Sỏi đường mật trong gan - Những điều bạn cần biết

“Chào bác sĩ, tôi 35 tuổi và là một lái xe đường dài. Chính vì vậy mà tôi thường không có nhiều thời gian vận động do ngồi xe thời gian dài và hay phải ăn uống đồ ở hàng ven đường. Gần đây, tôi có dấu hiệu đau bụng dữ dội và vàng da. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi đó có phải bệnh sỏi đường mật trong gan không? Cảm ơn bác sĩ.” - Sỹ Hùng, Hà Nội

Câu hỏi của bạn đã được chuyển tới Bác sĩ Nội soi tiêu hoá - Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sỏi đường mật trong gan được coi là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm. Tình trạng này có thể gây ra những biến chứng khó lường đối với sức khỏe của người bệnh. Vì thế, bệnh nhân cần phải được trang bị các kiến thức về sỏi mật trong gan để có biện pháp phòng ngừa và điều trị một cách tốt nhất.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCK I Đồng Xuân Hà - Trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Tổng quan

Sỏi đường mật trong gan là những viên sỏi có hình dạng và cấu trúc đa dạng. Các viên sỏi mật này có thể nhỏ hoặc to, rắn hoặc có dạng giống như bùn. Thông thường, sỏi mật xuất hiện nhiều trong ống gan trái và ống gan phải cũng như trong túi mật.  

Theo các nghiên cứu, người châu Á có số ca mắc sỏi mật trong gan nhiều nhất trên toàn cầu. Ngoài ra, có tới 90% số bệnh nhân mắc bệnh lý viêm đường mật là do sỏi mật gây ra. 

Sỏi đường mật xuất hiện trong gan có thể gây ra tình trạng suy giảm chức năng gan.
Sỏi đường mật xuất hiện trong gan có thể gây ra tình trạng suy giảm chức năng gan.

Gan là một bộ phận quan trọng trong cơ thể, đóng vai trò sản xuất mật để tiêu hoá các chất béo, khử độc và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Vì thế, khi sỏi xuất hiện sẽ làm cho gan gặp một số biến chứng như viêm gan, xơ gan, áp xe gan hay ung thư gan.

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.

2. Nguyên nhân gây sỏi đường mật trong gan

Sỏi đường mật hay sỏi mật thường nằm trong đường dẫn mật của gan. Có hai loại sỏi chính là sỏi sắc tố mật và sỏi cholesterol. Ở Việt Nam, loại sỏi phổ biến là sỏi sắc tố với thành phần là bilirubin.

Sỏi mật được hình thành khi ký sinh trùng đi vào đường mật và kết hợp với vi khuẩn, khiến bilirubin không hoà tan hoàn toàn. Từ đó, bilirubin kết hợp với trứng và xác giun trong gan để tạo thành các viên sỏi.

Ngoài ra, sỏi mật ở gan cũng do một số nguyên nhân khác gây ra như:

  • Rối loạn chức năng gan.
  • Xơ gan.
  • Viêm gan siêu virus.
  • Viêm gan B.
  • Viêm gan do thuốc.

Các yếu tố này có thể khiến cho thành phần trong dịch mật rối loạn và gây ra sỏi mật. Bên cạnh đó, người bệnh bị béo phì, ít vận động cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này do giảm vận động đường mật. 

Người bệnh béo phì, ít vận động cũng có nguy cơ bị sỏi mật.
Người bệnh béo phì, ít vận động cũng có nguy cơ bị sỏi mật.

3. Biểu hiện của bệnh

Sỏi đường mật trong gan thường có triệu chứng rất dễ nhận biết. Ở giai đoạn đầu khi sỏi mật còn nhỏ, người bệnh có thể chỉ cảm thấy chướng bụng, khó tiêu. Khi sỏi mật lớn dần và chèn ép trong gan, bệnh nhân có thể gặp ba dấu hiệu điển hình như sau:

3.1 Đau bụng kiểu đau quặn gan

  • Đau vùng hạ sườn phải: Người bệnh có thể đau quặn ở vùng gan.
  • Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn nhiều mỡ hoặc vào ban đêm (khoảng 22 - 24 giờ).
  • Các cơn đau có thể đi kèm nôn mửa, bệnh nhân thường không dám thở mạnh.
  • Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

3.2 Sốt

Sốt thường xảy ra do viêm đường mật hoặc viêm túi mật. Nếu không sốt, bệnh nhân có thể không bị viêm. Nếu do sỏi mật trong gan, bệnh nhân có thể bắt gặp các biểu hiện sốt như:

  • Sốt cao đột ngột, kéo dài vài giờ.
  • Sốt đi kèm với tình trạng đau hạ sườn phải, càng đau thì người bệnh càng sốt cao.
  • Sốt thường xuất hiện sau cơn đau (tuy nhiên cả 2 cũng có thể xuất hiện cùng lúc hoặc sốt trước khi đau).
  • Đôi khi, người bệnh bị sốt kéo dài, từ vài tuần đến hàng tháng.
  • Một số trường hợp có thể sốt nhẹ, từ 37,5 - 38 độ C.

3.3 Vàng da

Vàng da thường xảy ra do dịch mật ứ đọng trong gan và bilirubin. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xuất hiện với các biểu hiện như sau:

  • Vàng da, niêm mạc thường xuất hiện sau các cơn đau và sốt từ 1-2 ngày.
  • Vàng da do tắc mật, tình trạng này có thể đi kèm nước tiểu vàng, phân bạc màu.
  • Vàng da có thể kèm theo ngứa và thuốc chống ngứa không hiệu quả, mạch chậm.  
  • Tình trạng vàng da thường sẽ kéo dài hơn so với sốt và đau. 
Sỏi mật có thể khiến da và võng mạc của người bệnh bị vàng.
Sỏi mật có thể khiến da và võng mạc của người bệnh bị vàng.

4. Biến chứng của bệnh sỏi đường mật trong gan

Tình trạng sỏi mật hoặc sỏi đường mật trong gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Từ đó, bệnh có thể gây hại cho cơ thể hơn rất nhiều khi so với các loại sỏi xuất hiện tại những vị trí khác. Một số biến chứng phổ biến có thể kể đến như:

  • Viêm gan: Khi dịch mật ứ đọng lâu ngày có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào gan. Từ đó, gan sẽ xuất hiện các ổ mủ dẫn tới áp xe và viêm gan.
  • Xơ gan: Khi gan bị tổn thương và viêm nhiễm, mô gan sẽ phục hồi chậm và gây ra xơ gan, suy giảm chức năng gan.
  • Ung thư đường mật trong gan: Dù tỷ lệ mắc bệnh này không nhiều, nhưng đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Người bệnh cũng thường phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn nên rất khó cứu chữa.
  • Nhiễm trùng máu: Đây là một biến chứng rất nguy hiểm và có thể đe doạ tính mạng. Nếu không được xử lý nhanh, người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng máu. 

4. Các biến chứng của bệnh sỏi đường mật trong gan

Xơ gan là một trong những biến chứng nghiêm trọng của sỏi đường mật trong gan (sỏi mật).
Xơ gan là một trong những biến chứng nghiêm trọng của sỏi đường mật trong gan (sỏi mật).

5. Chẩn đoán và điều trị

5.1 Chẩn đoán

Hiện tại, có rất nhiều phương pháp được áp dụng để chẩn đoán sỏi mật bao gồm:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên một số biểu hiện lâm sàng của người bệnh như vàng da, sốt hoặc các cơn đau quặn.
  • Xét nghiệm: Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán xem liệu người bệnh có bị sỏi đường mật trong gan hay không nhờ vào sự thay đổi của một số chỉ số trong máu. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp phát hiện các biến chứng như viêm tuỵ, nhiễm trùng hay các biến chứng khác do sỏi mật.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, siêu âm, chụp MRI hay nội soi chụp mật ngược tuỵ dòng có thể giúp bác sĩ xác định xem có sỏi mật hay không.
  • Chẩn đoán phân biệt: Triệu chứng sỏi mật trong gan có thể bị nhầm lẫn sang các căn bệnh khác. Vì thế, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt để xác định đúng tình trạng của người bệnh.

5.2 Điều trị

Nếu không có triệu chứng sỏi mật, người bệnh sẽ không cần phải điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng của sỏi mật trong gan, các phương pháp điều trị sau đây sẽ được áp dụng:

  • Phẫu thuật: Các bác sĩ sẽ có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần gan nếu bệnh nhân có sỏi mật trong gan đi kèm teo gan hoặc ung thư đường mật.
  • Nội soi lấy sỏi: Các bác sĩ sẽ đưa các thiết bị nội soi vào đường mật của người bệnh để lấy sỏi. Với các viên sỏi lớn, bác sĩ có thể tán sỏi trước rồi mới tiến hành nội soi lấy sỏi.
  • Tán sỏi qua da: Bác sĩ sẽ tạo ra một “đường hầm” đi từ da đến gan, sau đó đưa ống nội soi vào để tán sỏi và đưa sỏi ra ngoài cơ thể.
Người bệnh sỏi mật có thể được áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau tuỳ vào tình trạng của bản thân.
Người bệnh sỏi mật có thể được áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau tuỳ vào tình trạng của bản thân.

Nhìn chung, sỏi mật trong gan là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên, người bệnh có thể phòng ngừa tình trạng sỏi đường mật trong gan bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập thể thao thường xuyên.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng để tránh tình trạng nhiễm khuẩn do giun sán trong cơ thể. Cùng với đó, bệnh nhân cũng nên khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sỏi mật sớm nhất, từ đó rút ngắn được thời gian điều trị và tránh các biến chứng nguy hiểm. 

Trong trường hợp bạn cần tư vấn riêng, hãy liên hệ với phòng khám Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được giải đáp cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe