Bệnh mạch vành uống thuốc gì và các tác dụng phụ có thể gặp?

Bệnh mạch vành là một bệnh lý tim mạch thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc trưng bởi sự hẹp của một hay nhiều nhánh của động mạch vành, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến tim. Hãy cùng tìm hiểu bệnh mạch vành uống thuốc gì qua bài viết dưới đây.

1. Thế nào là bệnh mạch vành?

Bệnh mạch vành là tình trạng các mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn do các mảng xơ vữa, dẫn đến giảm lưu lượng máu nuôi tim. Bệnh mạch vành có hai thể là hội chứng vành cấp và bệnh mạch vành mạn:

Bệnh mạch vành gây ra một số triệu chứng điển hình như đau thắt ngực, khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt, tim đập không đều, hồi hộp,... Trong đó, cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là dấu hiệu thường gặp. Người bệnh có cảm giác nặng, bóp nghẹt lồng ngực, thường là ngực trái và sau xương ức. Cơn đau này thường kéo dài 3 - 5 phút, nếu kéo dài trên 15 phút và xảy ra lúc nghỉ ngơi thì có khả năng bị nhồi máu cơ tim, người bệnh cần đến ngay trung tâm cấp cứu.

Nguyên nhân của bệnh mạch vành là do mảng xơ vữa làm hẹp, tắc nghẽn động mạch vành. Các yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch là cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá,... Ngoài ra, những người có các tình trạng dưới đây có nguy cơ dễ bị bệnh mạch vành: Tuổi cao, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm, thừa cân - béo phì, lối sống tĩnh tại, thường xuyên căng thẳng, chế độ ăn không lành mạnh, chứng ngưng thở lúc ngủ, có bệnh nội khoa (suy thận mãn, bệnh tự miễn,...).

Điều trị bệnh mạch vành phụ thuộc vào mức độ của bệnh, bao gồm dùng thuốc trị bệnh mạch vành, thay đổi lối sống, điều trị can thiệp mạch vành qua da (nong mạch vành, đặt stent mạch vành,...).

2. Bệnh mạch vành được điều trị như thế nào?

Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị sớm có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột tử, hở van tim, rối loạn nhịp tim,... Có nhiều phương pháp điều trị bệnh mạch vành, trong đó điều trị cơ bản và tối ưu nhất là thay đổi lối sống và dùng thuốc trị bệnh mạch vành.

Người bệnh mạch vành uống thuốc gì là mối quan tâm của nhiều bệnh nhân khi tìm hiểu về căn bệnh này. Thuốc trị bệnh mạch vành được sử dụng hiện nay gồm thuốc chống kết tập tiểu cầu (prasugrel, aspirin, ticagrelor, clopidogrel,...), thuốc hạ mỡ máu (pravastatin, rosuvastatin, atorvastatin,...), thuốc chống đau thắt ngực, thuốc điều trị bệnh kèm,... Thuốc trị bệnh mạch vành cần được sử dụng đúng cách, đều đặn, người bệnh phải tái khám định kỳ mới có hiệu quả điều trị và kiểm soát tốt bệnh mạch vành.

Ngoài ra, người bệnh có thể được can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent nhằm mở rộng lòng mạch bị hẹp và giúp nó không bị tắc trở lại; hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Sau khi can thiệp mạch vành, người bệnh cần thay đổi lối sống và uống thuốc trị bệnh mạch vành đều đặn để tránh bị tắc, hẹp mạch vành trở lại.

3. Người bệnh mạch vành uống thuốc gì?

Kết hợp thuốc trị bệnh mạch vành và thay đổi lối sống là điều trị cơ bản và tối ưu nhất trong bệnh mạch vành. Vậy bệnh mạch vành uống thuốc gì để có hiệu quả?

3.1. Thuốc chẹn beta

Là nhóm thuốc trị bệnh mạch vành đầu tay, đặc biệt ở người có bệnh nền như tăng huyết áp, suy tim. Thuốc chẹn beta ức chế hoạt động của adrenalin và noradrenalin, qua đó làm giãn mạch, hạ huyết áp, giảm nhịp tim, giảm đau thắt ngực, kết quả là giảm áp lực lên tim ở người bệnh mạch vành. Một số loại thuốc chẹn beta như atenolol, bisoprolol, metoprolol, propranolol, timolol,... đa số các thuốc này được dùng đường uống, vào buổi sáng hoặc lúc đi ngủ. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, tăng cân, ho, khó thở, lạnh bàn chân, bàn tay, nhịp tim chậm, đau ngực, nặng ngực, hạ huyết áp quá mức,...

Lưu ý khi sử dụng thuốc trị bệnh mạch vành nhóm chẹn beta:

  • Không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim sung huyết, suy gan, nhịp tim chậm,...
  • Không tự ý ngưng thuốc, đổi thuốc. Khi gặp các tác dụng phụ, cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc có nên tiếp tục dùng thuốc trị bệnh mạch vành hay không.
  • Không dùng nước ép bưởi trước và sau khi uống thuốc.
  • Uống thuốc vào một giờ cố định trong ngày.
  • Theo dõi nhịp tim trong quá trình dùng thuốc.

3.2. Thuốc nhóm Statin

Các thuốc nhóm Statin cũng là một trong những thuốc trị bệnh mạch vành thường được sử dụng với tác dụng giảm Cholesterol máu và bảo vệ thành mạch qua cơ chế ức chế quá trình viêm.

Thuốc nhóm Statin được sử dụng cho người bệnh mạch vành có Cholesterol máu cao hoặc không. Statin giúp ngăn ngừa hình thành mảng xơ vữa, giảm tình trạng xơ vữa đang có, dự phòng các biến chứng nguy hiểm do bệnh mạch vành gây ra như suy tim, đột quỵ, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim,...

Một số thuốc trị bệnh mạch vành nhóm Statin được dùng phổ biến như: atorvastatin, pravastatin, lovastatin, simvastatin,...

Tuy nhiên, các thuốc trị bệnh mạch vành nhóm Statin có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng như: Đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, tổn thương gan, tăng đường huyết, tiêu cơ vân,...

Lưu ý khi sử dụng thuốc trị bệnh mạch vành nhóm Statin:

  • Không dùng cho trẻ em dưới 10 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú, tăng transaminase huyết thanh kéo dài không rõ nguyên nhân.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người có bệnh đái tháo đường, bệnh về tuyến giáp, cơ, gan, thận.
  • Không uống nước ép bưởi hoặc ăn bưởi khi uống thuốc.
  • Không sử dụng rượu bia khi dùng các thuốc nhóm Statin.
  • Người bệnh cần xét nghiệm chức năng gan định kỳ.
  • Khi Cholesterol máu đã về mức bình thường, không ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

4. Dự phòng bệnh mạch vành như thế nào?

Ngoài việc dùng thuốc trị bệnh mạch vành, người bệnh cần có lối sống lành mạnh để hạn chế sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng:

  • Chế độ ăn: Ăn đủ chất và cân đối, hạn chế ăn mặn, tránh các thực phẩm chứa nhiều Cholesterol, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp. Nếu có bệnh đái tháo đường kèm theo thì nên giảm ăn đồ ngọt và tinh bột. Nên ăn cá, thịt gia cầm bỏ da, nhiều trái cây, rau củ, các loại hạt,...
  • Tập thể dục, thể thao thường xuyên, tối thiểu 30 - 45 phút/ ngày, tất cả các ngày trong tuần. Có thể chọn các hình thức vận động nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, bóng bàn, tập yoga, thể dục nhịp điệu,... giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc các bệnh khác của hệ tim mạch.
  • Người bệnh cần giảm cân nếu có có cân nặng ở mức thừa cân, béo phì.
  • Thay đổi lối sống theo hướng tích cực: Tránh căng thẳng, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá,...
  • Điều trị tốt các bệnh kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao,...
  • Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc trị bệnh mạch vành, tái khám đúng hẹn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán can thiệp mạch vành

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan