Uống thuốc vào ban đêm có tốt không?

Thời điểm dùng thuốc có tác động quan trọng tới hiệu lực điều trị cũng như tác dụng phụ của thuốc. Thông thường, các loại thuốc thường được sử dụng vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Vậy uống thuốc vào ban đêm có tốt không?

1. Uống thuốc vào ban đêm có tốt không?

Thời điểm dùng thuốc cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Nhiều bệnh nhân thắc mắc có nên uống thuốc sau 9 giờ tối hay uống thuốc lúc 10 giờ tối có tốt không? Một số bệnh nhân lại phân vân không biết uống thuốc sau 12 giờ đêm có sao không?

Thực tế, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Vì thời điểm uống thuốc sẽ thay đổi, tùy vào từng loại thuốc, mục đích dùng thuốc cũng như tác dụng phụ của thuốc. Chẳng hạn như đối với các loại thuốc ngủ, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn uống thuốc trước khi đi ngủ.

Đối với các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thì cần phải uống ngay khi người bệnh đang có triệu chứng sốt, đau. Trong những trường hợp ấy, không nên máy móc phải uống thuốc vào buổi sáng hay buổi tối mà điều cần quan tâm là khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, sao cho cứ cách một khoảng thời gian nhất định có một lượng thuốc được đưa vào cơ thể để có duy trì tác dụng giảm đau hạ sốt cũng như tránh tác dụng phụ do dùng quá liều.

Một yếu tố quan trọng cũng ảnh hưởng tới thời điểm dùng thuốc là nhịp thời gian, trong chuyên môn gọi là dược lý thời khắc. Cơ thể con người có một chu trình sinh học phức tạp, khép kín và có thể thay đổi theo nhịp ngày đêm, nhất là với các nhịp sinh học hoặc nồng độ của các hormone. Những thuốc có tác dụng tương tự như các hormone trong cơ thể cần dùng sao cho không đi ngược lại các nhịp sinh lý tự nhiên của cơ thể. VÍ dụ các thuốc loại corticoid nên uống vào buổi sáng, khoảng 6 - 8 giờ vì khi đó nồng độ cortisol trong máu đạt mức cao nhất. Uống các loại thuốc corticoid vào thời điểm này sẽ không phá vỡ nhịp sinh lý của tuyến thượng thận và sẽ ít gây hiện tượng ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận.

Ngoài ra, tương tác với thức ăn hoặc tác động của acid dạ dày cũng là các yếu tố góp phần quyết định thời điểm uống thuốc. Có một số loại thuốc cần uống xa bữa ăn vì uống cùng thức ăn sẽ bị giảm hấp thu, bao gồm: các thuốc chống lao (rifampicin,...), các kháng sinh nhóm beta lactam (ampicillin, penicillin...), lincomycin, erythromycin... Các thuốc trên đều kém bền trong môi trường acid dịch vị nên thường được uống cách xa bữa ăn. Cần lưu ý rằng các dạng thuốc cần giảm thời gian lưu trong dạ dày như các viên bao tan trong ruột, viên phóng thích kéo dài cũng cần phải uống xa bữa ăn.

2. Thời điểm uống thuốc của một số loại thuốc

2.1. Thuốc bổ sung sắt

Sắt thường được khuyến cáo uống lúc bụng đói và nên dùng cùng với vitamin C để tăng cường hấp thu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân uống sắt lúc bụng đói thường có tình trạng buồn nôn, nôn, khó chịu. Trong trường hợp này bệnh nhân cũng có thể uống thuốc sau bữa ăn để giảm các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Ngoài ra, sắt cũng có thể tương tác tiêu cực với các thuốc khác, cản trở sự hấp thu của canxi, vitamin tổng hợp và một số thuốc kháng sinh. Do đó nếu phải dùng đồng thời bệnh nhân nên lưu ý uống cách sắt và các thuốc trên ít nhất 2 giờ.

2.2. Thuốc điều trị tăng huyết áp

Các thuốc điều trị tăng huyết áp thường được uống vào buổi sáng. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân cần được kiểm soát huyết áp vào lúc chiều tối thì thường được chỉ định thêm 1 viên huyết áp vào buổi chiều.

2.3. Thuốc liên quan đến hoạt động của tuyến giáp

Các thuốc điều chỉnh chức năng của tuyến giáp thường được uống lúc dạ dày rỗng để tăng cường hấp thu và hạn chế tương tác.

2.4. Thuốc điều trị đau dạ dày nhóm PPI

Để các loại thuốc này phát huy hiệu quả tối đa, các chuyên gia khuyến cáo nên uống thuốc trước khi ăn khoảng 30 phút. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các hoạt chất được hấp thu và phát huy tác dụng. Ngoài ra, một số thuốc thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày khác như sucralfat nên uống 1 giờ trước khi ăn để kịp tạo màng bao bọc niêm mạc trước khi thức ăn vào dạ dày. Các thuốc antacid phải uống sau khi ăn 1 giờ để trung hòa lượng acid dư do dạ dày tiết ra để tiêu hóa thức ăn.

2.5. Thuốc chống loãng xương

Phần lớn các loại thuốc chống loãng xương ví dụ như alendronate được khuyến cáo uống vào buổi sáng, trước khi ăn khoảng 30 phút. Sau khi uống, bệnh nhân lưu ý phải giữ tư thế thẳng, tránh nằm xuống vì thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như viêm loét thực quản, loét dạ dày.

2.6. Vitamin tổng hợp

Sau bữa ăn sáng là thời điểm thích hợp để uống vitamin tổng hợp. Hàm lượng chất béo trong bữa ăn sẽ giúp hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K. Uống vitamin tổng hợp vào buổi sáng cũng có thể giúp gia tăng năng lượng để bắt đầu một ngày mới.

2.7. Thuốc thông mũi và thuốc giảm dị ứng

Nghẹt mũi, sổ mũi và các triệu chứng dị ứng thông thường như ngứa mắt, nổi mẩn đỏ thường trở nên tồi tệ hơn vào buổi sáng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nên dùng các thuốc chống nghẹt mũi và điều trị dị ứng sau bữa ăn sáng để giúp làm thông xoang mũi và làm cho bệnh nhân cảm thấy dễ thở hơn.

Ngoài ra, một số loại thuốc kháng dị ứng histamin thế hệ 1 thường có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Do đó khi dùng thuốc bệnh nhân cần lưu ý, nhất là khi cần tỉnh táo để lái xe hay vận hành các loại máy móc.

2.8. Chế phẩm sinh học Probiotics

Các sản phẩm này thường được dùng sau khi ăn. Vào thời điểm này, thức ăn có trong dạ dày sẽ góp phần tác động đến các lợi khuẩn tiêu hóa và khiến chúng làm việc hết khả năng. Nếu bệnh nhân dùng thực phẩm có chế phẩm Probiotics khi dạ dày trống rỗng thì môi trường dạ dày với hàm lượng axit cao có thể tác động tiêu cực tới hiệu quả của sản phẩm.

2.9. Thuốc hạ cholesterol

Quá trình tổng hợp cholesterol diễn ra vào ban đêm. Vì vậy, nếu dùng thuốc điều chỉnh cholesterol sau khi ăn tối sẽ giúp thuốc phát huy hiệu lực tốt hơn. Tuy nhiên, có một số loại thuốc hạ cholesterol ví dụ như atorvastatin, rosuvastatin có thể dùng bất kỳ thời điểm nào trong ngày do thời gian bán thải dài. Do vậy, tùy vào nhu cần cũng như khả năng tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thời điểm sử dụng phù hợp.

Tóm lại, thời điểm uống thuốc sẽ thay đổi tùy từng loại thuốc, dạng bào chế, nhịp sinh học cơ thể và mục đích sử dụng. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về cách dùng và thời gian dùng thuốc, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan