, một loại cholesterol tốt và cải thiện sức khỏe hệ tim mạch, giảm cân, kiểm soát tốt đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường.
- Giới hạn các thức uống chứa cồn
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường và tăng huyết áp.
Mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị bệnh động mạch cảnh là phòng ngừa biến chứng đột quỵ. Phương pháp điều trị cụ thể được lựa chọn dựa trên mức độ hẹp của động mạch cảnh. Thay đổi lối sống, sử dụng thuốc hạ huyết áp và điều chỉnh các rối loạn mỡ máu được lựa chọn trong những trường hợp hẹp lòng động mạch cảnh từ nhẹ đến vừa. Khi tắc nghẽn động mạch cảnh nặng hoặc khi bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng, người bệnh cần được chỉ định các thủ thuật để nong rộng lòng động mạch và lấy bỏ cục máu đông nếu có. Đặt stent động mạch cảnh, nong bằng bóng hoặc phẫu thuật là những kỹ thuật được sử dụng phổ biến trên lâm sàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.