Thuốc Cotrimoxazol 480mg thường thấy trong các đơn thuốc điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy... Đây là một loại kháng sinh kết hợp hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn, thuốc không có tác dụng diệt virus.
1. Thuốc Cotrimoxazol 480mg là thuốc gì?
Thành phần hoạt chất có trong thuốc cotrimoxazol gồm: Sulfamethoxazole 400 mg và Trimethoprim 80 mg cùng với hệ thống các tá dược như: tinh bột ngô, povidon K30, croscarmellose natri, tinh bột natri glycolat, magnesi stearat.
Trong đó, Sulfamethoxazole là một kháng sinh sulfamid có tác dụng ức chế cạnh tranh quá trình tổng hợp acid folic của vi khuẩn, Trimethoprim là một dẫn chất của pyrimidine, có tác dụng ức chế đặc hiệu enzym dihydrofolat reductase của vi khuẩn. Sự phối hợp của 2 hoạt chất kháng sinh trimethoprim và sulfamethoxazole sẽ cho tác dụng ức chế 2 giai đoạn liên tiếp của sự chuyển hóa acid folic, từ đó ức chế hiệu quả việc tổng hợp purin, thymidine và DNA cuối cùng của các loại vi khuẩn, cho tác dụng diệt khuẩn. Cơ chế hiệp đồng tác dụng này cũng giúp thuốc có khả năng chống lại sự phát triển vi khuẩn kháng thuốc và làm cho thuốc có tác dụng ngay cả khi vi khuẩn đã kháng lại từng thành phần có trong thuốc cotrimoxazol.
Các vi sinh vật tương đối còn nhạy cảm với thuốc cotrimoxazol:
- E. coli;
- Klebsiella spp.;
- Enterobacter spp.;
- Morganella morganii;
- Proteus mirabilis;
- Proteus indol dương tính, bao gồm cả P.vulgaris;
- H. influenzae;
- S. pneumoniae;
- Shigella flexneri và Shigella sonnei;
- Pneumocystis carinii;
- Thuốc cotrimoxazol có thể cho một vài tác dụng đối với Plasmodium falciparum và Toxoplasma gondii.
Các vi sinh vật thường kháng thuốc cotrimoxazol là:
- Enterococcus;
- Pseudomonas;
- Campylobacter;
- Vi khuẩn kỵ khí (Anaerobic);
- Meningococcus;
- Gonococcus;
- Mycoplasma.
2. Thuốc Cotrimoxazol có tác dụng gì?
Thuốc cotrimoxazol chữa bệnh gì?
- Viêm tai giữa cấp;
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính;
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát;
- Viêm tuyến tiền liệt;
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp;
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa;
- Bệnh brucella;
- Bệnh tả;
- Bệnh dịch hạch
- Viêm phổi do Pneumocystis jiroveci (Pneumocystis carinii);
- Bệnh toxoplasma.
3. Liều dùng của thuốc Cotrimoxazol 480mg
Thuốc cotrimoxazol được dùng bằng đường uống, có thể uống cùng với thức ăn hoặc thức uống để giảm thiểu khả năng rối loạn tiêu hóa. Liều thuốc cotrimoxazol được tính theo lượng trimethoprim trong viên thuốc phối hợp cố định có chứa sulfamethoxazole và trimethoprim mg như sau:
- Chữa viêm tai giữa cấp cho trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên: Liều thông thường của thuốc cotrimoxazol là 8 mg trimethoprim/kg/ngày, chia làm 2 liều nhỏ, uống cách nhau 12 giờ, thời gian điều trị thường là 10 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn, nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát hoặc viêm tuyến tiền liệt: Người lớn dùng liều 160mg trimethoprim, cách 12 giờ 1 lần, dùng thuốc cotrimoxazol trong 10 -14 ngày đối với nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính hoặc tái phát, dùng thuốc cotrimoxazol trong 3 - 6 tháng đối với viêm tuyến tiền liệt;
- Dự phòng nhiễm khuẩn mạn tính hoặc nhiễm khuẩn tái phát tại đường tiết niệu: Người lớn dùng liều 40 - 80 mg trimethoprim/ngày hoặc 3 lần/tuần trong 3 - 6 tháng; trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên dùng liều thông thường 8 mg trimethoprim/kg/ngày, chia làm 2 liều nhỏ, mỗi liều cách nhau 12 giờ/lần;
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: người lớn dùng liều 160mg trimethoprim/lần, cách nhau 12 giờ, dùng thuốc cotrimoxazol trong 14 ngày;
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do lỵ trực khuẩn (S. flexneri hoặc S.sonnei): Người lớn dùng liều 160mg trimethoprim/lần, dùng cách nhau 12 giờ; Trẻ em dùng liều 8mg trimethoprim/kg/ngày, chia làm 2 liều nhỏ, dùng cách nhau 12 giờ, dùng thuốc cotrimoxazol trong 5 ngày;
- Bệnh brucella ở trẻ em dùng liều trimethoprim là 10 mg/kg/ngày (tối đa 480mg/ngày), chia làm 2 liều nhỏ, sử dụng thuốc cotrimoxazol trong 4 - 6 tuần;
- Bệnh tả: người lớn dùng liều 160mg trimethoprim, ngày uống 2 lần trong 3 ngày; trẻ em dùng liều trimethoprim 4 - 5mg/kg, ngày uống 2 lần, trong 3 ngày phối hợp với việc truyền dịch và điện giải;
- Dự phòng cho đối tượng có tiếp xúc với người bị bệnh dịch hạch phổi: Người lớn dùng liều trimethoprim 320 - 640mg/ngày, chia đều làm 2 liều nhỏ, uống cách nhau 12 giờ trong 7 ngày; trẻ em ít nhất từ 2 tháng tuổi trở lên dùng liều trimethoprim 8mg/kg/ngày, chia đều làm 2 liều nhỏ, dùng thuốc cotrimoxazol trong 7 ngày;
- Viêm phổi do Pneumocystis jiroveci (Pneumocystis carinii): trẻ trên 2 tháng và người lớn dùng liều trimethoprim 15 - 20 mg/kg/ngày, chia làm 3 hoặc 4 liều nhỏ bằng nhau và dùng trong 14 - 21 ngày;
- Dự phòng tiên phát hoặc thứ phát ở đối tượng nhiễm HIV là người lớn và thanh thiếu niên: trimethoprim 160mg/lần/ngày hoặc 80mg/lần/ngày;
- Dự phòng tiên phát hoặc thứ phát nhiễm HIV ở trẻ em: uống gián đoạn liều trimethoprim 150mg/m2, chia làm 2 liều nhỏ, uống trong 3 ngày liên tục trong mỗi tuần;
- Bệnh toxoplasma: liều dùng trong dự phòng tiên phát ở người lớn và thiếu niên là trimethoprim 160mg/lần/ngày hoặc 80mg/lần/ngày; dự phòng tiên phát ở trẻ em nhiễm HIV liều trimethoprim 150mg/m2/ngày được chia làm 2 liều nhỏ;
Đối với bệnh nhân bị suy thận liều lượng được giảm như sau:
- Độ thanh thải creatinin (ml/phút) >30: dùng liều thông thường;
- Độ thanh thải creatinin (ml/phút) 15-30: dùng 1/2 liều thường dùng;
- Độ thanh thải creatinin (ml/phút) <15: Không dùng.
4. Chống chỉ định của thuốc cotrimoxazol
- Bệnh nhân quá mẫn với sulfamethoxazole hoặc trimethoprim hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc cotrimoxazol;
- Bệnh nhân tổn thương gan nặng;
- Suy thận nặng khi không thể kiểm soát được độ thanh thải dưới 15 ml/phút;
- Thiếu máu hồng cầu to do thiếu folate;
- Phụ nữ có thai và cho con bú không dùng thuốc cotrimoxazol;
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi.
5. Tác dụng phụ của thuốc cotrimoxazol
- Tác dụng phụ của thuốc cotrimoxazol thường gặp: Buồn nôn, nôn, biếng ăn và tiêu chảy;
- Các phản ứng quá mẫn thường gặp: Sốt, các phản ứng về da như ban, ngứa, nhạy cảm ánh sáng, viêm da tróc vảy, hồng ban hoặc nghiêm trọng hơn có khả năng tử vong, độc tính hoại tử biểu bì, hội chứng Stevens-Johnson;
- Tác dụng phụ của thuốc cotrimoxazol khác: lupus ban đỏ toàn thân, thuốc cotrimoxazol làm nặng thêm các bệnh sẵn có, gây độc tính thận như viêm thận kẽ và hoại tử ống thận, đau thắt lưng, tiểu máu, tiểu ít, khó tiểu...
- Thuốc cotrimoxazol gây rối loạn máu: Mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, giảm tiểu cầu và bạch cầu, giảm prothrombin, tăng bạch cầu ưa eosin;
- Rối loạn enzym gan và vàng da ứ mật, chứng xanh tím do methemoglobin, thiếu máu tán huyết cấp tính.
6. Tương tác thuốc cotrimoxazol với các thuốc khác
- Warfarin: thuốc cotrimoxazol gây kéo dài thời gian đông máu của bệnh nhân do thuốc ức chế sự thanh thải chất chuyển hóa của warfarin;
- Phenytoin: thuốc cotrimoxazol ức chế sự chuyển hóa phenytoin;
- Methotrexat: sulfonamid có thể chiếm chỗ methotrexat khi gắn kết với protein huyết tương, làm tăng nồng độ methotrexate tự do;
- Cyclosporin: xuất hiện dấu hiệu độc thận tuy nhiên có thể hồi phục ở những bệnh nhân có cấy ghép thận đang dùng thuốc cotrimoxazol cùng với cyclosporin;
- Digoxin: thuốc cotrimoxazol làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh, thường xảy ra ở người cao tuổi;
- Indomethacin: thuốc cotrimoxazol làm tăng nồng độ sulfamethoxazole trong huyết tương;
- Pyrimethamine: bệnh thiếu máu hồng cầu to xảy ra ở bệnh nhân đang dùng thuốc cotrimoxazol và pyrimethamin quá 25mg/tuần.
- Thuốc chống trầm cảm: thuốc cotrimoxazol làm giảm hiệu quả của thuốc chống trầm cảm 3 vòng;
- Amantadin: Mê sảng nhiễm độc khi dùng kết hợp thuốc cotrimoxazol với amantadin.
Thuốc Cotrimoxazol thường thấy trong các đơn thuốc điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.