Hydromorphone là thuốc kê đơn, được dùng để kiểm soát các cơn đau mạnh khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Hydromorphone, ngoài việc người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, thì cũng nên tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc giảm đau Hydromorphone trong bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Hydromorphone là gì?
1.1. Thuốc Hydromorphone là thuốc gì?
Thuốc Hydromorphone thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid. Thuốc Hydromorphone có nhiều dạng bào chế bao gồm:
- Viên nang: hàm lượng 1,3 mg và 2,6 mg.
- Viên nén uống: hàm lượng 2 mg, 4 mg, 8 mg
- Viên nén uống giải phóng kéo dài (ngăn ngừa lạm dụng trong 24 giờ): hàm lượng 8 mg, 12 mg, 16 mg, 32 mg.
- Dung dịch tiêm/ tiêm truyền: hàm lượng 0,1 mg/ml, 0,4 mg/ml, 0,5 mg/ml, 1 mg/ml, 2 mg/ml, 4 mg/ml, 10 mg/ml (chỉ dành cho người lớn).
- Dung dịch uống: hàm lượng 5mg/5ml.
- Thuốc đạn: hàm lượng 3mg.
- Bơm tiêm chứa sẵn thuốc (chỉ dành cho người lớn): hàm lượng 0,2 mg/ml; 0,6 mg/ml.
Thuốc được sử dụng cho người trưởng thành và trẻ từ 12 tuổi trở lên.
1.2. Thuốc Hydromorphone có tác dụng gì?
Hydromorphone được kê đơn sử dụng để giảm đau mạnh, mức độ đau nghiêm trọng trong các bệnh ung thư.
Chống chỉ định:
- Suy hô hấp nghiêm trọng có tình trạng thiếu oxy và/hoặc tăng CO2 máu.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ nghiêm trọng.
- Bệnh hen phế quản giai đoạn nặng.
- Liệt ruột.
- Hội chứng đau bụng cấp.
- Hôn mê.
- Suy gan.
- Dùng đồng thời IMAO hoặc trong vòng 2 tuần kể từ khi ngừng sử dụng.
- Tăng áp lực nội sọ.
- Quá mẫn với hydromorphone hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
2. Cách sử dụng của thuốc Hydromorphone
2.1. Cách dùng thuốc Hydromorphone
- Tuỳ theo dạng bào chế mà có hình thức sử dụng khác nhau, đường sử dụng và cách sử dụng thuốc sẽ theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Nuốt toàn bộ viên nén giải phóng kéo dài. Không tách, nhai, hòa tan hoặc nghiền nát chúng. Nếu nuốt viên thuốc bị vỡ, nhai, nghiền nát hoặc hòa tan, bạn có thể nhận quá nhiều hydromorphone cùng một lúc. Có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp hoặc tử vong.
- Viên uống giải phóng kéo dài: Chỉ sử dụng cho những bệnh nhân dung nạp opioid.
Những đối tượng được coi là dung nạp opioid là những người đang dùng trong 1 tuần hoặc lâu hơn với liều:
- 60 mg morphin uống hàng ngày
- 25 microgam (mcg) fentanyl tiêm mỗi giờ
- 30 mg oxycodone uống hàng ngày
- 8 mg hydromorphone uống hàng ngày
- 25 mg oxymorphone uống hàng ngày
- 60 mg hydrocodone uống hàng ngày
Mỗi liều giảm đau tương đương của một loại thuốc gây nghiện khác nhau. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liều lượng hydromorphone bạn nên dùng. Họ có thể tăng liều lượng của lên 4–8 mg cứ sau 3–4 ngày nếu cần thi.
2.2. Liều dùng của thuốc Hydromorphone
Liều lượng hydromorphone được bác sĩ kê đơn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố gồm:
- Loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạn đang sử dụng hydromorphone để điều trị
- Độ tuổi
- Dạng thuốc hydromorphone bạn đang dùng
- Bệnh kèm theo của người bệnh
Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu cho dùng với liều lượng thấp nhất và điều chỉnh theo thời gian để đạt được liều lượng phù hợp.
Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên
- Đường uống:
Liều khởi đầu: 1,3 mg cách 4 giờ với viên nang hoặc 4mg cách 12 giờ với viên phóng thích chậm.
Liều lượng dùng Hydromorphone có thể tăng lên khi cần thiết tùy thuộc vào mức độ đau.
- Đường tiêm/ truyền:
Tiêm/truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da, tiêm bắp. Không nên tiêm thuốc hydromorphon lâu hơn mức cần thiết. Nếu cần điều trị lâu dài, nên kiểm soát cẩn thận và theo dõi thường xuyên xem có cần điều trị thêm hay không và ở mức độ nào.
Trước khi bắt đầu điều trị bằng opioid, nên trao đổi với bệnh nhân để đưa ra chiến lược kết thúc điều trị nhằm giảm thiểu nguy cơ nghiện và hội chứng cai nghiện opioid (có thể nên giảm liều hàng ngày dần dần).
Dạng bào chế Hydromorphon 10 mg/ml không thích hợp khi khởi đầu điều trị bằng opiod, chỉ có thể được sử dụng dưới dạng liều riêng lẻ ở những bệnh nhân không còn đáp ứng với liều thấp (chế phẩm hydromorphone 2 mg/ml) hoặc thuốc giảm đau mạnh tương tự trong phạm vi điều trị đau mãn tính.
Liều dùng Hydromorphone đường tiêm hoặc tiêm truyền:
- Chuyển đổi giữa Hydromorphon đường uống và đường tiêm:
Liều dùng phải dựa trên tỷ lệ sau: 3 mg Hydromorphon uống tương đương với 1 mg Hydromorphon tiêm tĩnh mạch.
Trẻ em
Thuốc Hydromorphon không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Đối tượng khác
Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Có thể sử dụng liều lượng thấp hơn so với liều của người lớn để đạt được hiệu quả giảm đau đầy đủ.
Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: Có thể sử dụng liều thấp hơn so với các nhóm bệnh nhân khác để đạt được hiệu quả giảm đau đầy đủ và cần được chỉnh liều cẩn thận để đạt được hiệu quả lâm sàng. Bắt đầu điều trị với một phần tư đến một nửa liều khởi đầu thuốc hydromorphon thông thường tùy thuộc vào mức độ suy giảm.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Hydromorphone
- Không dùng thuốc Hydromorphone khi đã quá hạn sử dụng, viên thuốc bị chảy nước, thay đổi màu, nấm mốc. Dạng dung dịch và tiêm truyền có lắng cặn.
- Cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp: Hydromorphone có thể gây ra các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, đặc biệt là trong 24 đến 72 giờ đầu tiên điều trị và bất kỳ lúc nào khi liều lượng dùng thuốc của bạn tăng lên. Cần theo dõi các triệu chứng trong quá trình điều trị và thông báo cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn thở chậm lại hoặc có cơn hen suyễn.
- Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang hoặc đã từng mắc bệnh phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (một nhóm bệnh ảnh hưởng đến phổi và đường thở), chấn thương đầu, khối u não hoặc bất kỳ tình trạng nào làm tăng áp lực trong não của bạn, hoặc chứng kyphoscoliosis (cột sống bị cong có thể gây ra các vấn đề về hô hấp). Nguy cơ bạn mắc các vấn đề về hô hấp có thể cao hơn nếu bạn là người lớn tuổi, hoặc bị suy nhược hoặc suy dinh dưỡng do bệnh tật.
- Cảnh báo về rượu, thuốc phiện và thuốc ngủ an thần khác: Dùng thuốc này với rượu, thuốc opioid và các loại thuốc an thần-thuốc ngủ khác có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, thậm chí tử vong.
- Cảnh báo nghiện, lạm dụng thuốc: Hydromorphone khiến bệnh nhân và những người dùng khác có nguy cơ nghiện, lạm dụng và lạm dụng opioid, có thể dẫn đến quá liều và tử vong.
- Phụ nữ cho con bú: Thuốc này có thể truyền vào sữa mẹ và gây ra tác dụng phụ ở trẻ đang bú mẹ. Nói chuyện với bác sĩ nếu cho con bú. Bạn có thể cần phải ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc này.
