Công dụng thuốc Vastanlupi

Thuốc Vastanlupi thường được chỉ định sử dụng để điều trị các tình trạng như tăng huyết áp, suy tim sung huyết,... ở trẻ em trên 6 tuổi và người trường thành. Trước và trong suốt quá trình sử dụng thuốc Vastanlupi, bệnh nhân cần thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn mà bác sĩ đã khuyến cáo để đảm bảo ngăn ngừa tối đa nguy cơ gặp phải tác dụng phụ, đồng thời giúp cải thiện hiệu quả các tình trạng sức khoẻ.

1. Thuốc Vastanlupi là thuốc gì?

Vastanlupi thuộc nhóm thuốc tim mạch đây là thuốc dùng theo đơn của bác sĩ (ETC), chủ trị các tình trạng như tăng huyết áp và suy tim độ II – IV cho cả trẻ em và người trưởng thành.

Thuốc Vastanlupi được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, mỗi hộp bao gồm 4 vỉ x 7 viên. Trong mỗi viên nén Vastanlupi có chứa các thành phần hoạt chất cụ thể sau:

  • Hoạt chất chính: Valsartan hàm lượng 80mg.
  • Các tá dược khác vừa đủ: Silica, loại Denta, Cellulose vi tinh thể, Crospovidone, Nitơ thể khí, nước tinh khiết, Opadry vàng và Magnesium stearat.

Hoạt chất chính Valsartan được biết đến là một loại thuốc kháng đặc hiệu thụ thể Angiotensin II, có hoạt tính khi sử dụng bằng đường uống. Valsartan có tác động chọn lọc đối với thụ thể AT – đóng vai trò kiểm soát hoạt động của Ang II. Khi thụ thể AT1 bị khoá bởi hoạt chất Valsartan sẽ khiến nồng độ Ang II tăng lên trong huyết tương, dẫn đến sự hoạt hoá thụ thể AT2 và làm cân bằng tác dụng của những thụ thể AT1.

Sau khi uống vào cơ thể, hoạt chất Valsartan được hấp thu nhanh chóng và đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 2 – 4 giờ. Khoảng 83% liều Valsartan được đào thải qua mật vào phân, khoảng 13% qua đường nước tiểu dưới dạng không đổi.

2. Thuốc Vastanlupi có tác dụng gì?

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Vastanlupi

Thuốc Vastanlupi thường được bác sĩ kê đơn để điều trị cho những trường hợp dưới đây:

  • Điều trị bệnh cao huyết áp vô căn ở người trưởng thành.
  • Điều trị bệnh cao huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 - 18 tuổi.
  • Điều trị bệnh suy tim xung huyết.
  • Điều trị tình trạng suy tim mức độ II – IV (dựa trên phân loại của NYHA) đối với bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta hoặc chất ức chế ACE.
  • Điều trị tình trạng nhồi máu cơ tim.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Vastanlupi

Không sử dụng thuốc Vastanlupi cho những trường hợp sau đây khi chưa được bác sĩ chấp thuận:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với thành phần hoạt chất Valsartan hay bất cứ tá dược nào trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Vastanlupi đối với bệnh nhân bị hạ huyết áp.
  • Không dùng thuốc Vastanlupi cho người bị hẹp động mạch chủ nghiêm trọng.
  • Tránh dùng Vastanlupi cho người bị hẹp động mạch thận hoặc có các tổn thương dẫn đến hẹp động mạch thận.
  • Chống chỉ định cho người bị suy gan nặng, ứ mật hoặc xơ gan mật.
  • Chống chỉ định tương đối cho bệnh nhân bị suy thận, phụ nữ đang mang thai và người mẹ nuôi con bú.

3. Liều lượng và khuyến cáo cách sử dụng thuốc Vastanlupi

3.1 Liều dùng thuốc Vastanlupi

Điều trị cao huyết áp: Liều khuyến cáo Vastanlupi trong điều trị cao huyết áp là 80mg / lần / ngày. Trong vòng 2 tuần dùng thuốc, tác dụng chống tăng huyết áp của Valsartan sẽ được phát huy rõ rệt và đạt hiệu quả tối đa sau 4 tuần. Đối với những bệnh nhân có mức huyết áp khó kiểm soát nên dùng liều Valsartan hàng ngày lên đến 160mg hoặc kết hợp dùng thêm thuốc lợi tiểu.

Bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan nhẹ không cần phải điều chỉnh liều thuốc Vastanlupi. Ngoài ra, có thể cho người bị cao huyết áp uống Vastanlupi phối hợp với những loại thuốc chống tăng huyết áp khác.

Điều trị suy tim: Liều ban đầu Vastanlupi điều trị tình trạng suy tim được khuyến cáo là 40mg x 2 lần / ngày. Bệnh nhân suy tim dung nạp được thuốc có thể uống liều Valsartan tối đa lên đến 80 – 160mg x 2 lần / ngày. Nếu sử dụng cùng với thuốc chống lợi tiểu có thể giảm liều Vastanlupi. Qua các thử nghiệm lâm sàng, liều Vastanlupi tối đa trong ngày mà người bệnh có thể sử dụng là 320mg, tuy nhiên cần phải chia thành nhiều liều.

Điều trị nhồi máu cơ tim: Liều khuyến cáo ban đầu thuốc Vastanlupi sau cơn đau tim là 20mg x 2 lần / ngày. Bệnh nhân có thể uống liều tối đa 160mg x 2 lần / ngày nếu không xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Vastanlupi

Thuốc Vastanlupi được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, do đó bệnh nhân cần dùng thuốc bằng đường uống cùng với lượng nước lọc vừa đủ. Tránh uống Vastanlupi cùng các loại đồ uống có gas, chứa cồn hoặc chất kích thích khác, bởi sự kết hợp này dễ gây ảnh hưởng đến công dụng điều trị tăng huyết áp và suy tim của hoạt chất trong thuốc.

Trước khi điều trị bằng Vastanlupi, bệnh nhân cũng cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo hộp thuốc và tuân theo mọi chỉ dẫn đã được khuyến cáo trước đó bởi bác sĩ chuyên khoa. Bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng, điều chỉnh liều hoặc ngừng dùng Vastanlupi khi chưa tham khảo kỹ ý kiến của thầy thuốc.

3.3 Cách xử trí khi uống quá liều thuốc Vastanlupi

Mặc dù hiếm khi xảy ra tình trạng quá liều thuốc Vastanlupi, tuy nhiên đã ghi nhận một số trường hợp gặp triệu chứng hạ huyết áp nặng khi uống vượt quá số liều Valsartan theo quy định. Nếu mới uống quá liều Valsartan, phương pháp xử lý cần áp dụng ngay lập tức là gây nôn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bệnh nhân tiến hành truyền tĩnh mạch dung dịch nước muối sinh lý để điều trị các triệu chứng quá liều. Tuy nhiên, không áp dụng phương pháp lọc máu đối với trường hợp uống quá liều Valsartan.

4. Thuốc Vastanlupi có thể gây ra các tác dụng phụ gì cho người bệnh?

Song song với những lợi ích điều trị tăng huyết áp và suy tim mà thuốc Vastanlupi mang lại, bệnh nhân cũng có thể vô tình gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý sau đây trong quá trình dùng thuốc:

  • Choáng váng, nhiễm vi rút hoặc nhức đầu.
  • Ho, mệt mỏi, viêm xoang, viêm mũi hoặc viêm họng.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
  • Đau khớp, đau bụng, đau lưng hoặc buồn nôn.
  • Suy nhược, phát ban, mất ngủ, phù.
  • Chóng mặt hoặc yếu sinh lý.
  • Tăng kali máu.
  • Ngất, hạ huyết áp, suy tim.

Nếu nhận thấy sự hiện diện của bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên trong thời gian dùng thuốc Vastanlupi, tốt nhất cần ngưng điều trị và báo cho bác sĩ phụ trách y khoa ngay lập tức để được chẩn đoán và tìm ra biện pháp khắc phục đúng đắn.

5. Những lưu ý quan trọng khi điều trị bằng thuốc Vastanlupi

Việc đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ xảy ra các tình huống ngoại ý trong quá trình sử dụng thuốc Vastanlupi là điều vô cùng quan trọng đối với hầu hết bệnh nhân. Theo khuyến cáo của bác sĩ, những trường hợp dưới đây cần thận trọng khi điều trị bằng thuốc Vastanlupi:

  • Bệnh nhân bị mất muối hoặc mất dịch nặng và đang sử dụng thuốc lợi tiểu liều cao cần lưu ý khi bắt đầu dùng thuốc Vastanlupi bởi tình trạng hạ huyết áp có thể xảy ra.
  • Thận trọng khi sử dụng Vastanlupi cho người bị hẹp động mạch thận. Chỉ nên dùng Vastanlupi trong thời gian ngắn nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp thứ phát xảy ra do hẹp động mạch thận một bên mà không ảnh hưởng đến các chỉ số về huyết động học, BUN và creatinin huyết thanh.
  • Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Vastanlupi cho người bị suy giảm chức năng thận (có hệ số thanh thải creatin dưới 10ml / phút).
  • Thận trọng khi dùng thuốc Vastanlupi cho người bị suy gan hoặc có các rối loạn gây ứ mật.
  • Bệnh nhân suy tim đang được điều trị bằng Vastanlupi thường có nguy cơ kèm theo hạ huyết áp, do đó cần theo dõi mức huyết áp trong suốt quá trình dùng thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Vastanlupi cho bệnh nhân bị hẹp van 2 lá, hẹp động mạch chủ và mắc bệnh cơ tim phình to tắc nghẽn.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Vastanlupi trong lúc lái xe hay vận hành máy móc bởi thuốc có tác dụng hạ huyết áp, gây chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Có thể gây tổn thương và chết thai đang phát triển ở tử cung nếu dùng thuốc Vastanlupi cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Chỉ dùng thuốc Vastanlupi khi thực sự cần thiết đối với bà mẹ đang nuôi con bú.

6. Thuốc Vastanlupi có thể tương tác với các loại thuốc nào?

Dưới đây là danh sách các loại thuốc có nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với thuốc Vastanlupi, bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu + Valsartan gây tăng kali máu hoặc tăng creatinin huyết thanh ở những bệnh nhân bị suy tim.
  • Thuốc chống viêm không steroid + Valsartan có thể làm giảm chức năng thận dẫn đến suy thận ở những bệnh nhân cao niên, người có chức năng thận kém hoặc đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu.
  • Các loại thuốc khác như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen và Indomethacin có thể làm giảm tác dụng của hoạt chất Valsartan khi dùng phối hợp với Vastanlupi.

Để hạn chế xảy ra sự tương tác bất lợi giữa thuốc Vastanlupi cùng các loại thuốc khác, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tất cả các dược phẩm mà bản thân đang sử dụng trong thời điểm hiện tại. Những loại thuốc này có thể bao gồm cả vitamin, thực phẩm bào chế từ thảo dược tự nhiên, khoáng chất,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

64 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan