Bài viết được viết bởi Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Thuốc chứa salbutamol là thuốc kê đơn và thuộc danh mục thuốc kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế nên chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ theo theo đúng liều điều trị. Tránh trường hợp tự ý dùng thuốc hoặc dùng lại đơn thuốc cũ cho một đợt bệnh tương tự.
1. Salbutamol là thuốc gì, công dụng thế nào?
Salbutamol hay cách gọi khác là albuterol thường được biết đến qua tên biệt dược thông dụng Ventolin là thuốc có tác dụng giãn khí quản giúp điều trị các bệnh lý hô hấp do co thắt đường dẫn khí như hen phế quản, cơn hen cấp, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Thuốc cũng được sử dụng để ngăn ngừa triệu chứng khó thở do hoạt động thể lực gắng sức.
Thường gặp nhất salbutamol được dùng để hít qua miệng vào đường thở thông qua các dụng cụ xịt hoặc máy xông khí dung. Thuốc còn có ở dạng thuốc nước hoặc siro thuốc sử dụng cho trẻ nhỏ. Sử dụng đúng cách, thuốc giúp giảm ho, khò khè, giảm triệu chứng hoặc khó thở thông qua ngăn co thắt phế quản và tăng oxy đi vào phổi.
2. Làm thế nào để sử dụng thuốc đúng cách?
Chú ý theo dõi và sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế là cách tốt nhất để thuốc có tác dụng đầy đủ và giảm thiểu các tác dụng phụ có hại. Người bệnh hoặc người chăm sóc cũng có thể tham khảo cách sử dụng của các dụng cụ xịt hít trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc những hình ảnh, đoạn phim ngắn trên mạng internet của nhà sản xuất hoặc các trung tâm y khoa uy tín.
Với dạng thuốc khí dung, người bệnh sẽ cần có thiết bị riêng để giúp chuyển thuốc từ dạng lỏng thành dạng khí chứa các hạt thuốc li ti giúp thuốc dễ đi sâu vào các phế nang của phổi. Riêng dạng thuốc uống cần phải đong và định liều chính xác do thuốc cho tác dụng toàn thân nên nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn cũng cao hơn các dạng thuốc hít.
Một điểm cần lưu ý khi sử dụng dạng thuốc xông khí dung là thời hạn sử dụng khi mở lần đầu. Tùy theo nhà sản xuất và dạng bao bì (đóng trong vỉ nhôm kín, lọ đa liều ...) mà thuốc phải hủy trong 3 đến 6 tháng sau khi mở.
3. Các tác dụng phụ khi dùng thuốc
Như mọi loại thuốc, salbutamol cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn cần phải theo dõi. Hiếm gặp nhưng đáng lưu ý nhất là tim đập nhanh hoặc bất thường nhịp tim, trống ngực, run rẩy tay chân và các phản ứng dị ứng như phù mạch, mày đay, có thắt phế quản, hạ huyết áp hoặc trụy mạch.
>>> Sử dụng thuốc Salbutamol cho trẻ
Nếu người bệnh đặc biệt là trẻ em gặp phải các tác dụng phụ này cần ngưng thuốc và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí thích hợp. Cũng cần lưu ý là các tác dụng có hại này có thể xuất hiện nếu dùng thuốc quá liều, đặc biệt là với các dạng thuốc uống cho tác dụng toàn thân. Do vậy cần đảm bảo lấy lượng thuốc chính xác theo chỉ định của bác sĩ.
Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra bao gồm đau đầu, kích ứng họng và miệng hoặc hạ kali huyết có thể xảy ra khi dùng thuốc kéo dài. Cần báo ngay với bác sĩ nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu của hạ kali huyết như: co giật, giảm lượng nước tiểu, khô môi, tăng khát nước, nhịp tim không đều, biếng ăn, thay đổi tính tình, đau cơ hoặc co rút cơ bắp, buồn nôn, nôn mửa, cảm giác tê hoặc châm chích trên tay, chân, môi hoặc yếu mệt.
Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải tác dụng phụ, người bệnh hoặc người chăm sóc cần ghi nhận lại các triệu chứng bất thường để trao đổi với bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể sẽ lựa chọn thay đổi đường dùng thuốc (đường uống sang đường xông xịt) hoặc giảm liều thuốc, thay đổi thuốc tùy theo đáp ứng và tình trạng bệnh lý hiện thời.
4. Lưu ý khi sử dụng
Thuốc chứa salbutamol là thuốc kê đơn và thuộc danh mục thuốc kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế nên chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ theo theo đúng liều điều trị. Tránh trường hợp tự ý dùng thuốc hoặc dùng lại đơn thuốc cũ cho một đợt bệnh tương tự.
Định kỳ đưa trẻ tái khám để theo dõi đáp ứng điều trị cũng như xử trí kịp thời các tác dụng có hại nếu có.
Một phản ứng có thể gặp khi dùng salbutamol cũng như các thuốc giãn phế quản khác là co thắt phế quản nghịch lý. Đây là một phản ứng ngược biểu hiện bằng khó thở và khò khè nghiêm trọng hơn kể cả khi dùng đủ và đúng liều thuốc. Khi xảy ra tình trạng này, người bệnh hoặc người chăm sóc cần liên hệ ngay với bác sĩ và được hỗ trợ y tế ngay (cấp cứu hoặc đến ngay các cơ sở y tế). Việc tái khám định kỳ hoặc theo lịch hẹn sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này.
Thường xuyên kiểm tra các thiết bị phun khí dung hoặc dụng cụ xịt hít để đảm bảo chúng hoạt động bình thường.
Thông báo với bác sĩ các thuốc khác đang dùng để kiểm tra tương tác thuốc và đảm bảo thuốc không làm xấu đi tình trạng bệnh hiện có.
Bảo quản thuốc theo chỉ dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì, thông thường là ở nhiệt độ phòng, tránh xa khỏi nguồn nhiệt hoặc ánh sáng trực tiếp, không đông lạnh. Lưu ý hủy các ống thuốc xông khí dung đã lấy ra khỏi vỉ hoặc dụng cụ xịt đã ngưng sử dụng sau một khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng tùy loại thuốc.
Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em đặc biệt là các ống xịt chứa sẵn thuốc do trẻ nhỏ có thể bắt chước sử dụng gây tác hại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo nguồn: Mayoclinic.org, uptodate.com