Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Gan nhiễm mỡ là kết luận thường gặp khi đi siêu âm bụng, bệnh lý này một phần là do lối sống gây ra. Vậy nên, những hiểu biết về gan nhiễm mỡ, tích cực thay đổi lối sống sẽ góp phần cải thiện bệnh tật. Bệnh phân bố đều ở hai giới với độ tuổi từ 40 đến 60. Nguyên nhân chủ yếu là gan nhiễm mỡ do rượu.
1. Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Gan là tạng đặc lớn nhất của cơ thể. Hầu hết mọi quá trình sinh hóa đều xảy ra tại gan. Các chất dinh dưỡng từ thức ăn sau khi được ly giải và hấp thụ qua thành ruột vào máu sẽ được đưa đến gan. Tại đây, các chất sẽ được hệ men tiêu hóa phong phú của gan tiếp tục chuyển hóa thành các sản phẩm phù hợp để sử dụng cho các hoạt động sống của cơ thể, dự trữ hoặc đào thải ra bên ngoài.
Quá trình hấp thụ và chuyển hóa chất béo cũng tuân thủ theo quy trình trên. Theo đó, nếu chất béo dư thừa, không được cơ thể sử dụng hết sẽ được dự trữ tại gan. Bình thường, lượng mỡ trong gan chiếm từ 2 - 4% trọng lượng của gan.
Khi lượng mỡ tích tụ trên mức bình thường, từ 5 - 10% trọng lượng của gan sẽ xảy ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Khi quan sát lát cắt nhu mô gan dưới kính hiển vi, bào tương của các tế bào gan chứa đầy giọt mỡ, đẩy nhân tế bào gan ra sát màng tế bào. Trong hầu hết các trường hợp giọt mỡ này có thành phần là triglycerid. Lúc này, mỡ tích tụ quá mức trong gan vừa gây rối loạn chức năng gan, vừa kích thích phản ứng viêm mạn tính, tăng sinh xơ sợi, thúc đẩy xơ hóa gan và cuối cùng là xơ gan.
Hiện nay, khi đời sống vật chất càng phát triển, gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến và trở thành bệnh lý mạn tính thường gặp. Bệnh phân bố đều ở hai giới với độ tuổi từ 40 đến 60. Nguyên nhân chủ yếu là gan nhiễm mỡ do rượu. Bên cạnh đó, bệnh lý khi xảy ra trên các đối tượng không uống rượu hay lượng rượu không đủ để gây bệnh thì nên nghĩ đến các yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn giàu chất béo, rối loạn lipid máu, tổng trạng dư cân - béo phì, đái tháo đường, mang thai, dùng một số loại thuốc như aspirin, steroids, tamoxifen, tetracycline hay bệnh di truyền. Chính vì vậy, cần phải xác định gan nhiễm mỡ do rượu hay gan nhiễm mỡ không do rượu là do nguyên nhân nào để có cách điều trị phù hợp.
2. Gan nhiễm mỡ có mấy loại?
Gan nhiễm mỡ được phân thành 4 loại khác nhau tùy thuộc vào cơ chế bệnh sinh.
2.1. Gan nhiễm mỡ do rượu
Rượu là nguyên nhân của nhiều bệnh lý, trong đó gây tổn thương nhiều nhất là tại gan với gan nhiễm mỡ là dấu hiệu cảnh báo của viêm gan do rượu. Nồng độ rượu quá cao và duy trì mức độ cao liên tục trong máu làm cản trở quá trình chuyển hóa mỡ. Hơn thế nữa, hệ enzyme của gan cũng bị tổn hại nên quá trình chuyển hóa lipid cũng trở nên không hoàn toàn. Theo đó, lượng mỡ dư thừa sẽ bị tích tụ lại trong gan.Chính vì thế, nhiều quan sát đã cho thấy rằng nếu phát hiện gan nhiễm mỡ do rượu ở giai đoạn sớm, chưa tiến triển đến viêm và xơ hóa, kiêng rượu sẽ giúp làm giảm tình trạng bệnh. Chỉ sau vỏn vẹn 6 tuần, lá gan sẽ phục hồi lại một cách đáng kể.
2.2. Gan nhiễm mỡ không do rượu
Nếu bệnh nhân không uống rượu hay lượng rượu uống vào không đủ để gây ra bệnh thì nghi ngờ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu để tích cực tìm kiếm nguyên nhân.
Các yếu tố khác như rối loạn lipid máu, béo phì, tiểu đường, dùng một số loại thuốc cũng có thể gây rối loạn chuyển hóa lipid tại gan. Lúc này, việc chẩn đoán và điều trị trở nên phức tạp hơn nhiều so với gan nhiễm mỡ do rượu.
2.3. Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
Khi tình trạng mỡ tích tụ trong gan quá mức, đây là yếu tố kích thích xảy ra các phản ứng viêm trong tế bào gan. Dưới tác dụng của các chất trung gian gây viêm, tế bào gan sẽ bị tổn thương, cấu trúc gan sưng phồng nên gan trở nên to hơn, đôi khi sờ thấy đau vùng gan ở hạ sườn phải. Bên cạnh đó, do hệ men gan không còn hoàn chỉnh, quá trình tiêu hóa dinh dưỡng bị cản trở, người bệnh sẽ chán ăn, buồn nôn, nôn ói hay vàng da.
Tình trạng viêm gan kéo dài không được điều trị, gan bị tổn thương khó hồi phục, mô sợi tăng sinh dày đặc trong tế bào gan và gây xơ gan.
2.4. Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ
Mang thai là quá trình thay đổi rất nhiều không chỉ cấu trúc, giải phẫu các cơ quan mà còn các quá trình sinh lý, sinh hóa trong cơ thể. Chính vì thế, gan nhiễm mỡ cũng là một biến chứng khi mang thai. Dù tỷ lệ thấp, bệnh khá hiếm gặp, nếu tình trạng viêm không kiểm soát được, tế bào gan bị hoại tử hàng loạt, chức năng gan suy giảm nguy kịch đôi khi cũng gây ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ lẫn con.
Thông thường, các dấu hiệu của gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ sẽ xuất hiện trong 3 tháng cuối củ thai kì. Sản phụ ăn kém cũng như đột nhiên bị buồn nôn và nôn liên tục quay trở lại như lúc thai nghén. Tuy nhiên, sản phụ còn thấy đau vùng hạ sườn phải và vàng da ồ ạt. Xét nghiệm xác định bệnh là men gan tăng và hình ảnh đặc trưng của gan nhiễm mỡ trên siêu âm bụng.
Nếu tình trạng gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ được phát hiện sớm và điều chỉnh hiệu quả, đa số sẽ ổn định sau khi sinh và không để lại di chứng gì về sau.
3. Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Mỡ tích tụ trong gan gây ra gan nhiễm mỡ thì không đưa đến nguy hiểm gì mà chỉ được phát hiện tình cờ khi đi siêu âm bụng trong khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, người bệnh lại bị ảnh hưởng do chính những hệ quả trên rối loạn chức năng gan.
Tùy vào mức độ ứ mỡ trong nhu mô gan quan sát được dưới siêu âm, gan nhiễm mỡ được chia thành ba độ: độ I, độ II và độ III. Trong giai đoạn đầu, phần lớn người bệnh cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, nếu có khó chịu gì thì thường không biểu hiện rõ ràng. Tiếp theo đó, khi bệnh tiến triển, người bệnh thấy bụng tức âm ỉ vùng gan, chán ăn, ăn uống khó tiêu, buồn nôn hay nôn ói và vàng da. Đó là khi lượng mỡ trong gan tích tụ quá nhiều và đủ lâu để gây nên tình trạng viêm gan.
Nếu bệnh nhân chủ quan không đi khám, viêm gan kéo dài sẽ gây xơ hóa gan, chức năng gan bị trì trệ. Bệnh nhân trở nên suy kiệt vì không hấp thu được dinh dưỡng, phù toàn thân, tràn dịch màng phổi, báng bụng, khó thở. Bên cạnh đó, gan không còn có khả năng điều chỉnh đông máu hay loại bỏ chất độc, người bệnh bị chảy máu không cầm được hay dễ rơi vào hôn mê do bệnh não gan.
4. Cách điều trị và phòng tránh gan nhiễm mỡ như thế nào?
Gan nhiễm mỡ thường có tiên lượng khá tốt, không gây di chứng tổn thương gan lâu dài nếu được phát hiện sớm và can thiệp. Thậm chí, tế bào gan còn có khả năng tân sinh tạo mới, khi các yếu tố gây hại được ngăn chặn, lá gan sẽ trở về khỏe mạnh gần như ban đầu. Cụ thể là nếu là gan nhiễm mỡ do rượu, việc điều trị tiên quyết là cai rượu. Nếu gan nhiễm mỡ không do rượu, cần tìm nguyên nhân cũng như điều chỉnh các yếu tố nguy cơ.
Trong đó, nổi bật nhất là chế độ dinh dưỡng hạn chế chất béo không lành mạnh, chẳng hạn như chất béo từ động vật có trong mỡ, thịt đỏ, những sản phẩm sữa nguyên chất béo, nội tạng động vật, trứng lộn, hải sản,... Thay vào đó, bổ sung rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây vào bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày vào ít nhất 5 ngày/tuần với các bài tập như chạy bộ, đi bộ, bơi lội,..., tránh ngồi trong thời gian dài để giúp tăng cường tiêu thụ lượng mỡ dự trữ. Ngoài ra, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và giảm cân nếu cần.
Đối với người bệnh có các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... thì cần tuân thủ điều trị, uống thuốc và tái khám đều đặn để bác sĩ đánh giá hiệu quả của thuốc, điều chỉnh thuốc kịp thời cũng như phát hiện sớm các biến chứng. Ngoài ra, một số loại thuốc giúp cải thiện quá trình ứ đọng chất béo trong gan, chống oxy hóa... cũng đang tích cực nghiên cứu và bước đầu ứng dụng.
Tóm lại, gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh lý quá đáng sợ nếu chúng ta có những hiểu biết về nó. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động tích cực, hạn chế uống rượu là những việc đơn giản có thể thực hiện hàng ngày để có một lá gan khỏe mạnh bên trong một cơ thể cường tráng.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai gói sàng lọc gan mật bao gồm đầy đủ tất cả các xét nghiệm trên, mang đến sự yên tâm và kết quả chính xác cho khách hàng.
Gói sàng lọc gan mật giúp khách hàng: Đánh giá khả năng làm việc của gan thông qua các xét nghiệm men gan; Đánh giá chức năng mật; Thực hiện các xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, sàng lọc viêm gan B,C; Đánh giá trạng thái gan mật qua hình ảnh siêu âm.
Khi có những dấu hiệu rối loạn gan hoặc ngay cả khi không hề có triệu chứng gì người bệnh gan nhiễm mỡ cũng nên chủ động xét nghiệm chức năng gan. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.