- Đối với người cao tuổi (trên 65 tuổi): có nguy cơ tăng khả năng bị tác dụng phụ của thuốc do thận của người lớn tuổi có thể không hoạt động tốt như trước đây khiến cơ thể họ xử lý thuốc chậm hơn dẫn đến việc nhiều loại thuốc sẽ ở trong cơ thể họ lâu hơn.
4. Tác dụng phụ của thuốc Hydromorphone
4.1. Tác dụng phụ phổ biến
Các tác dụng phụ phổ biến hơn của thuốc này có thể bao gồm:
- Lâng lâng, chóng mặt, buồn ngủ
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, hưng phấn,
- Khô miệng
- Ngứa
Nếu những tác dụng này nhẹ, chúng có thể biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nếu trở nên nghiêm trọng hơn hoặc không biến mất, hãy thông báo cho bác sĩ của bạn.
4.2. Tác dụng phụ nghiêm trọng
- Vấn đề về tim: nhịp tim rất nhanh hoặc chậm, tức ngực
- Thay đổi mắt hoặc tầm nhìn: khó nhìn hoặc nhìn mờ, nhìn đôi, đồng tử nhỏ trông giống như những chiếc đinh ghim
- Các vấn đề về tiêu hoá: táo bón, đau bụng, tắc ruột, buồn nôn, nôn mửa
- Các vấn đề về hệ thần kinh và cơ bắp: đau đầu, run, hoặc cử động cơ bắp không tự nguyện, chuyển động bất thường của mắt bạn, cảm giác lạ hoặc châm chích trên da.
- Thay đổi tâm trạng hoặc hành vi: kích động, lo lắng, lo lắng, phiền muộn, ảo giác, hoặc nhìn thấy hoặc nghe thấy thứ gì đó không có ở đó, mất phương hướng, khó ngủ.
- Huyết áp thay đổi: huyết áp cao hoặc thấp.
- Suy thượng thận: mệt mỏi kéo dài, yếu cơ, đau bụng
- Thiếu hụt nội tiết tố nam: giảm ham muốn tình dục, không thể giữ được sự cương cứng của dương vật.
5. Tương tác thuốc Hydromorphone
5.1. Các tương tác làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ
Dùng hydromorphone với một số loại thuốc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.
- Các thuốc benzodiazepine, chẳng hạn như lorazepam, clonazepam và diazepam: Dùng các loại thuốc này với hydromorphone có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, tụt huyết áp và buồn ngủ cực độ. Ngoài ra cũng có thể hôn mê hoặc tử vong.
- Thuốc gây mê toàn thân, chẳng hạn như propofol, midazolam và etomidate: Dùng các loại thuốc này với hydromorphone có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, tụt huyết áp và buồn ngủ cực độ. Cũng có thể gây hôn mê.
- Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs), chẳng hạn như phenelzine, tranylcypromine, isocarboxazid và selegiline: MAOIs có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ngộ độc hydromorphone (có mức độ nguy hiểm của thuốc trong cơ thể bạn). Việc sử dụng hydromorphone không được khuyến nghị nếu bạn dùng MAOI hoặc trong vòng 14 ngày sau khi ngừng điều trị bằng MAOI.
- Thuốc kháng cholinergic, chẳng hạn như diphenhydramine, solifenacin, tolterodine và benztropine: Dùng các loại thuốc này với hydromorphone có thể gây bí tiểu (khó đi tiểu), táo bón nặng và tắc ruột.
5.2. Tăng tác dụng phụ từ các loại thuốc khác
Dùng hydromorphone với một số loại thuốc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ từ những loại thuốc đó.
Thuốc serotonergic, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) và thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): Dùng các loại thuốc này với hydromorphone có thể gây ra hội chứng serotonin, có thể gây tử vong. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Kích động
- Đổ mồ hôi
- Co giật cơ
- Hoang mang
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Hydromorphone, người bệnh trước khi dùng cần đọc kỹ thông tin để quá trình sử dụng thuốc đạt được hiệu quả cao nhất.