Chung sống khỏe mạnh với bệnh rung tâm nhĩ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, Siêu âm tim, chụp và can thiệp động mạch vành.

Rung tâm nhĩ là một trong những bệnh lý tim mạch có thể dẫn đến suy tim, đột quỵ. Người bệnh cần có lối sống lành mạnh, kiểm soát tiểu đường, huyết áp... để chung sống khỏe mạnh với căn bệnh này.

1. Rung tâm nhĩ là gì?

Thông thường, tim sẽ đập khoảng từ 60 - 90 lần/phút khi nghỉ ngơi, và sẽ đập nhanh hơn khi hoạt động gắng sức.

Nếu quá trình hình thành và lan truyền xung điện của tim có vấn đề bất thường sẽ làm rối loạn co bóp tim. Nếu xung động không xuất phát từ nút xoang mà xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến cơ nhĩ bị kích thích liên tục, hoạt động trong trạng thái rung, không còn đồng bộ và nhịp nhàng như bình thường. Tình trạng này được gọi là rung tâm nhĩ.

2. Bị rung tâm nhĩ phải làm sao?

Tim mạch
Bị rung tâm nhĩ phải làm sao?

Để chung sống khỏe mạnh với bệnh rung tâm nhĩ, tránh các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau đây:

2.1 Cẩn trọng với tất cả các dấu hiệu cảnh báo rung nhĩ

Một số trường hợp, rung tâm nhĩ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng có đến gần 45% các ca đột quỵ là do rung tâm nhĩ gây nên. Rung tâm nhĩ cũng có nguy cơ rất cao dẫn đến suy tim.

Người bệnh cần lưu ý tất cả các dấu hiệu của bệnh rung tâm nhĩ như: mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, đau tức ngực... nhất là những người bị bệnh tim. Không nên chủ quan với bất cứ triệu chứng nào. Nếu thấy cơ thể có điều gì bất thường nên đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.

2.2 Kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp

Bệnh tiểu đường và tăng huyết áp là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người bệnh rung tâm nhĩ nếu bị tiểu đường và huyết áp cao có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần. Do đó, để chung sống khỏe mạnh với rung tâm nhĩ, hạn chế nguy hiểm của bệnh, người bệnh cần kiểm soát tiểu đường và huyết áp.

Chú ý xây dựng chế độ ăn uống ít đường, ít muối, kiểm soát đường huyết, cân nặng, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để nắm bắt rõ tình trạng cơ thể.

2.3 Chế độ ăn tốt cho tim

Người bệnh nên có một chế độ ăn uống hợp lý tốt cho tim mạch với các nguyên tắc sau:

  • Hạn chế đường tinh chế;
  • Hạn chế chất béo chuyển hóa, các loại thức ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo...
  • Tăng cường rau xanh, hoa quả;
  • Tăng cường đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt;
  • Tăng cường các chất béo có lợi cho tim như: đậu nành, cá hồi (giàu omega 3), thịt bò...
Đường
Người bệnh cần hạn chế đường tinh chế trong khẩu phần ăn hàng ngày

2.4 Không hút thuốc lá

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển rung tâm nhĩ và đột quỵ. Vì thế, người bệnh tuyệt đối không được hút thuốc.

2.5 Hạn chế rượu và các chất kích thích

Một ly rượu vang mỗi ngày tốt cho người bệnh rung tâm nhĩ. Nhưng uống nhiều rượu có thể khiến chứng rối loạn nhịp tim gia tăng không chỉ ở người bệnh mà còn ở cả người khỏe mạnh bình thường. Bệnh nhân rung tâm nhĩ cần hạn chế rượu bia, các chất kích thích.

2.6 Hạn chế cà phê

Cà phê có thể khiến huyết áp tăng cao, rất nguy hiểm đối với bệnh rung tâm nhĩ. Người bệnh nên sử dụng cà phê ở mức vừa phải, tránh uống quá nhiều.

2.7 Vận động cơ thể thường xuyên

Vận động đúng cách không những làm giảm nguy cơ biến chứng từ các bệnh lý tim mạch mà còn giúp trái tim khỏe mạnh hơn. Người bệnh nên luyện tập nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng và bệnh lý của mình. Nên bắt đầu một cách từ từ, tăng thời lượng và mức độ luyện tập dần dần. Không nên tập quá sức vì có thể khiến tình trạng rung tâm nhĩ nặng thêm. Các chuyên gia khuyến cáo, người bị bệnh tim nên đi bộ ít nhất 30 phút/ngày.

2.8 Giữ cơ thể khỏi các bệnh cúm, viêm phổi

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cúm và viêm phổi có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Do đó, người bệnh tâm nhĩ nên chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng tránh cúm và viêm phổi, nhất là vào những thời điểm giao mùa.

2.9 Giảm căng thẳng

Căng thẳng, hồi hộp có thể khiến tim đập nhanh, loạn nhịp tim. Người bệnh nên tránh stress, cần cân bằng công việc và cuộc sống. Có thể thử tập yoga để kiểm soát tinh thần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan