Những điều bạn cần biết về chứng són phân


Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Són phân là tình trạng mất kiểm soát đường ruột dẫn đến thải trừ phân không tự chủ. Việc điều trị chứng són phân tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số lựa chọn điều trị bao gồm thay đổi chế độ ăn, sử dụng thuốc men hoặc phẫu thuật...

1. Són phân là gì?

Són phân còn được gọi là đi cầu không tự chủ, là tình trạng mất kiểm soát đường ruột dẫn đến thải trừ phân không tự chủ. Điều này có thể bao gồm từ việc đi ngoài một lượng phân nhỏ không chủ ý thường xuyên đến mất kiểm soát hoàn toàn khi đi tiêu.

Một số người mắc chứng són phân cảm thấy muốn đi tiêu nhưng không thể đợi để đi vệ sinh. Những người khác không cảm nhận được cảm giác đi cầu đang chờ xử lý, đi ngoài phân vô tình.

Són phân có thể là một tình trạng không thoải mái, nhưng nó có thể cải thiện khi điều trị.

2. Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng són phân?

Việc kiểm soát ruột bình thường dựa vào chức năng thích hợp của:

  • Cơ xương vùng chậu
  • Trực tràng, một phần của phần dưới của ruột già
  • Cơ vòng hậu môn, cơ ở hậu môn
  • Hệ thần kinh

Tổn thương ở bất kỳ khu vực nào trong số này có thể dẫn đến đi tiêu không kiểm soát.

Một số nguyên nhân phổ biến của chứng són phân bao gồm:

  • Tắc nghẽn ruột hay trực tràng do phân: Táo bón mãn tính có thể dẫn đến đi tiêu không tự chủ. Điều này xảy ra khi một khối phân cứng bị mắc kẹt trong trực tràng. Phân có thể kéo căng và làm suy yếu cơ vòng, khiến cho cơ không có khả năng ngừng thư giãn như bình thường. Một biến chứng khác của hiện tượng rối loạn tống phân là rò rỉ phân lỏng qua hậu môn.
  • Bệnh tiêu chảy: Tiêu chảy dẫn đến tiêu phân lỏng hoặc phân nát. Những dạng phân lỏng này có thể gây ra nhu cầu đi tiêu ngay lập tức. Nhu cầu có thể đột ngột đến mức bạn không có đủ thời gian để vào phòng vệ sinh.
  • Bệnh trĩ: Trĩ ngoại có thể làm cơ thắt không khép lại hoàn toàn. Điều này cho phép phân lỏng và chất nhầy đi qua một cách không chủ ý.
  • Tổn thương cơ vòng hậu môn: Cơ vòng hậu môn bị tổn thương sẽ khiến các cơ không thể giữ chặt hậu môn được. Phẫu thuật trong hoặc gần vùng hậu môn trực tràng, chấn thương và táo bón có thể làm tổn thương cơ vòng.
  • Tổn thương thần kinh: Nếu các dây thần kinh kiểm soát chuyển động của cơ vòng bị hư hỏng, cơ vòng sẽ không đóng lại đúng cách. Khi điều này xảy ra, bạn cũng có thể không cảm thấy muốn đi vệ sinh.
  • Một số nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh bao gồm: Chấn thương do sinh nở, đột quỵ, đái tháo đường, đa xơ cứng (MS)
  • Rối loạn chức năng sàn chậu: Phụ nữ có thể bị tổn thương các cơ và dây thần kinh trong xương chậu khi sinh con, nhưng các triệu chứng của rối loạn chức năng sàn chậu có thể không nhận thấy ngay. Chúng có thể xảy ra nhiều năm sau đó.
Mổ khâu triệt mạch trĩ
Bệnh trĩ có thể gây ra tình trạng són phân

3. Ai có nguy cơ mắc chứng són phân?

Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng són phân, nhưng một số người sau đây có khả năng mắc bệnh này cao hơn:

  • Trên 65 tuổi
  • Là phụ nữ
  • Phụ nữ đã sinh con
  • Bị táo bón mãn tính
  • Bị bệnh hoặc chấn thương gây ra tổn thương thần kinh

4. Làm thế nào để chẩn đoán chứng són phân?

Bác sĩ của bạn sẽ thực hiện một quá trình hỏi bệnh sử kỹ lưỡng và đánh giá thể chất để chẩn đoán tình trạng són phân. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tần suất của chứng són phân và thời điểm nó xảy ra, chế độ ăn uống, thuốc men cũng như các vấn đề sức khỏe của bạn.

Các xét nghiệm sau có thể giúp chẩn đoán:

  • Kiểm tra khu vực trực tràng của bạn bằng ngón tay mang găng
  • Cấy phân
  • Chụp X quang đại tràng trực tràng với thuốc cản quang (chụp X-quang có chất fluor của ruột già, bao gồm cả ruột kết và trực tràng với chất cản quang baryt)
  • Xét nghiệm máu
  • Điện cơ (để kiểm tra chức năng của cơ và các dây thần kinh liên quan)
  • Siêu âm hậu môn trực tràng
  • Proctography (hình ảnh video trực tràng dưới tia X khi đi tiêu)
  • Proctoscopy: Hình ảnh video hậu môn lúc đi tiêu
xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ chẩn đoán són phân

5. Điều trị són phân như thế nào?

Việc điều trị chứng són phân tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Chế độ ăn: Xác định thực phẩm gây tiêu chảy hoặc táo bón để loại bỏ khỏi chế độ ăn uống. Điều này có thể giúp bình thường hóa và điều chỉnh nhu động ruột. Nhiều bác sĩ khuyên bạn nên tăng cường chất lỏng và một số loại chất xơ.
  • Thuốc men: Đối với tiêu chảy, có thể kê đơn thuốc trị tiêu chảy như loperamide (Imodium), codeine hoặc diphenoxylate/ atropine (Lomotil) để làm chậm chuyển động của ruột già, giúp quá trình vận chuyển phân diễn ra chậm hơn. Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung chất xơ cho chứng táo bón.
  • Hỗ trợ đường ruột: Thực hiện một thói quen đi tiêu bình thường. Các khía cạnh của quy trình này có thể bao gồm: thường xuyên ngồi trong toilet, sử dụng thuốc đạn trực tràng để kích thích nhu động ruột, dùng quần lót đặc biệt cho bệnh nhân đi tiêu không kiểm soát
  • Bài tập Kegel: Các bài tập Kegel tăng cường cơ sàn chậu. Các bài tập này liên quan đến thói quen co bóp lặp đi lặp lại các cơ được sử dụng khi đi vệ sinh. Bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ để biết cách thực hiện các bài tập chính xác.
  • Phản hồi sinh học: Phản hồi sinh học là một kỹ thuật y tế thay thế. Với nó, bạn học cách sử dụng tâm trí để kiểm soát các chức năng cơ thể với sự trợ giúp của các cảm biến. Nếu bạn bị són phân, phản hồi sinh học sẽ giúp bạn học cách kiểm soát và củng cố cơ vòng của mình. Đôi khi thiết bị y tế dùng để tập luyện được đặt trong hậu môn và trực tràng của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng cơ vòng trực tràng và hậu môn của bạn.
  • Phẫu thuật: Điều trị phẫu thuật thường dành cho những trường hợp không kiểm soát phân nặng. Có một số lựa chọn phẫu thuật có sẵn như: Tạo hình cơ vòng, ghép cơ Gracilis, cơ vòng nhân tạo, cắt ruột già.
  • Solesta là một loại gel tiêm đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt vào năm 2011 để điều trị chứng són phân. Mục tiêu của liệu pháp Solesta là tăng lượng mô trực tràng. Gel được tiêm vào thành hậu môn và có hiệu quả làm giảm hoặc điều trị hoàn toàn chứng tiểu không tự chủ ở một số người.

Tóm lại, các nguyên nhân như lão hóa, chấn thương trong quá khứ và một số tình trạng y tế có thể dẫn đến tình trạng không kiểm soát phân. Tình trạng này không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, nguy cơ có thể được giảm bớt bằng cách duy trì đi tiêu đều đặn và giữ cho các cơ vùng chậu khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Tài liệu tham khảo:

  • Mayo Clinic Staff. (2018). Fecal incontinence. mayoclinic.org/diseases-conditions/fecal-incontinence/symptoms-causes/dxc-20166883
  • O’Neill T. (2018). Preparing for your Solesta. med.umich.edu/1libr/MBCP/Solesta.pdf
  • Symptoms & causes of fecal incontinence. (2017). niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/bowel-control-problems-fecal-incontinence/symptoms-causes

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan