Lưu ý khi dùng thuốc xịt mũi Coldi B

Thuốc Coldi B chứa hoạt chất oxymetazolin, có tác dụng co niêm mạc mũi họng, giảm tiết dịch niêm mạc mũi nên được dùng trong điều trị triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi trong bệnh viêm xoang, cảm cúm, viêm mũi họng và sổ mũi theo mùa. Cùng tìm hiểu công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc xịt mũi Coldi-B qua bài viết dưới đây.

1. Thành phần thuốc Coldi – B xịt mũi

Thuốc xịt mũi Coldi – B chứa các thành phần sau đây:

  • Oxymetazolin hydroclorid: 7,5mg;
  • Camphor: 1,1mg;
  • Menthol: 1,5mg;
  • Tá dược: Acid Citric, Propylen Glycol, Polyvinyl alcohol, Natri Hydroxyd, Thimerosal, Nước cất.

2. Công dụng thuốc xịt mũi Coldi – B

2.1. Chỉ định dùng thuốc xịt mũi Coldi-B

Thuốc xịt mũi Coldi-B có tốt không và dùng điều trị bệnh lý nào?” là điều không phải ai cũng biết. Công dụng cụ thể của từng thành phần trong thuốc xịt mũi Coldi – B như sau:

  • Oxymetazolin: Tác dụng lên thụ thể alpha – adrenergic làm co niêm mạc mũi họng, giảm tiết dịch niêm mạch mũi;
  • Menthol và Camphor: Tác dụng ức chế cảm giác đau. Hoạt chất menthol và camphor bay hơi nhanh tạo cảm giác mát lạnh, gây tê tại chỗ. Ngoài ra, hai hoạt chất này còn có tính sát khuẩn mạnh, vì vậy được dùng trong các trường hợp bệnh lý về tai – mũi – họng, giúp thông mũi trong trường hợp ngạt mũi, nhức đầu và có khả năng sát khuẩn đường hô hấp tốt.

Từ những công dụng của từng thành phần như trên tạo nên công dụng của Coldi – B xịt mũi là co tiểu động mạch tại mũi, giảm xung huyết mũi và giảm lưu lượng máu đến, từ đó giúp cải thiện triệu chứng ở các bệnh lý về mũi như ngạt, viêm xoang, sổ mũi, viêm mũi dị ứng....

2.2. Dược động học

Sau khi sử dụng thuốc Coldi – B xịt mũi, hoạt chất Oxymetazolin hydroclorid được hấp thu nhanh chóng và phát huy tác dụng sau 5 – 10 phút sử dụng, thời gian tác dụng kéo dài khoảng 10 giờ. Tuy vậy, nồng độ của Oxymetazolin hydroclorid trong huyết tương thấp, nên hiện nay chưa thể xác định nồng độ hoạt chất này trong huyết tương thông qua các phương pháp xác định thông thường.

2.3. Dược lực học

Hoạt chất Oxymetazolin hydroclorid thuộc dẫn chất imidazolin, có tác động gần giống với hệ thần kinh giao cảm. Vì vậy, thuốc xịt mũi Coldi – B tác dụng lên thụ thể alpha – adrenergic tại các động mạch nhỏ của niêm mạc mũi, từ đó dẫn đến co mạch, giảm lưu lượng máu và triệu chứng sung huyết mũi. Ngoài ra, Oxymetazolin hydroclorid còn có tác dụng thông lỗ vòi nhĩ đang bị tắc, giúp thông khí mũi trong khoảng thời gian ngắn.

xịt mũi coldi b
Xịt mũi coldi b có tác dụng với một số tác dụng với bệnh lý về mũi

3. Liều dùng thuốc xịt mũi Coldi – B

3.1. Cách dùng

Cách dùng thuốc xịt mũi Coldi-B như sau:

  • Làm sạch lỗ mũi và vùng mũi;
  • Tiến hành mở nắp lọ thuốc. Cầm lọ thuốc hướng thẳng đứng lên, xịt 1 – 2 nhát thuốc vào không khí đến khi tạo ra được sương mù đều. Thực hiện đặt lọ thuốc hướng thẳng vào mũi, tiến hành xịt một cách dứt khoát, vừa xịt vừa hít nhẹ để thuốc vào được sâu trong khoang mũi. Hít thở bình thường sau khi xịt thuốc;
  • Đậy nắp lọ thuốc để bảo quản và dùng cho lần tiếp theo.

3.2. Liều dùng thuốc xịt mũi Coldi – B

Thuốc được chỉ định đối với trẻ em trên 6 tuổi và người trưởng thành. Dùng thuốc vào mỗi buổi sáng và buổi tối, mỗi lần dùng tiến hành phun dung dịch thuốc vào mũi 2 – 3 lần.

Trong trường hợp quên một liều thuốc, cần bổ sung càng sớm càng tốt. Tuy nhiên trường hợp thời gian gần với liều dùng kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều quên và dùng liều tiếp theo. Cần lưu ý không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Trong trường hợp dùng quá liều thuốc hoặc sơ ý để trẻ em uống nhầm thuốc, có thể dẫn đến suy giảm chức năng hệ thần kinh trung ương và cần có biện pháp hỗ trợ điều trị. Các triệu chứng khi dùng quá liều thuốc rất nguy hiểm đối với cơ thể, vì vậy bạn cần tuân thủ đúng liều dùng của sản phẩm. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều dùng, hoặc tăng liều khi chưa chỉ định của bác sĩ.

4. Tác dụng phụ

Thuốc xịt mũi Coldi – B rất ít gây tác dụng phụ khi dùng ở liều điều trị. Một số phản ứng phụ thoáng qua có thể xảy ra gồm:

  • Khô niêm mạc mũi;
  • Kích ứng niêm mạc tại vị trí tiếp xúc;
  • Dùng dài ngày sẽ làm tăng phản ứng sung huyết;
  • Một số phản ứng toàn thân khác xảy ra do thuốc thấm xuống họng gồm tim đập nhanh, tăng huyết áp, loạn nhịp;

Trong đó tỉ lệ xảy ra các phản ứng như sau:

  • Thường gặp: Kích ứng tại chỗ;
  • Ít gặp: Khô miệng, hắt hơi, khô họng;
  • Hiếm gặp: Đau đầu, buồn nôn, hồi hộp, chóng mặt, mạch chậm, đánh trống ngực, loạn nhịp tim...
xịt mũi coldi b
Một số ít người bệnh gặp tình trạng hắt hơi khi sử dụng xịt mũi Coldi B

5. Lưu ý khi dùng thuốc

5.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc xịt mũi Coldi – B trong những trường hợp sau:

  • Người dị ứng với các thành phần của thuốc Coldi - B;
  • Người bệnh bị viêm tai, mũi, họng do nấm, virus;
  • Người bị viêm thính giác, viêm dây thần kinh;
  • Chống chỉ định ở trẻ em dưới 6 tuổi, người mắc glocom góc đóng, người đang sử dụng thuốc trầm cảm 3 vòng.

5.2. Thận trọng khi sử dụng

- Thuốc xịt mũi Coldi – B nếu sử dụng quá liều hoặc dùng trong thời gian dài, quá thường xuyên có thể dẫn đến kích ứng niêm mạc mũi. Đặc biệt là đối với trẻ em, tình trạng này có thể gây tác dụng phụ toàn thân như hồi hộp lo lắng, tăng huyết áp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu hoặc nhịp tim chậm phản xạ.

- Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh đau thắt ngực, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, người bệnh đái tháo đường hoặc cường giáp.

- Thuốc có tác dụng tại chỗ nên chưa ghi nhận tương tác với thuốc dùng đường uống. Đồng thời, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Coldi –B với các thuốc xịt mũi khác.

5.3. Tác động của thuốc trên các đối tượng đặc biệt

Với thắc mắc“thuốc xịt mũi Coldi B có dùng được cho bà bầu không?” thì hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cho thấy ảnh hưởng của thuốc Coldi – B trên phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì vậy để đảm bảo an toàn không dùng thuốc cho những đối tượng đặc biệt này.

Đối với người vận hành máy móc hoặc lái xe, thuốc coldi – B xịt mũi không gây ảnh hưởng hay tác động xấu đến khả năng vận hành máy móc, lái xe.

Tóm lại, thuốc Coldi-B thường được dùng cho chứng ngạt mũi, sổ mũi trong bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi họng, sổ mũi theo mùa... Trong quá trình sử dụng, nếu gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn hướng giải quyết kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

147.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan