Ai dễ mắc ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày là loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong do bệnh ung thư. Việc tìm hiểu những ai dễ mắc ung thư dạ dày và cách phòng tránh sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

1. Ai dễ mắc ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày là loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất, đứng hạng thứ 3 trong các loại ung thư và cũng là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây nên tử vong do bệnh ung thư. Các tế bào ung thư ở dạ dày phát triển thành khối u to gây tổn thương cho dạ dày. Đồng thời những tế bào ác tính này còn có khả năng lan tràn sang các cơ quan khác như màng bụng, gan, tuỵ,... và hình thành khối ung thư tại đó gọi là di căn.

Người bị ung thư dạ dày thường nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Dù thực sự chưa biết rõ ràng nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, như:

  • Giới tính nam: Nam giới có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với nữ giới.
  • Độ tuổi: Người trong độ tuổi 40 – 60 tuổi có nguy cơ ung thư dạ dày cao nhất. Người dưới 40 tuổi bị ung thư dạ dày chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
  • Yếu tố di truyền: Nếu bạn có người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh chị em mắc ung thư dạ dày, thì bạn có khả năng mắc bệnh cao hơn người khác khoảng 2-4 lần. Hiện nay vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân cụ thể về nhiễm sắc thể hay gen gây bệnh. Những đối tượng nguy cơ này cần phải khám định kỳ để tầm soát và phát hiện bệnh sớm.
  • Có tiền sử mắc bệnh dạ dày: Những người có tiền căn mắc các bệnh lý về dạ dày, dù là bệnh lành tính, cũng có khả năng bị ung thư dạ dày cao hơn so với người bình thường. Các bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm: Người đã từng cắt dạ dày do loét hoặc thủng dạ dày trước đây, người có polyp dạ dày, người bị viêm loét dạ dày – tá tràng hoặc viêm dạ dày bất sản.
  • Nhóm máu A: Mặc dù chưa tìm thấy mối liên hệ nào nhóm máu và ung thư dạ dày nhưng người mang nhóm máu A có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với các nhóm máu khác.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P): Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) sống ở dưới lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, sát bên các tế bào biểu mô nhưng không xâm nhập vào mô. Vi khuẩn H.P tồn tại được trong môi trường axit dịch vị và sản xuất ra các men như protease, catalase, ngoại độc tố. Các chất này làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét dạ dày hoặc loét dạ dày – tá tràng. Do đó, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori được cho là có liên quan đến bệnh lý ung thư dạ dày. Có đến 65 - 80% số trường hợp bị ung thư dạ dày có liên quan đến vi khuẩn H.P. Người bị nhiễm vi khuẩn H.P có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 – 6 lần so với những người khác.
  • Béo phì: Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày. Mặc dù cơ chế bệnh sinh vẫn chưa rõ ràng nhưng theo thống kê đã cho thấy những người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với người không béo phì.
  • Chế độ ăn: Chế độ ăn cũng được xem là một yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày. Ăn quá mặn, ăn các loại thịt đỏ hoặc thịt trải qua nhiều công đoạn chế biến, ăn nhiều thực phẩm hun khói, quay, nướng hay rau quả ngâm giấm đều làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày.
  • Thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá: Uống rượu bia, hút thuốc lá hay thuốc lào sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, có thể dẫn tới các tổn thương như viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Cụ thể, hút thuốc lá làm cho nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày tăng lên tới 40%, thậm chí là tới 82% đối với người nghiện thuốc lá nặng so với người không hút thuốc lá. Một số nghiên cứu cũng cho thấy những người nghiện rượu có tỷ lệ cao bị ung thư dạ dày.
  • Một số yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày khác như: Người sống ở Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước ở Đông Âu và châu Mỹ La-tinh; người có điều kiện kinh tế xã hội thấp dễ mắc ung thư dạ dày hơn; phơi nhiễm với những chất độc hại trong môi trường như bụi than đá, niken và amiăng,.. cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày.

Người bị ung thư dạ dày thường nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi
Người bị ung thư dạ dày thường nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi

2. Triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày

Người bị ung thư dạ dày thường có những triệu chứng sau đây:

  • Cảm thấy khó chịu hoặc đau ở vùng thượng vị;
  • Buồn nôn, nôn và mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng;
  • Nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen;
  • Khó tiêu, đầy hơi, ợ nóng;
  • Bụng chướng lên sau khi ăn, dù chỉ ăn rất ít;
  • Khó nuốt, có thể gặp trong trường hợp khối ung thư xuất hiện ở dạ dày gần thực quản;
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, sụt cân không có nguyên nhân rõ ràng.

3. Phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày

Có nhiều xét nghiệm giúp chẩn đoán, phân giai đoạn bệnh cũng như giúp tiên lượng bệnh ung thư dạ dày.

3.1. Xét nghiệm chẩn đoán ung thư dạ dày

Bác sĩ sẽ sử dụng các xét nghiệm sau đây để chẩn đoán ung thư dạ dày:

  • Chụp X-quang dạ dày có cản quang (bằng cách uống một cốc nước chứa chất bari). Hiện phương pháp này ít phổ biến và được thay thế bằng nội soi dạ dày.
  • Nội soi dạ dày giúp chẩn đoán bệnh sớm và chính xác nhất. Nội soi dùng một ống dẫn nhỏ, có đèn sáng đưa vào dạ dày qua đường miệng, có thể gây tê để giảm đau trước khi nội soi. Nội soi dạ dày là phương pháp giúp bác sĩ tiếp cận gần nhất với tổn thương, có thể dễ dàng sinh thiết một mẫu nhỏ khối u để làm giải phẫu bệnh. Thông qua mẫu mô sinh thiết có thể xác định được bản chất bệnh lý của khối u.

3.2. Xét nghiệm chẩn đoán giai đoạn bệnh và tiên lượng

Sau khi đã chẩn đoán bệnh, cần thực hiện những xét nghiệm sau để chẩn đoán giai đoạn bệnh và tiên lượng:

  • Chụp PET - CT vùng ngực, bụng, chậu hoặc toàn thân để xác định sự xâm lấn sang các cơ quan lân cận hoặc di căn. Từ đó giúp bác sĩ xác định chính xác giai đoạn bệnh và định hướng điều trị.
  • Xét nghiệm khuếch đại gen, tìm và phân tích các đột biến trong ung thư để đưa ra phương hướng điều trị và chọn lựa loại thuốc phù hợp.

Hút thuốc lá hay thuốc lào làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày
Hút thuốc lá hay thuốc lào làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày

4. Cách phòng tránh bị ung thư dạ dày

Để phòng tránh ung thư dạ dày, cần thực hiện những điều sau:

  • Khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện sớm và điều trị ung thư kịp thời;
  • Đi khám bệnh ngay khi có các triệu chứng bệnh dạ dày và tuân thủ chế độ điều trị;
  • Điều trị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori theo đúng phác đồ giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày;
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên và đều đặn để rèn luyện sức khỏe cũng như kiểm soát cân nặng;
  • Hạn chế ăn thịt đỏ, ăn đồ mặn và các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, chế độ ăn nên có nhiều tôm, cá, rau củ, trái cây;
  • Không uống rượu bia;
  • Không hút thuốc lá và thuốc lào;
  • Thực hiện bảo hộ lao động theo đúng tiêu chuẩn khi làm việc trong môi trường độc hại. Ví dụ như để tránh phơi nhiễm với bụi than đá, công nhân khai thác than đá phải đeo khẩu trang phòng hộ.

Tóm lại, ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, gây tử vong cao nhưng lại chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Do đó, việc tìm hiểu những ai dễ mắc ung thư dạ dày và cách phòng tránh sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Trong trường hợp có những dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư dạ dày, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe