Biến chứng và điều trị viêm tuyến nước bọt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm tuyến nước bọt xảy ra khi tuyến nước bọt hoặc ống nước bọt bị nhiễm khuẩn. Tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến việc giảm tiết nước bọt do tắc nghẽn hoặc viêm ống nước bọt, gọi chung là viêm tuyến nước bọt.

1. Chẩn đoán bệnh viêm tuyến nước bọt

1.1. Triệu chứng viêm tuyến nước bọt

Những triệu chứng dưới đây có thể sẽ xuất hiện khi bị viêm tuyến nước bọt, bệnh nhân nên khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất. Triệu chứng của viêm tuyến nước bọt có thể rất giống với nhiều bệnh khác. Các triệu chứng bao gồm:

  • Tuyến nước bọt mang tai hoặc dưới hàm hai bên to ra, có khi làm biến dạng mặt, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ.
  • Da vùng tuyến mang tai bị sưng căng, bóng, sờ nóng đau, không đỏ và ấn không lõm (đối với viêm tuyến nước bọt do virus) hoặc đỏ và ấn lõm (đối với viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn).
  • Nước bọt ít, quánh.
  • Lỗ ống Stenon viêm đỏ hoặc có mủ chảy ra khi vuốt dọc ống tuyến (trong trường hợp nguyên nhân là vi khuẩn).
  • Sưng hạch góc hàm
  • Thường xuyên bị mất vị giác hoặc cảm thấy miệng bị hôi.
  • Không thể mở to miệng được.
  • Khó chịu hoặc đau khi mở miệng hoặc khi ăn.
  • Khô miệng.
  • Đau ở trong miệng.
  • Đau vùng mặt.
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt hoặc ớn lạnh.

Đến ngay bệnh viện nếu bị viêm tuyến nước bọt đi kèm với sốt cao, khó thở hoặc khó nuốt, đặc biệt khi các triệu chứng diễn biến xấu đi. Những triệu chứng này cần phải được cấp cứu về mặt y tế.

1.2. Các xét nghiệm chẩn đoán

  • Xét nghiệm máu: Bạch cầu giảm, bạch cầu đa nhân trung tính giảm (đối với nguyên nhân do virus) và tăng (đối với nguyên nhân vi khuẩn), amylase máu và nước tiểu đều tăng.
  • Siêu âm: Phương tiện chẩn đoán đầu tay và quan trọng trong các tổn thương mô mềm vùng đầu mặt cổ, có vai trò chẩn đoán xác định bệnh viêm tuyến nước bọt viêm. Trong kỹ thuật này cần khảo sát toàn bộ vùng cổ để phát hiện các tổn thương kết hợp.

Xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu giảm, amylase máu tăng
Xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu giảm, amylase máu tăng

2. Biến chứng viêm tuyến nước bọt mang tai

Biến chứng của viêm tuyến nước bọt thường không phổ biến. Nếu viêm tuyến nước bọt không được điều trị, mủ có thể tích tụ lại và hình thành các ổ áp-xe ở tuyến nước bọt.

Viêm tuyến nước bọt gây ra do khối u lành tính có thể gây phì đại tuyến nước bọt. Khối u ác tính có thể sẽ phát triển rất nhanh và gây ra mất cử động ở vùng mặt bị tổn thương. Việc này có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ vùng này.

Bệnh nhân cũng có thể gặp phải biến chứng nếu tình trạng nhiễm trùng ban đầu lan từ tuyến nước bọt sang các phần khác của cơ thể, bao gồm nhiễm trùng da do vi khuẩn (viêm mô tế bào) hoặc viêm họng Ludwig (một dạng viêm mô tế bào xảy ra ở phía dưới của miệng)

Trắc nghiệm: Bài kiểm tra chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) của bạn

Chỉ số trí tuệ cảm xúc Emotional Quotient (EQ) là một chỉ số dùng để nói lên trí tưởng tượng, đánh giá và cảm xúc của một con người. Hãy làm bài trắc nghiệm sau để biết chỉ số EQ của bạn là bao nhiêu?

Nguồn tham khảo: webmd.com

3. Điều trị viêm tuyến nước bọt

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng, nguyên nhân tiềm ẩn và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, ví dụ như sưng hoặc đau. Kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị nhiễm vi khuẩn, mủ hoặc sốt. Ổ áp - xe có thể sẽ được chọc hút.

Đa số các trường hợp viêm tuyến nước bọt không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ cần thiết trong các trường hợp nhiễm trùng mãn tính hoặc nhiễm trùng tái phát. Mặc dù không phổ biến nhưng phẫu thuật có thể sẽ bao gồm việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến mang tai hoặc loại bỏ tuyến dưới hàm.

Điều trị tại nhà bao gồm:

  • Uống 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để kích thích tuyến nước bọt và giữ tuyến nước bọt sạch sẽ.
  • Massage vùng tuyến nước bọt bị tổn thương.
  • Chườm ấm vào vùng bị tổn thương;
  • Súc miệng với nước ấm, có pha một chút muối.
  • Ngậm hoặc mút chanh chua hoặc kẹo chanh không đường để kích thích tiết nước bọt và giảm sưng.

Súc miệng với nước ấm
Súc miệng với nước ấm

4. Phòng ngừa viêm tuyến nước bọt mang tai

Cách tốt nhất để làm giảm nguy cơ viêm tuyến nước bọt là uống nhiều nước và thực hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bao gồm chải răng đúng cách và sử dụng chỉ tơ nha khoa làm sạch răng ít nhất hai lần một ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe