Metformin 850mg là thuốc gì?

Metformin được chứng minh hiệu quả trong điều trị đái tháo đường type 2 nhóm Biguanid. Vậy Metformin 850mg là thuốc gì?

1. Metformin 850mg là thuốc gì?

Metformin 850mg là một thuốc chống đái tháo đường chứa thành phần chính là Metformin thuộc nhóm biguanid. Metformin có tác dụng giảm nồng độ glucose trong huyết tương ở người bệnh đái tháo đường type II (đái tháo đường không phụ thuộc insulin).

2. Công dụng của Metformin 850mg

  • Điều trị bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (type II): Đơn trị liệu, khi không thể điều trị tăng đường huyết bằng chế độ ăn đơn thuần.
  • Có thể dùng Metformin đồng thời với một thuốc nhóm sulfonylurê khi chế độ ăn và Metformin hoặc sulfonylurea đơn độc không có hiệu quả kiểm soát đường máu một cách đầy đủ.

3. Liều dùng của Metformin 850mg

Metformin 850mg được sử dụng bằng đường uống cùng với bữa ăn hoặc sau khi ăn.

Liều khuyến cáo: Liều khởi đầu đối với bệnh nhân chưa sử dụng Metformin là 500 mg, một lần/ngày. Nếu người bệnh không gặp phản ứng có hại trên đường tiêu hóa và cần phải tăng liều thì có thể tăng thêm 500 mg sau mỗi khoảng thời gian điều trị từ 1 đến 2 tuần. Liều dùng của Metformin cần được cân nhắc điều chỉnh trên từng bệnh nhân và không vượt quá liều tối đa là 2000mg/ngày.

  • Người lớn: Bắt đầu uống 1 viên/ngày, uống 1 lần (uống vào bữa ăn sáng).
  • Trẻ em ≥ 10 tuổi và thanh thiếu niên: Đơn trị và kết hợp với insulin: Liều khởi đầu: 1 viên x 1 lần/ngày. Sau 10- 15 ngày, chỉnh liều dựa trên chỉ số đường huyết. Liều tối đa được đề nghị là 2 g/ngày, được chia làm 2 - 3 liều.
  • Người cao tuổi: Liều điều trị cần dè dặt vì có thể gây suy giảm chức năng thận. Bệnh nhân cao tuổi không nên điều trị tới liều tối đa Metformin.

4. Chống chỉ định

Thuốc Metformin 850mg chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người bệnh có trạng thái dị hóa cấp tính, nhiễm khuẩn, chấn thương (phải được điều trị bằng insulin)
  • Giảm chức năng thận do bệnh thận, hoặc rối loạn chức năng thận, hoặc do bệnh lý như trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp tính và nhiễm khuẩn huyết.
  • Bệnh nhân suy thận nặng
  • Bệnh nhân toan chuyển hóa cấp tính hoặc mãn tính, bao gồm cả nhiễm toan ceton do tiểu đường.
  • Bệnh gan nặng, bệnh tim nặng, bệnh hô hấp nặng với giảm oxygen máu.
  • Suy tim sung huyết, trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp tính.
  • Bệnh phổi thiếu oxy mạn tính.
  • Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn huyết.
  • Mất bù chuyển hóa cấp tính
  • Người mang thai
  • Ngừng Metformin tạm thời ở người chụp X-quang có tiêm chất cản quang chứa iod
  • Hoại thư, nghiện rượu, thiếu dinh dưỡng.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc

  • Nhiễm toan lactic: Trên thế giới đã ghi nhận những ca bệnh nhiễm toan lactic liên quan đến Metformin, bao gồm cả trường hợp như tử vong, giảm thân nhiệt, tụt huyết áp, loạn nhịp chậm kéo dài. Nếu nghi ngờ có toan lactic liên quan đến Metformin, hãy ngừng sử dụng Metformin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện và tiến hành các biện pháp cấp cứu.
  • Suy thận: Nguy cơ tích lũy Metformin và nhiễm toan lactic tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của suy thận do thuốc Metformin được thải trừ chủ yếu qua thận.
  • Tương tác thuốc: Sử dụng đồng thời Metformin với một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic: bệnh nhân suy giảm chức năng thận dẫn tới những thay đổi đáng kể vẽ mặt huyết động, ảnh hưởng tới cân bằng acid-base hoặc làm tăng tích lũy Metformin.
  • Bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên: Nguy cơ toan lactic liên quan đến Metformin tăng lên theo tuổi của bệnh nhân.
  • Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán có sử dụng thuốc cản quang: Ngừng sử dụng Metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện chiếu chụp có sử dụng thuốc cản quang có chứa iod ở bệnh nhân có mức lọc cầu thận nằm trong khoảng 30 - 60 ml/phút/1,73 m2, bệnh nhân có tiền sử suy gan, nghiện rượu, suy tim hoặc sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod theo đường động mạch.
  • Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác: Nên tạm ngừng sử dụng Metformin ở bệnh nhân bị giới hạn lượng thức ăn và dịch nạp vào.
  • Tình trạng giảm oxy hít vào: Một số ca nhiễm toan lactic liên quan đến Metformin xảy ra ở bệnh nhân suy tim sung huyết cấp (đặc biệt khí có kèm theo giảm tưới máu và giảm oxy huyết). Trụy tim mạch (sốc), nhồi máu cơ tim cấp, nhiễm khuẩn huyết và các bệnh lý khác liên quan đến giảm oxy huyết có mối quan hệ với toan lactic và cũng có thể gây nitơ huyết trước thận. Ngừng Metformin khi những biến cố này xảy ra.
  • Uống rượu: Rượu có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến Metformin. Bệnh nhân không uống rượu khi điều trị bằng Metformin.
  • Suy gan: Bệnh nhân suy gan có thể bị nhiễm toan lactic liên quan đến Metformin do suy giảm khả năng thải trừ lactat. Tránh dùng thuốc trên bệnh nhân suy gan
  • Lái xe: Sử dụng Metformin đơn trị không ảnh hưởng trên tình trạng lái xe hay vận hành máy móc. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ hạ đường máu khi sử dụng Metformin kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường khác (các sulfonylurea, insulin, repaglinide).
  • Phụ nữ có thai: hầu hết những chuyên gia khuyến cáo rằng nên sử dụng insulin trong thời kỳ mang thai để duy trì tốt nhất nồng độ glucose trong máu.
  • Phụ nữ cho con bú: Metformin hydrochloride có bài tiết vào sữa mẹ. Cân nhắc lợi ích và tác hại của thuốc đối với trẻ bú mẹ. Nếu ngưng dùng Metformin hydrochloride và chế độ ăn uống không kiểm soát mức glucose huyết thỏa đáng nên tiến hành điều trị bằng insulin.

6. Tác dụng không mong muốn của thuốc

Những tác dụng phụ khi dùng Metformin thường gặp nhất của là về đường tiêu hóa. Những tác dụng này thường liên quan với liều dùng và thường xảy ra vào thời điểm bắt đầu điều trị, tác dụng thường là nhất thời. Các tác dụng phụ phổ biến như:

  • Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, đau thượng vị, ợ nóng.
  • Da: phát ban, mày đay, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Chuyển hóa: Giảm hấp thu vitamin B12.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp chủ yếu biểu hiện trên huyết học như: Loạn sản máu, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan huyết, suy tủy, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe