Vì sao trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy?

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, đôi khi điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tác dụng phụ khó chịu là rối loạn tiêu hóa. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt và nhạy cảm nên dễ bị ảnh hưởng bởi điều này.

1. Vì sao trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa?

Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt ở trẻ em khi hệ tiêu hóa của chúng còn non nớt và nhạy cảm. Đây là không phải là tình trạng quá nguy hiểm, nhưng nếu để kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa sẽ khiến cho khả năng tiêu hóa thức ăn kém gây đầy hơi, chướng bụng, chán ăn, hấp thu kém gây còi cọc, chậm lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến trí tuệ và cảm xúc của trẻ trong tương lai.

Trong đường đường ruột của mỗi người có chứa các vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Bình thường các loại vi khuẩn này chung sống hòa bình với nhau tạo nên một hệ vi sinh cân bằng (85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn) giúp đường ruột luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi đáng kể khi một người bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn hoặc kìm khuẩn tùy theo cơ chế tác dụng của mỗi loại thuốc. Khi vào cơ thể, thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn có chung một số đặc điểm nhất định, mà không phân biệt đó là đó là vi khuẩn có lợi hay có hại.

Khi các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, những lợi ích liên quan đến việc tiêu hóa thức ăn, tăng cường hấp thu, tăng cường miễn dịch hay ổn định đường tiêu hóa sẽ bị giảm sút hoặc mất đi. Từ đó gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa với những triệu chứng điển hình như là tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng, phân sống,...

2. Trẻ uống kháng sinh có bị đi ngoài không?

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, đôi khi điều trị bằng kháng sinh có thể dẫn đến một tác dụng phụ khó chịu đó là tiêu chảy. Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh khá phổ biến. Ước tính có từ 5 - 25% người lớn có thể bị tiêu chảy khi dùng kháng sinh. Trẻ uống kháng sinh có nguy cơ bị đi ngoài cao hơn, bởi hệ tiêu hóa của trẻ non nớt hơn người lớn

Không phải tất cả vi khuẩn đều xấu. Có rất nhiều loại vi khuẩn tốt sống trong ruột của bạn. Những vi khuẩn tốt này giúp ích cho quá trình tiêu hóa và chúng cũng đóng một vai trò trong việc giữ cho bạn khỏe mạnh. Thuốc kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng của các vi khuẩn này. Một trong những tác dụng phụ của việc tiêu diệt vi khuẩn có lợi đó là khả năng làm phân lỏng hơn.

Một vai trò khác được thực hiện bởi vi khuẩn tốt đó là kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn cơ hội. Những vi khuẩn cơ hội như Clostridium difficile (C. diff ) có thể gây nhiễm trùng nếu chúng không bị kiểm soát, điều này có thể xảy ra nếu vi khuẩn tốt bị kháng sinh tiêu diệt. Độc tố do C. diff sản xuất có thể gây viêm ruột, dẫn đến tiêu chảy.

Mẹo chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh
Một số trẻ có thể gặp tình trạng đi ngoài sau khi sử dụng kháng sinh

3. Các triệu chứng của tiêu chảy liên quan đến kháng sinh

Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh được định nghĩa là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng, nhiều nước từ ba lần trở lên mỗi ngày trong khi dùng kháng sinh. Tình trạng này có thể xuất hiện khoảng một tuần sau khi bắt đầu sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, tiêu chảy cũng có thể phát triển trong vài tuần sau khi kết thúc điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn C. diff , bạn có thể gặp các triệu chứng khác như:

  • Đau bụng hoặc chuột rút
  • Sốt
  • Giảm sự thèm ăn
  • Buồn nôn

4. Một số loại thuốc kháng sinh có nhiều khả năng gây tiêu chảy

Mặc dù tất cả các loại kháng sinh đều có thể gây tiêu chảy, nhưng một số loại có liên quan chặt chẽ hơn đến tình trạng bệnh này. Cho đến hiện nay chúng ta vẫn chưa hiểu một cách chính xác tại sao những loại kháng sinh này lại dễ gây tiêu chảy hơn những loại khác.

Các loại thuốc kháng sinh có khả năng gây tiêu chảy cao hơn bao gồm:

  • Penicillin chẳng hạn như ampicillin và amoxicillin
  • Cephalosporin chẳng hạn như cephalexin và cefpodoxime
  • Clindamycin

5. Nên ăn thực phẩm gì để điều trị bệnh tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh?

Nếu đang bị tiêu chảy do trẻ uống kháng sinh liên tục thì việc điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của trẻ. Một số gợi ý chung bao gồm:

  • Ăn thực phẩm ít chất xơ: mặc dù thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích ăn khi bạn khỏe mạnh, nhưng ăn chúng khi bạn bị tiêu chảy có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
  • Bổ sung kali: chất dinh dưỡng này có thể bị mất do tiêu chảy, ăn thực phẩm có chứa kali có thể giúp tốt hơn.
  • Bổ sung chất lỏng và muối bị mất: tiêu chảy có thể khiến bạn mất chất lỏng và điện giải nhanh hơn, vì vậy điều quan trọng là phải bổ sung những thứ này.

Các loại thực phẩm và đồ uống sau khi trẻ bị tiêu chảy bao gồm:

  • Chất lỏng bao gồm nước lọc, đồ uống hoặc trà đã loại bỏ caffeine.
  • Trái cây như chuối, nước sốt táo, hoặc một lượng nhỏ trái cây đóng hộp.
  • Ngũ cốc như gạo trắng, bánh mì trắng và mì.
  • Khoai tây gọt vỏ (nguồn cung cấp kali dồi dào) đã được luộc hoặc nướng.
  • Các nguồn protein như thịt gia cầm, thịt nạc và cá
  • Sữa chua có chứa các vi khuẩn có lợi.
Trẻ uống nước.
Cha mẹ nên bổ sung chất lỏng cho trẻ khi trẻ bị sốt

6. Các loại thực phẩm nên tránh khi bị tiêu chảy liên quan đến kháng sinh

Một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu chảy hoặc cản trở việc điều trị bằng kháng sinh, bao gồm:

  • Đồ uống có cồn
  • Đồ uống có chứa caffeine như cà phê, nước ngọt và trà
  • Các sản phẩm từ sữa (ngoài sữa chua), có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa khi dùng kháng sinh và ảnh hưởng đến sự hấp thụ kháng sinh.
  • Thực phẩm béo như thịt mỡ, bánh nướng, khoai tây chiên và các loại thực phẩm chiên khác.
  • Thực phẩm hoặc đồ uống có nhiều đường bổ sung như sô-đa, nước hoa quả, bánh ngọt và bánh quy
  • Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hầu hết các loại trái cây và rau quả.
  • Thức ăn cay có thể gây kích ứng thêm đường tiêu hóa của bạn.

Ngoài ra, cố gắng tránh ăn bưởi hoặc uống bổ sung canxi. Những điều này vừa có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể bạn hấp thụ kháng sinh, vừa có thể làm giảm tác dụng của thuốc.

7. Các biện pháp tự chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy do dùng thuốc kháng sinh

Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, bạn có thể thực hiện các bước khác để giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng tiêu chảy khi sử dụng thuốc kháng sinh.

  • Bổ sung lượng chất lỏng bị mất: tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước. Giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước. Nước súp hoặc nước hoa quả ít đường cũng có thể giúp ngăn ngừa mất nước. Bạn có thể cân nhắc giải pháp bù nước cho trẻ bằng đường uống như Oresol.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc chống tiêu chảy: trong một số trường hợp, thuốc trị tiêu chảy như loperamide (Imodium) có thể có hiệu quả làm giảm các triệu chứng của trẻ. Tuy nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này. Bởi trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc trị tiêu chảy có thể làm chậm thời gian cơ thể thải độc trong đường tiêu hóa. Điều này sẽ kéo dài tình trạng của trẻ và khiến trẻ có nguy cơ bị các biến chứng khác.

8. Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy, khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở chăm sóc khẩn cấp, nếu trẻ đang dùng thuốc kháng sinh và có các triệu chứng sau:

  • Tiêu chảy trên 5 lần trong một ngày
  • Có máu hoặc mủ trong phân của trẻ.
  • Sốt
  • Đau bụng hoặc chuột rút.

Nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ nhẹ hơn, bác sĩ có thể đề nghị bạn ngừng việc cho trẻ dùng thuốc kháng sinh cho đến khi trẻ hết tiêu chảy hoặc kê một loại kháng sinh khác có ít nguy cơ gây tiêu chảy hơn.

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ nhiễm C. diff , bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh nhắm vào vi khuẩn C. diff, chẳng hạn như vancomycin, fidaxomicin, metronidazole.

Khám nhi
Khi trẻ tiêu chảy trên 5 lần/ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

9. Có những cách nào ngăn ngừa tiêu chảy khi trẻ dùng thuốc kháng sinh?

Bạn có thể thực hiện một số cách để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh tiêu chảy do uống thuốc kháng sinh.

  • Thử dùng men vi sinh: Probiotics có thể giúp bổ sung vi khuẩn tốt trở lại hệ tiêu hóa của trẻ. Các tài liệu khoa học đã phát hiện ra rằng việc sử dụng men vi sinh trong khi dùng thuốc kháng sinh có thể có hiệu quả để ngăn ngừa tiêu chảy.
  • Thực hành vệ sinh tốt: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn C. diff .
  • Làm theo hướng dẫn dùng thuốc: một số loại thuốc kháng sinh có thể được cho uống cùng với thức ăn. Hãy chắc chắn bạn cho trẻ làm điều này để giúp ngăn ngừa kích ứng tiêu hóa.
  • Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi cần thiết: mặc dù thuốc kháng sinh có thể điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng chúng không có hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng do virus như cảm lạnh và cúm. Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiêu hóa của trẻ và gây ra các vấn đề khác.
  • Nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ từng bị tiêu chảy khi dùng kháng sinh trước đó. Bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc kháng sinh có ít khả năng gây ra vấn đề này hơn.

Cha mẹ cần hết sức lưu ý về trường hợp trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy, nếu tình trạng này kéo dài bác sĩ có thể đổi loại kháng sinh đang sử dụng và truyền nước cho trẻ khi cần thiết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn tiếp nhận và điều trị các vấn đề thường gặp ở trẻ như: tiêu chảy, hô hấp, đường ruột... Việc thăm khám luôn được thực hiện theo đúng quy trình bởi những bác sĩ, chuyên gia giàu chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm.

Việc trẻ được điều trị sớm và trong môi trường y tế chất lượng sẽ mang đến hiệu quả cao, rút ngắn thời gian nằm viện và đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com - healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan