5 câu hỏi thường gặp về tiếng thổi tim

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội tim mạch tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park


Ở người trưởng thành khỏe mạnh, có hai tiếng tim bình thường, thường được mô tả là một tiếng lub (tiếng mở ra) và một tiếng dub (tiếng đóng lại), diễn ra trình tự với mỗi nhịp đập của trái tim. Đó là tiếng tim đầu tiên (S1) và tiếng tim thứ hai (S2), tạo ra do sự đóng lại của van nhĩ thất và van bán nguyệt. Ngoài những tiếng tim bình thường này, cũng có thể gặp nhiều tiếng tim khác bao gồm tiếng thổi, tiếng click mở van, và tiếng ngựa phi S3 và S4.

1. Tiếng thổi tim là gì?

Tiếng thổi tim được tạo ra do dòng chảy hỗn loạn của máu trong tim và để nghe được tiếng thổi, cần phải có sự chênh lệch áp suất ít nhất 30 mmHg giữa các buồng tim và máu từ buồng có áp lực cao hơn sẽ chảy về buồng có áp lực thấp hơn, khi có shunt trái - phải hoặc shunt phải – trái, tùy theo áp lực bên nào chiếm ưu thế hơn.

2. Nguyên nhân gây ra tiếng thổi tim?

Tiếng thổi có thể là sinh lý (vô tội) hoặc bệnh lý (bất thường).

Tiếng thổi bất thường có thể gây ra bởi chứng hẹp làm hạn chế mở van tim, dẫn đến sự hỗn loạn khi máu chảy qua. Tiếng thổi bất thường cũng có thể xảy ra với tình trạng suy van tim (hở van tim), dẫn đến dòng máu chảy ngược khi van không đủ lực để đóng lại, hiệu quả tống máu chỉ đạt được một phần.

Một cơ chế khác có thể gây ra tiếng thổi bất thường là do vách liên thất, liên nhĩ không toàn vẹn. Những tiếng thổi khác nhau có thể được nghe thấy ở những phần khác nhau trong chu kỳ tim, và cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tiếng thổi.

Những tiếng thổi vô tội thường không nguy hiểm và không cần can thiệp điều trị. Chúng có thể được tạo ra do thiếu máu, sốt hoặc cường giáp, và một số bệnh lý khác.

Tiếng thổi vô tội có thể nghe thấy ở 40 đến 45 phần trăm trẻ em và 10 phần trăm người lớn tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Tiếng thổi có thể xuất hiện và tự biến mất. Vì tiếng thổi vô tội thường không gây ra các triệu chứng đáng chú ý, chúng ta có thể có tiếng thổi và thậm chí không biết điều đó.

Tiếng thổi vô tội phổ biến ở trẻ em từ 3 đến 7 tuổi, có tên gọi là tiếng thổi Still và không phải là bệnh lý của tim, và không nên quá lo lắng.

Cường giáp chuyển sang suy giáp
Bệnh cường giáp gây ảnh hưởng đến tiếng thổi tim

Tiếng thổi vô tội cũng thường gặp ở những phụ nữ đang mang thai. Do khi mang thai, thể tích máu tăng thêm và lượng máu tăng thêm khi chảy qua các van tim có thể gây ra tiếng thổi. Loại tiếng thổi này thường biến mất sau khi mang thai. Tiếng thổi vô tội có thể to hơn hoặc nhẹ nhàng hơn khi một người tập thể dục hoặc bị kích thích.

Tiếng thổi bất thường - còn được gọi là tiếng thổi bệnh lý - có thể được chẩn đoán ở những người có bệnh tim thực sự. Một tiếng thổi bất thường có thể do các bệnh tim như: tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, hẹp động mạch chủ.

3. Các dấu hiệu của một tiếng thổi tim là gì?

Các triệu chứng có thể gặp ở người có tiếng thổi tim:

  • Màu da hơi xanh tím, đặc biệt là đầu ngón hoặc môi.
  • Tức ngực.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Đổ mồ hôi quá nhiều không liên quan đến nhiệt độ hoặc tập thể dục.
  • Ăn uống kém và tăng trưởng bất thường ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh.
  • Khó thở khi gắng sức.
  • Phù chân hoặc bụng.
  • Tăng cân nhanh.

Nếu tiếng thổi tim đi kèm một trong các triệu chứng trên, chúng ta nên đến kiểm tra với bác sĩ tim mạch sớm

Chóng mặt
Chóng mặt thường gặp ở bệnh nhân có tiếng thổi tim bất thường

4. Làm thế nào để chẩn đoán tiếng thổi tim?

Khi đến khám bác sĩ sẽ thường hỏi về các triệu chứng trên, và tiền căn mắc bệnh tim trong gia đình. Tiếp theo sẽ dùng ống nghe để chẩn đoán tiếng thổi ở ngực, lưng hoặc cổ.

Các xét nghiệm thường hỗ trợ tìm nguyên nhân bao gồm:

  • X-quang ngực - điều này cung cấp một hình ảnh của tim và phổi.
  • Siêu âm tim (siêu âm tim) được xem là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán
  • Điện tâm đồ (EKG).
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) giúp khảo sát các bất thường cấu trúc tim phức tạp
  • Thông tim và chụp động mạch xóa nền là thủ thuật xâm lấn để đánh giá áp lực trong các buồng giúp xác định mức độ nặng của các shunt bất thường của tim và các bệnh lý van tim nặng
Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp phát hiện chính xác bệnh lý tim mạch

5. Tiếng thổi tim được điều trị như thế nào?

Tiếng thổi vô tội thì không cần điều trị, chúng có thể sẽ tự hết

Nếu tiếng thổi có liên quan đến các vấn đề về van hoặc lưu lượng máu bất thường trong buồng tim (dòng chảy bất thường được gọi là shunt), cần được theo dõi định kỳ bởi bác sĩ tim mạch để điều trị kịp thời

Điều trị tiếng thổi tim phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh lý gây ra tiếng thổi. Một số bệnh lý cần phẫu thuật hoặc can thiệp chỉnh sửa sớm. Những bệnh khác có thể được theo dõi trong một thời gian dài trước khi cần phẫu thuật chỉnh sửa.

Ngày nay, các kĩ thuật can thiệp tim mạch ít xâm lấn như can thiệp đóng các lỗ thông trong tim bằng dụng cụ, thay van động mạch chủ qua da, hoặc can thiệp sửa van 2 lá qua đường ống thông đang ngày càng được triển khai rộng rãi, đã giúp điều trị các bệnh lý gây bất thường tiếng thổi tim một cách hiệu quả mà không cần phải trải qua phẫu thuật mở ngực.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi về sức khỏe tim mạch, hãy đến gặp chuyên gia tim mạch để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan