Lưu ý khi dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch

Một trong những phương thức điều trị cho đa số những bệnh lý đó là điều trị nội khoa hay dùng thuốc. Thuốc tuy có nhiều lợi ích trong việc chữa lành bệnh tật nhưng bên cạnh đó nếu sử dụng thuốc không đúng cách và không hợp lý thì có thể gây ra những tác hại cho cơ thể người bệnh. Đặc biệt, đối với những thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch thì cần phải chú ý về vị trí tiêm tĩnh mạch, kỹ thuật tiêm, liều thuốc... để hạn chế những hậu quả không mong muốn.

1. Kháng sinh tiêm tĩnh mạch

Bất kể loại thuốc nào khi đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra những phản ứng không có lợi cho sức khỏe của con người, và trong số đó thuốc kháng sinh có mức độ nguy hiểm cao nhất khi được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân khi dùng thuốc kháng sinh truyền tĩnh mạch thì có thể tử vong ngay sau đó, nguyên nhân có thể là do nhân viên y tế không tuân thủ những quy tắc khi dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, hoặc do cơ địa bệnh nhân dị ứng với loại thuốc đó.

Một trong những tình trạng nguy hiểm nhất khi bệnh nhân dùng kháng sinh truyền tĩnh mạch đó là sốc phản vệ. Đây là tình trạng có thể xảy ra kể cả khi bệnh nhân chỉ được tiêm thuốc kháng sinh truyền tĩnh mạch với liều rất nhỏ khi test thuốc và rất khó có thể nhận biết những dấu hiệu để xử lý kịp thời, vì vậy mà bệnh nhân tử vong trong khoảng thời gian rất ngắn. Một số biểu hiện của sốc phản vệ xảy ra đối với bệnh nhân sau khi được dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch là choáng, nổi mề đay, huyết áp tụt, cơ thể tím tái, đổ mồ hôi, dấu hiệu khó thở, mất ý thức...


Kháng sinh được pha chế đưới dạng hỗn dịch tiêm
Kháng sinh được pha chế đưới dạng hỗn dịch tiêm

Ngoài ra, khi cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch thì còn có thể bị những tình trạng phản ứng với thuốc trên da gây ngứa, nổi những nốt mẩn đỏ khu trú hoặc toàn thân. Một số hội chứng có thể xảy ra chậm hơn sau khi dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch trên bệnh nhân như hội chứng Steven Johnson hay hội chứng Lyell bong tróc da, niêm mạc khắp cơ thể. Tuy không nặng nề như tình trạng sốc phản vệ nhưng những tình trạng này nếu xử lý chậm trễ thì có thể gây nên nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu và dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu kể trên thì nên thông báo cho bác sĩ điều trị sớm nhất để có thể chẩn đoán và có phương án xử lý hiệu quả nhất. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

2. Hướng dẫn tiêm/ truyền một số loại kháng sinh

kháng sinh tiêm tĩnh mạch được cơ thể hấp thụ một cách trực tiếp vào máu nên sẽ đi khắp cơ thể trong thời gian nhanh, hiểu qua ngay lập tức sau khi sử dụng. Thuốc kháng sinh truyền tĩnh mạch không đi qua ruột, dạ dày và hệ tiêu hóa của con người nên sẽ không bị dịch tiêu hóa và gan tham gia vào quá trình chuyển hóa chúng. Để thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch phát huy được hết tác dụng của chúng và giảm thiểu được tối đa những phản ứng có hại với cơ thể thì cần tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc khi tiêm thuốc.

Một số quy tắc chung của kháng sinh tiêm tĩnh mạch đó là:

  • Dịch truyền và dụng cụ tiêm, truyền đảm bảo vô khuẩn 100%
  • Nhân viên y tế phải thực hiện tiêm đúng quy trình, đảm bảo vô khuẩn trong suốt quá trình tiêm thuốc.
  • Không cho bọt khí đi vào dây chuyền, kim tiêm... đến tĩnh mạch.
  • Luôn giữ áp lực dịch truyền ở mức cao hơn áp lực máu tĩnh mạch.
  • Tốc độ tiêm tĩnh mạch phải đúng theo y lệnh mà bác sĩ điều trị đưa ra.
  • Theo dõi bệnh nhân một cách kỹ càng trong quá trình truyền thuốc để phát hiện những dấu hiệu bất thường và xử lý đúng lúc.
  • Không lưu lại kim truyền quá 1 ngày và lặp lại một vị trí tiêm tĩnh mạch trên cơ thể bệnh nhân trong 1 ngày.

Vị trí thường được lựa chọn tiêm tĩnh mạch
Vị trí thường được lựa chọn tiêm tĩnh mạch

Một số chống chỉ định được dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch như sau:

  • Bệnh nhân gặp phải tình trạng suy tim mức độ nặng hoặc có nguy cơ bị phù phổi cấp.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp

Một số chú ý về vị trí tiêm tĩnh mạch như sau:

  • Đối với trẻ em thì vị trí tiêm tĩnh mạch thường là tĩnh mạch tại vùng đầu, mu bàn tay, cẳng tay, mắt cá trong cẳng chân.
  • Với người lớn thì nên gấp khuỷu tay, cẳng tay lại để tiêm vào tĩnh mạch. Có thể tiêm vào tĩnh mạch mắt cá trong bàn chân.

Khi dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch trên bệnh nhân thì cần thực hiện theo những thao tác sau và đảm bảo đầy đủ tất cả các bước trong suốt quá trình tiêm thuốc:

  • Chuẩn bị nơi tiêm thuốc cho bệnh nhân sao cho sạch sẽ, thoáng, có đủ ánh sáng và đảm bảo môi trường vô khuẩn 100%
  • Chuẩn bị dụng cụ với điều kiện phải vô khuẩn tuyệt đối bao gồm: thuốc kháng sinh truyền tĩnh mạch mà bác sĩ điều trị chỉ định, kiểm tra xem thuốc đã đúng với bệnh nhân, liều lượng, chất lượng thuốc, ngày pha chế và thời hạn của thuốc đã đủ điều kiện chuẩn hay chưa. Chuẩn bị những loại dụng cụ như khay vô khuẩn, bơm tiêm, kim tiêm, gạc, dây truyền dịch, kim Kocher bảo đảm vô khuẩn, kim tiêm có thể là kim cánh bướm hay kim luồn, bông thấm cồn, băng dính, máy đo huyết áp, hộp chống sốc, khay quả đậu...

Kim luồn được sử dụng trong tiêm tĩnh mạch
Kim luồn được sử dụng trong tiêm tĩnh mạch

  • Giải thích với bệnh nhân cũng như người nhà về kỹ thuật sắp thực hiện
  • Cho bệnh nhân đi vệ sinh trước khi thực hiện tiêm thuốc.
  • Đo lại sinh hiệu gồm mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim cho bệnh nhân trước khi dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
  • Cho bệnh nhân được ở trong tư thế thoải mái nhất để tiêm thuốc.
  • Nhân viên y tế rửa tay đúng quy trình, sát khuẩn lại bằng cồn và mang găng tay
  • Cho chai đựng dung dịch lên quang treo, đâm đầu kim của dây truyền vào chai dịch và khóa dây truyền lại,
  • Mở nút không khí trên chai dịch nhằm mục đích cho dịch bắt đầu chảy vào dây chuyền, xả những giọt đầu tiên của chai dịch ra ngoài để bỏ đi những bọt khí có trong dây dịch, sau đó khóa dây truyền lại.
  • Đặt nẹp, gối kê dưới vùng dự định sẽ truyền tĩnh mạch.
  • Chọn tĩnh mạch để truyền, sau đó buộc dây garo cách vị trí đó khoảng 3- 5 cm
  • Sát khuẩn vùng tiêm từ trong ra ngoài bằng bông có tẩm cồn.
  • Đưa kim tiêm đã vô khuẩn vào tĩnh mạch sao cho phía mũi vát của kim tiêm phải ngửa lên trên và chếch 1 góc 15°- 30°, khi thấy có máu đi vào dây dịch thì tháo dây buộc garo và bắt đầu mở khóa dây dịch để thuốc được truyền vào tĩnh mạch của cơ thể.
  • Theo dõi sát quá trình truyền dịch để kịp thời xử lý.

Tiêm tĩnh mạch cần đề phòng một số biến chứng có thể xảy ra
Tiêm tĩnh mạch cần đề phòng một số biến chứng có thể xảy ra

Kháng sinh truyền tĩnh mạch là phương pháp điều trị một số bệnh lý nhưng vẫn tồn tại những nguy hiểm với sức khỏe mà bệnh nhân cũng như nhân viên y tế cần phải lưu ý trước, trong và sau khi truyền dịch. Cần phải tuân thủ đúng những nguyên tắc về loại thuốc, liều thuốc, chỉ định, chống chỉ định, vị trí tiêm tĩnh mạch... khi dùng kháng sinh truyền tĩnh mạch trên bệnh nhân để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe