Hiện nay, viêm gan virus là một trong những bệnh lý phổ biến và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu được điều trị đúng lúc và phù hợp, người bệnh có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan. Cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm gan trong bài biết sau nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Viêm gan là gì?
Viêm gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương và viêm. Bệnh thường tiến triển một cách thầm lặng và có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan.
Hiện nay, nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm gan là do virus viêm gan. Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng khác hoặc các chất độc hại như rượu và thuốc cùng với các bệnh tự miễn cũng có thể dẫn đến viêm gan. Phần lớn những người mắc bệnh này chỉ phát hiện ra khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng.
Do tính chất nghiêm trọng và khả năng gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh rộng rãi, năm loại virus viêm gan chính bao gồm A, B, C, D và E, hiện là mối quan tâm lớn nhất. Đáng chú ý, virus viêm gan B và C có khả năng tiến triển thành bệnh mãn tính và đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan A và E thường được lây truyền qua đường tiêu hóa. Trong khi đó, viêm gan B, C và D lây qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính có thể bao gồm mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, vàng da và mắt, nước tiểu sẫm màu. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm trùng cấp tính không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
2. Sự khác nhau giữa các loại viêm gan
Các nhà khoa học đã nhận diện được 5 loại virus viêm gan nguy hiểm nhất hiện nay bao A, B, C, D và E.
Hầu hết người mắc bệnh viêm gan A có thể hồi phục hoàn toàn và miễn dịch với virus suốt đời. Virus viêm gan A (HAV) tồn tại trong phân của người bệnh và con đường lây truyền phổ biến là đường tiêu hóa. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục cũng có thể lây truyền HAV.
Tuy có thể chữa khỏi nhưng virus viêm gan A cũng có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của những người bệnh. Những người sinh sống tại các khu vực vệ sinh kém dễ dàng bị nhiễm virus này. Hiện nay, chúng ta đã có sẵn vắc-xin an toàn và hiệu quả để phòng ngừa viêm gan A.
Virus viêm gan B (HBV) có thể lây lan qua các con đường như máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Virus có thể được truyền sang trẻ sơ sinh vào lúc được sinh ra từ mẹ bị nhiễm virus hoặc từ những người trong gia đình. Ngoài ra, HBV cũng có thể lây nhiễm thông qua việc truyền máu và các chế phẩm từ máu nhiễm virus này.
Bên cạnh đó, HBV cũng có rủi ro gây ảnh hưởng sức khỏe của các nhân viên y tế, những người bị thương bởi kim tiêm xảy ra trong quá trình điều trị bệnh nhân mắc HBV. May mắn là hiện nay chúng ta đã vắc-xin phòng ngừa viêm gan B an toàn và hiệu quả.
Virus viêm gan C (HCV) chủ yếu lây truyền do tiếp xúc với máu nhiễm trùng, bao gồm truyền máu và các chế phẩm từ máu nhiễm HCV, cũng như tiêm chích trong các thủ tục y tế. Mặc dù HCV cũng có thể lây truyền qua đường tình dục, nhưng điều này khá hiếm. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin để phòng ngừa HCV.
Chỉ những người đã bị nhiễm viêm gan B (HBV) mới có thể bị nhiễm virus viêm gan D (HDV). Tình trạng nhiễm trùng kép HDV và HBV có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng và kết quả xấu hơn.
Nguồn nước và thực phẩm ô nhiễm là nguyên nhân chính lây truyền virus viêm gan E (HEV). Tại các khu vực đang phát triển, HEV là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh viêm gan. Trong khi ở các nước phát triển, virus viêm gan E cũng được coi là một tác nhân quan trọng gây bệnh. Mặc dù đã có vắc-xin phòng ngừa viêm gan E an toàn và hiệu quả, nhưng hiện nay vẫn chưa được tiêm chủng rộng rãi.
3. Dấu hiệu của bệnh viêm gan
Các dấu hiệu phổ biến ở những người mắc viêm gan bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Sốt.
- Cảm giác không ngon miệng.
- Đau bụng.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau cơ, đau khớp.
- Nước tiểu màu sẫm.
- Vàng mắt hoặc vàng da.
- Ngứa.
- Mất tập trung, trí nhớ kém.
- Xuất hiện vết bầm, chảy máu.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm gan có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy gan, ung thư gan đe dọa tính mạng của người bệnh.
4. Phương pháp chẩn đoán
Quá trình chẩn đoán bệnh viêm gan có thể được thực hiện thông qua một số phương pháp xét nghiệm sau:
- Phân tích tế bào máu ngoại vi, chức năng đông máu.
- Xét nghiệm men gan, Bilirubin, Protein, albumin.
- Tìm kháng thể và phản ứng chuỗi polymerase (PCR).
- Siêu âm gan.
- Chụp CT.
- Chụp MRI.
- Sinh thiết gan.
Ngoài các xét nghiệm này, các triệu chứng như da và mắt vàng cũng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.
5. Cách điều trị bệnh
Cách điều trị bệnh phụ thuộc vào các dấu hiệu bệnh, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nguyên nhân gây bệnh đóng vai trò then chốt trong quá trình điều trị bệnh.
Quá trình điều trị viêm gan hướng đến 3 mục tiêu chính bao gồm ngăn chặn tổn thương gan, điều trị các triệu chứng, biến chứng và ngăn ngừa sự lây lan do virus.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát và điều trị virus, cũng như kiểm soát một số bệnh tự miễn. Ngoài ra, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý.
Người mắc bệnh nên tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá. Đối với những trường hợp nặng, bác sĩ cần phải theo dõi chặt chẽ và điều trị kịp thời.
Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp ghép gan với những bệnh nhân bị suy gan giai đoạn cuối.
6. Cách phòng ngừa bệnh viêm gan
6.1 Tiêm phòng đầy đủ
Tiêm phòng là biện pháp ngăn ngừa viêm gan hàng đầu. Tiêm đầy đủ vắc xin giúp bảo vệ cơ thể chống lại viêm gan A và B. Tuy nhiên, vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan C vẫn chưa được phát triển.
6.2 Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây
Tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm chứa virus viêm gan có thể khiến lây truyền viêm gan. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, mọi người cần:
- Không sử dụng chung kim tiêm.
- Không sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng và các đồ dùng cá nhân khác.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và hạn chế quan hệ với nhiều đối tượng.
- Ăn chín uống sôi.
6.3 Lối sống lành mạnh
Không chỉ ngăn ngừa mà lối sống lành mạnh còn hỗ trợ điều trị viêm gan, cải thiện sức khỏe tổng thể, mọi người có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Giảm uống rượu và bia.
- Nghỉ ngơi đầy đủ.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
Nhìn chung, viêm gan có thể được ngăn ngừa hiệu quả nhất hiện nay thông qua tiêm chủng vắc-xin. Bên cạnh đó, bổ sung đủ dinh dưỡng và duy trì vệ sinh sạch sẽ trong môi trường sống là những điều kiện quan trọng để đề phòng virus viêm gan.
Với gói khám tầm soát ung thư gan mật, khách hàng sẽ có cơ hội phát hiện các bất thường trong cơ thể trong đó có sự hiện diện của tế bào ung thư ở gan mật chỉ trong 1 lần thăm khám. Khi đăng ký Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư gan khách hàng sẽ được:
- Khám, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu qua hẹn khám chuyên khoa Ung bướu.
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
- Đánh giá chức năng gan qua các xét nghiệm như đo hoạt độ ALT (GPT), đo hoạt độ AST (GOT), đo hoạt độ GGT (Gama Glutamyl Transferase), định lượng Bilirubin toàn phần.
- Tầm soát nhiễm virus viêm gan B, C qua xét nghiệm HBsAg test nhanh và xét nghiệm HCV Ab miễn dịch tự động.
- Tầm soát ung thư gan qua xét nghiệm định lượng AFP (Alpha Fetoproteine).
- Tầm soát u gan bằng siêu âm ổ bụng (tổng quát).
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những cơ sở y tế có đội ngũ chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực ung bướu, phương tiện máy móc hiện đại bậc nhất khu vực. Đó sẽ là những điều kiện tốt giúp cho việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan được nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Nhờ đó có thể sàng lọc bệnh lý ung thư gan, giúp phát hiện giai đoạn sớm ung thư gan để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: who.int