Các tác nhân và bệnh thường gặp liên quan đến bệnh mạch vành

Bài viết của BSNT Đặng Thị Linh - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh mạch vành (BMV) là bệnh lý tim mạch thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nếu không phát hiện điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại các biến chứng và hậu quả khôn lường cho người bệnh như suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử... Bệnh có thể kéo dài, ổn định nhưng cũng có thể trở nên không ổn định bất cứ lúc nào, điển hình là biến cố xơ vữa cấp tính hay còn gọi là hội chứng vành cấp (HCVC).

1. Các tác nhân thường gặp liên quan đến bệnh mạch vành

Trong suốt quá trình sống của chúng ta, có rất nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác định là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, gây ra bệnh mạch vành. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy rõ có 2 loại yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành như sau:

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

  • Tuổi (nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi): tần suất BMV tăng lên theo tuổi, tuổi càng cao thì càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh;
  • Giới tính: các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nam giới có tỷ lệ mắc BMV cao hơn nữ ;
  • Tiền sử gia đình: nguy cơ BMV sẽ cao hơn đối với người có bố mẹ, ông bà hay anh chị mắc các tai biến về tim mạch ở độ tuổi dưới 55 (với nam) và dưới 65 (với nữ);

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động: những người thường xuyên ngồi một chỗ, không luyện tập thể dục đều đặn, sẽ có nguy cơ cao hơn đối với các bệnh tim mạch và các bệnh liên quan;
  • Hút thuốc lá: thói quen hút thuốc làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch nói chung và đặc biệt BMV
  • Uống nhiều rượu, bia cũng là nguyên nhân quan trọng gây BMV và làm xuất hiện những cơn đau thắt ngực.
  • Các bệnh liên quan: BMV dễ dàng xuất hiện ở các bệnh nhân mắc đồng thời các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì...
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành

2. Triệu chứng

Do tính chất "động" của mảng xơ vữa mạch máu, triệu chứng của bệnh có thể có nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: từ hội chứng vành cấp đến hội chứng vành mạn, với biểu hiện cơn đau thắt ngực nhẹ đến dữ dội điển hình, thậm chí biểu hiện đầu tiên có thể là biến chứng của bệnh suy tim, ngừng tim.... Khó thở đôi khi là triệu chứng duy nhất hoặc thậm chí không có biểu hiện đặc biệt ở người cao tuổi kèm theo đái tháo đường.

Cơn đau thắt ngực điển hình là triệu chứng thường gặp nhất giúp bệnh nhân và nhân viên y tế nhận biết bệnh, với các tính chất:

  • Vị trí: vùng ngực trái, sau xương ức, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như thượng vị, dưới cằm, giữa hai bả vai hoặc kéo dài tới cổ tay, ngón tay.
  • Tính chất đau: cảm giác đè nặng, nén ép tim, hoặc cảm giác bỏng rát.
  • Khó thở có thể đi kèm với cơn đau thắt ngực, hoặc các dấu hiệu kém đặc hiệu khác như mệt, muốn xỉu, buồn nôn, bồn chồn, vã mồ hôi...
  • Cơn đau thường kéo dài dưới 10 phút, hiếm khi vài giây.
  • Cơn đau xuất hiện và tăng lên khi gắng sức như leo dốc, lên cầu thang, đi bộ nhanh, đi ngược gió... và nhanh chóng biến mất trong vài phút khi các yếu tố nguyên nhân này dịu đi.

3. Biện pháp chẩn đoán sớm

Dựa trên sự có mặt của các tác nhân có nguy cơ và triệu chứng để phân tầng khả năng mắc bệnh, từ đó lựa chọn các trắc nghiệm đánh giá giải phẫu và chức năng phù hợp, bao gồm:

  • Điện tâm đồ gắng sức
  • Siêu âm tim gắng sức
  • Cộng hưởng từ
  • SPECT tưới máu cơ tim, PET
  • Chụp cắt lớp vi tính ĐMV có thuốc cản quang: giúp kiểm tra mức độ tắc nghẽn và vôi hóa mạch vành với khả năng loại trừ cao
  • Chụp mạch vành trực tiếp qua ống thông: thường được thực hiện khi bệnh nhân có xác suất mắc bệnh cao trên lâm sàng hoặc các xét nghiệm ban đầu chỉ ra nguy cơ cao; hoặc khi bệnh nhân cần can thiệp mạch vành. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào trong mạch máu ở tay hay ở đùi, đẩy lên tim sau đó bơm thuốc cản quang để xem mạch máu nuôi tim có bị tắc nghẽn hay không. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán.
Điện tâm đồ gắng sức là một trong các xét nghiệm lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh mạch vành
Điện tâm đồ gắng sức là một trong các xét nghiệm lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh mạch vành

4. Phương pháp điều trị

Điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và thể bệnh. Điều trị nền tảng trong các giai đoạn của bệnh là: thay đổi lối sống, kiểm soát các bệnh đi kèm, điều trị bằng thuốc.

Điều trị tái thông mạch bằng các biện pháp hiện đại như nong bóng, đặt stent mạch vành nhằm tái lưu thông dòng máu đến cung cấp oxy cho cơ tim bị tổn thương có thể hạn chế được các biến cố về sau, cải thiện triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

205 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan