Thuốc Glatiramer: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Glatiramer là một thuốc miễn dịch, có tác dụng giảm tần suất tái phát của bệnh đa xơ cứng (MS) và ngăn chặn các nguy cơ khuyết tật. Tùy thuộc vào liều dùng mà người bệnh cần, thuốc Glatiramer sẽ được tiêm 1 lần/ ngày hoặc 3 lần/ tuần, mỗi lần cách nhau ít nhất 48 giờ.

1. Glatiramer là thuốc gì? Glatiramer có tác dụng gì?

Glatiramer là một loại protein hoạt động bằng cách ngăn chặn hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công các dây thần kinh trong não và tủy sống. Hiện nay, thuốc Glatiramer thường được kê đơn để điều trị bệnh đa xơ cứng (MS).

Cơ chế hoạt động của thuốc Glatiramer có thể làm giảm số lần bệnh tái phát và ngăn ngừa (hoặc trì hoãn) nguy cơ tàn tật ở người bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, bởi bản chất giống như 1 thuốc miễn dịch nên Glatiramer không thể giúp điều trị hoàn toàn bệnh đa xơ cứng.

2. Cách dùng thuốc Glatiramer

  • Thuốc Glatiramer có 2 dạng liều lượng khác nhau, được dùng bằng cách tiêm dưới da theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào liều dùng mà người bệnh cần, Glatiramer sẽ được tiêm 1 lần mỗi ngày hoặc 3 lần một tuần, mỗi lần cách nhau ít nhất 48 giờ.
  • Bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về tần suất sử dụng thuốc Glatiramer. Đặc biệt, nếu bạn đang dùng Glatiramer tại nhà thì hãy tìm hiểu tất cả các bước chuẩn bị, hướng dẫn dùng thuốc từ bác sĩ và thông tin trên bao bì sản phẩm. Thường với mũi tiêm đầu tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện tại phòng khám.
  • Trước khi tiêm thuốc Glatiramer, bạn cần rửa sạch và lau khô tay. Trước khi dùng cần rã đông thuốc ở nhiệt độ phòng trong 20 phút (nếu thuốc được bảo quản lạnh). Không nên tiêm Glatiramer ở dạng dung dịch lạnh vì có thể gây đau.
  • Thuốc Glatiramer thường trong suốt, không màu hoặc hơi vàng. Trước khi sử dụng, hãy quan sát sản phẩm này bằng mắt thường để tìm ra các hạt hoặc dấu hiệu đổi màu. Nếu có bất thường thì hủy và không sử dụng dung dịch.
  • Trước khi tiêm mỗi liều thì cần sát trùng vị trí tiêm bằng cồn. Điều quan trọng là thay đổi vị trí tiêm hàng ngày để tránh ảnh hưởng đến cùng một vùng da. Theo dõi các vị trí đã tiêm và không tiêm lại chính vị trí đó trong ít nhất 1 tuần.
  • Tiêm thuốc Glatiramer dưới da vùng hông, đùi, bụng hoặc mặt sau của cánh tay, không tiêm vào tĩnh mạch. Sau khi rút kim, ấn nhẹ lên vết tiêm nhưng không chà xát khu vực này.
  • Liều dùng thuốc Glatiramer sẽ được chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và khả năng đáp ứng với điều trị. Dùng thuốc Glatiramer thường xuyên để đạt được nhiều lợi ích nhất từ ​​nó. Không thay đổi liều lượng hoặc tự ý ngừng dùng thuốc mà không qua trao đổi với bác sĩ.
Thuốc Glatiramer
Thuốc Glatiramer có thể làm giảm số lần bệnh tái phát và ngăn ngừa nguy cơ tàn tật ở người bệnh đa xơ cứng

3. Tác dụng không mong muốn

  • Tương tự như nhiều loại thuốc khác, Glatiramer cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ như: Phản ứng tại chỗ tiêm (như đau, đỏ, nhức và sưng), buồn nôn, ớn lạnh, đau nhức khớp, đau cổ và đau đầu.
  • Ngay sau khi tiêm, cơ thể bạn có thể bị đỏ bừng, đau ngực, tim đập nhanh, lo lắng, khó thở hoặc ngứa. Những phản ứng này thường xảy ra với những người đã dùng thuốc Glatiramer được vài tháng hoặc chưa dùng lần nào. Nếu các triệu chứng này không biến mất trong vài phút thì hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế và đồng thời thông báo cho bác sĩ về phản ứng này trước những tiêm lần tiếp theo. Hỏi bác sĩ xem liệu có nên tiếp tục dùng thuốc này hay không.
  • Báo cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ phản ứng phụ của thuốc Glatiramer nghiêm trọng như: Chóng mặt, ngất xỉu, đau ngực, các dấu hiệu của bệnh gan (như buồn nôn, nôn mửa không ngừng, chán ăn, đau dạ dày, đau bụng, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu, dấu hiệu nhiễm trùng (như sốt, đau họng dai dẳng), thay đổi tâm trạng (chẳng hạn như trầm cảm), đau dữ dội tại chỗ tiêm, run rẩy, chân phù nề (do cơ thể giữ nước), các vấn đề về thị lực.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Glatiramer

Trước khi dùng thuốc Glatiramer, hãy lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nếu bạn bị dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc có bất kỳ tình trạng nào khác thì hãy thông báo ngay cho bác sĩ;
  • Trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là: Bệnh lý tim mạch (như đau ngực, rối loạn nhịp tim), bệnh gan.
  • Với phụ nữ đang mang thai, chỉ nên sử dụng thuốc Glatiramer khi thật sự cần thiết. Hãy trao đổi kĩ về những lợi ích và rủi ro của thuốc này với bác sĩ.
  • Hiện vẫn chưa rõ thuốc Glatiramer có đi vào sữa mẹ hay không. Nếu bạn đang dùng thuốc này để điều trị thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.
  • Nếu sử dụng thuốc Glatiramer quá liều và thấy các triệu chứng như ngất xỉu hoặc khó thở thì cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
  • Không dùng chung thuốc Glatiramer, bơm kim tiêm và ống truyền với người khác.
  • Nếu lỡ quên tiêm 1 liều thuốc Glatiramer thì nên tiêm ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp đã gần tới lần tiêm tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc thông thường.
  • Bảo quản nguyên hộp ống tiêm thuốc Glatiramer trong tủ lạnh, (không đóng băng). Không sử dụng ống tiêm đã đông lạnh. Trong trường hợp không bảo quản lạnh được, thuốc có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 1 tháng. Không để thuốc tiếp xúc với ánh sáng hoặc nhiệt độ cao, để xa tầm với của trẻ em và vật nuôi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

241 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan