Các thuốc lợi tiểu trong đó nhóm lợi tiểu quai có đặc tính chung là làm tăng đào thải Natri và nước qua thận. Tác dụng này có được là do thuốc gây ức chế sự tái hấp thu ion Natri tại ống thận. Đặc tính này của lợi tiểu không được dùng để cân bằng nước và Natri trừ khi được sử dụng để điều trị tình trạng phù và tăng huyết áp động mạch.
1. Thuốc lợi tiểu quai là gì?
Các thuốc lợi tiểu quai có tác dụng điều trị bệnh cao huyết áp và phù có nguyên nhân do suy tim hay suy thận.
2. Các thuốc lợi tiểu quai
2.1 Chế phẩm thường dùng
- Furosemid (Lasix, Lasilix), viên 40 mg, dạng ống 20mg/2ml.
- Thuốc lợi tiểu kháng Aldosteron(Verospiron): Spiromide hàm lượng 50mg/20mg, 50mg/40 mg.
2.2 Cách sử dụng
- Uống 20 – 80 mg/ngày, tác dụng 20 phút sau khi uống.
- Tiêm tĩnh mạch 1-2 ống, tác dụng sau 3-5 phút. Tác dụng hết sau 4-6 giờ.
- Liều tối đa tới 1000 mg/ngày (truyền tĩnh mạch qua bơm tiêm điện)
3. Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu quai
- Phần lớn lượng natri được lọc qua cầu thận (nước tiểu đầu) sẽ được tái hấp thu tại ống thận: Tại ống lượn gần (60 – 65%) và tại quai Henle (20%).
- Sự di chuyển của NaCl tại các tế bào ở nhánh lên của quai Henle thông qua sự đồng vận chuyển Na-K-2Cl.
- Các thuốc lợi tiểu quai gây ức chế trực tiếp sự tái hấp thu natri, kali và clo do khả năng cạnh tranh với kênh clo của quá trình đồng vận chuyển tại đoạn phình to của nhánh lên của quai Henle, làm tăng thải trừ các ion Natri, Clo và ion Kali. Vì vậy, nó cho phép thải tới 20 – 25% lượng Natri được lọc qua cầu thận, và có thể làm thải tới 30% lượng nước tiểu được lọc qua cầu thận.
- Các thuốc lợi tiểu quai cũng có hoạt tính gây tăng thải Calci và Magie do ức chế khả năng tái hấp thu NaCl dẫn đến ức chế sự tái hấp thu các cation hóa trị 2 như Calci và Magie nguyên nhân do giảm chênh lệch điện thế ở màng tế bào.
- Ngoài ra thuốc lợi tiểu quai có thể làm tăng thải trừ ion H+ (tác dụng yếu). Ở người không có phù, các thuốc lợi tiểu quai vẫn có tác dụng nên vẫn có chỉ định với những trường hợp tăng huyết áp do làm giảm nồng độ ion Natri ngoại bào và thành mạch sẽ làm tăng tác dụng của thuốc hạ áp và làm giảm tác dụng của các hormon gây co mạch (như ADH).
- Tác dụng lợi tiểu của thuốc lợi tiểu quai mạnh, do đó kéo theo tác dụng hạ huyết áp với những người có đang bị phù phổi, furosemid gây tăng thể tích tĩnh mạch, do đó làm giảm huyết áp tiền gánh cho thất trái trước khi thấy rõ tác dụng lợi tiểu.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc lợi tiểu quai
4.1 Tuần hoàn
- Giảm thể tích máu trong trường hợp điều trị liều cao.
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt.
- Hạ huyết áp thế đứng.
4.2 Chuyển hóa
- Giảm kali huyết, giảm natri huyết, giảm magie huyết, giảm calci huyết, tăng acid uric huyết, nhiễm kiềm do giảm clo huyết.
- Tăng tạm thời nồng độ cholesterol và triglycerid trong huyết tương.
- Tăng glucose huyết, glucose niệu.
4.3 Da
Phản ứng dị ứng, phát ban da, viêm mạch, dị cảm.
4.4 Tai
Gây độc tính dây VIII gây điếc, ù tai, giảm thính lực có hồi phục (ở liều cao).
4.5 Gây mất nước và điện giải
Mệt mỏi, chuột rút, hạ huyết áp.
Ngoài ra, còn có những tác dụng không mong muốn khác: Tăng đường máu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan – thận, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu, sẩn ngứa, tê bì...
5. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc lợi tiểu quai
5.1. Chỉ định của thuốc lợi tiểu quai
- Phù có nguyên nhân do tim (suy tim), gan (xơ gan) và thận (suy thận, viêm cầu thận, hội chứng thận hư).
- Suy thận mạn tính: Các thuốc lợi tiểu quai là lựa chọn ưu tiên, liều đáp ứng phụ thuộc mức độ suy thận (furosemide từ 40 – 500 mg/ngày).
- Tăng huyết áp: Sử dụng duy nhất thuốc lợi tiểu quai hoặc phối hợp các nhóm thuốc hạ áp khác (tác dụng hiệp đồng). Tuy nhiên, nhóm thuốc lợi tiểu quai không được khuyến cáo trong điều trị tăng huyết áp ngoại trừ trường hợp có suy giảm chức năng chức năng thận.
- Suy tim.
Các chỉ định cấp cứu:
- Phù phổi cấp
- Cơn tăng huyết áp cấp tính
- Tăng calci máu (ung thư di căn xương, đa u tủy xương).
- Tình trạng tăng calci máu thông thường hay kèm theo dấu hiệu mất nước nên sử dụng thuốc lợi tiểu quai kèm theo truyền dịch.
5.2. Chống chỉ định của thuốc lợi tiểu quai
- Tắc nghẽn hoàn toàn đường tiết niệu (Bí đái do phì đại tiền liệt tuyến, sỏi niệu quản gây ứ nước thận, sỏi niệu đạo...): Giải quyết tình trạng tắc nghẽn được ưu tiên hàng đầu trước khi cho lợi tiểu (đặt sonde tiểu, mở thông bàng quang, dẫn lưu bể thận qua da, can thiệp hoặc mổ lấy sỏi,...).
- Huyết động không ổn định, hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp.
- Dấu hiệu của tình trạng mất nước, mất điện giải (da khô, niêm mạc khô, khát nước, có nếp véo da): Ưu tiên bồi phụ thể tích tuần hoàn trước.
- Tình trạng cô đặc máu: Xét nghiệm công thức máu kiểm tra, cần bù đủ thể tích tuần hoàn trước, bù áp lực keo trong hội chứng thận hư.
- Phù và tăng huyết áp do có thai do có thể gây cạn ối, gây thiếu máu thai và teo thai.
Tuy nhiên thuốc lợi tiểu quai có thể chỉ định trong điều trị phù do bệnh lý tim, gan, thận ở phụ nữ có thai (chống chỉ định tương đối) với những trường hợp phù to, tiểu ít, có nguy cơ xuất hiện các biến chứng tim mạch (huyết áp tăng cao, phù phổi cấp) hoặc có suy thận tiến triển.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.