Vì sao phải giảm tiết acid dịch vị ở người bị đau dạ dày?

Acid dịch vị là 1 thành phần xúc tác rất cần thiết trong quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra tại dạ dày. Tuy nhiên, nếu có bất thường xảy ra dẫn đến tình trạng tăng tiết chất xúc tác này thì sẽ gây ra một số bệnh lý liên quan như đau dạ dày, trào ngược dày... Để xử lý tình trạng này thì phương pháp điều trị được áp dụng nhiều nhất đó là dùng thuốc giảm tiết acid dịch vị.

1. Đau dạ dày

Đau dạ dày là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại, do rất nhiều nguyên nhân gây nên, 1 trong số đó là việc tăng tiết quá nhiều acid dịch vị là chất xúc tác trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi tình trạng tăng tiết chất này diễn ra thì cơ thể sẽ có một số biểu hiện thường gặp trên lâm sàng như đau bụng vùng thượng vị, thường có sự liên quan với bữa ăn, buồn nôn, nôn, ợ chua, có khi có thể nôn ra máu... Người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng và thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng như nội soi đường tiêu hóa, làm xét nghiệm mô bệnh học để củng cố chẩn đoán.

2. Cách giảm tiết acid dịch vị

Cách giảm tiết acid dịch vị điều trị bệnh lý đau dạ dày hoặc các bệnh lý liên quan khác đó là sử dụng thuốc ức chế bơm proton PPI. Đây là thuốc có tác dụng làm giảm tiết acid dịch vị

Thuốc giảm tiết acid dịch vị có khả năng ức chế H+, K+ - ATPase là 1 loại enzyme ở màng bài tiết đỉnh tế bào thành. Thuốc có tác dụng trong thời gian dài khiến cho vết loét dạ dày có thể lành lại. Ngoài ra, thuốc còn được dùng để điều trị vết loét dạ dày – tá tràng do H. pylori gây ra.

Hiện tại có 5 thế hệ thuốc PPI được sử dụng, bao gồm:

  • Omeprazol: Ức chế đặc hiệu bài tiết acid dạ dày ở tế bào viền dạ dày. Thuốc có tác dụng cao nhất sau khi uống 4 ngày với tỉ lệ lành các vết loét vào khoảng 70% - 80%. Khi người bệnh sử dụng thuốc này trong vòng một tháng thì khả năng lành loét tăng lên 85%. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chỉ điều trị duy nhất với 1 liều thuốc này thì khả năng tái phát cũng sẽ rất cao.
  • Lansoprazole: Thời gian sử dụng là 8 tuần thì tỉ lệ liền loét được cho là 89% - 92%, thuốc có khả năng diệt khuẩn H. pylori khoảng 21% - 43%.
  • Pantoprazole: Thuốc có khả năng làm lành loét dạ dày rất cao, được cho là lên đến 99%, ngoài ra còn có tác dụng làm giảm triệu chứng đau trong bệnh lý này và hầu như rất ít tác dụng không mong muốn cho người sử dụng.
  • Rabeprazole: Đây là thế hệ thuốc PPI có tác dụng rất mạnh, hơn thế hệ Omeprazole 2 – 20 lần, cụ thể là thuốc có thể có hiệu quả làm giảm tiết dịch vị acid ngay trong ngày đầu tiên dùng thuốc, với tỉ lệ hiệu quả là 88%.
  • Esomeprazole: Thế hệ thuốc này có thành phần là đồng phân quang học S không bị chuyển hóa bởi men cytophan P450 trong gian nên có thể sử dụng được trong thời gian dài.

3. Thuốc giảm tiết acid dịch vị

Khi dùng thuốc PPI điều trị tăng tiết acid dịch vị thì cần có một số lưu ý như sau:

  • Thời gian đầu dùng thuốc có thể có một số triệu chứng như đau đầu, tiêu chảy hoặc táo bón. Vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi những triệu chứng này. Nếu dùng trong thời gian dài thì người bệnh có khả năng loãng xương, thậm chí là gãy xương nên những trường hợp này cần được sự tư vấn của bác sĩ điều trị trước khi dùng thuốc kéo dài.
  • Thuốc được khuyến cáo nên dùng trước ăn khoảng 30 phút để khi có thức ăn vào dạ dày và sự tăng tiết dịch vị xảy ra thì thuốc có đủ thời gian để tác dụng.
  • Thuốc tan rất nhanh trong môi trường acid nên người bệnh cần uống cả viên thuốc để tối đa hóa hiệu quả của thuốc.
  • Một số tương tác thuốc thường gặp: Phổ biến nhất đó là tương tác giữa các thuốc nhóm PPI và thuốc an thần Seduxen vì Seduxen sẽ khiến các loại thuốc không thực hiện được một số chuyển hóa cần thiết để điều trị bệnh và khiến thuốc mau chóng bị đào thải hơn. Ngoài ra, thuốc PPI còn gây ra một số tương tác với nhóm thuốc NSAIDS vì PPI sẽ làm giảm tiết acid dịch vị và các chất bảo vệ dạ dày nên khi dùng chung với NSAIDS thì sẽ dễ gây ra một số bệnh lý. Thuốc PPI có thể có tương tác với các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel... nên người bệnh cần lưu ý và báo ngay với bác sĩ khi có tình trạng này diễn ra.
  • Thuốc PPI còn làm giảm sự hấp thu Magie, calci... nên khả năng nhiễm trùng tiêu hóa trong thời gian dùng thuốc là rất cao, đặc biệt là nhiễm những loại vi khuẩn kỵ khí đường ruột. Vì vậy cần có biện pháp bảo vệ khi dùng thuốc này trong thời gian dài.
  • Liều dùng thuốc được khuyến cáo đó là liều thấp trong thời gian ngắn nhất có thể, không nên dùng quá lâu, chỉ nên dùng trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ điều trị.

4. Kết luận

Thuốc giảm tiết acid dịch vị được dùng để điều trị trong một số bệnh lý đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày... Mặc dù có tác dụng tương đối cao nhưng thuốc vẫn có một số lưu ý về cách dùng và liều dùng mà người bệnh cần chú ý để giảm thiểu được những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe trong thời gian dùng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan