Công dụng thuốc Softprazol

Thuốc Softprazol có thành phần chính là Esomeprazole magnesium dihydrate thuộc nhóm thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Softprazol được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày – tá tràng, hội chứng Zollinger – Ellison... Tìm hiểu các thông tin cơ bản như thành phần, công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Softprazol sẽ giúp cho bệnh nhân nâng cao kết quả điều trị.

1. Thuốc Softprazol là thuốc gì?

Thuốc Softprazol được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột dưới 2 hàm lượng là Softprazol 20mg và Softprazol 40mg, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Esomeprazole (dạng Esomeprazole magnesium dihydrate) hàm lượng 20mg và 40mg.
  • Tá dược: Vừa đủ 1 lọ bột pha tiêm.

Cơ chế tác dụng:

Esomeprazole magnesium dihydrate là dạng đồng phân S của Omeprazol, nên có những tác dụng tương tự như Omeprazol trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, loét dạ dày – tá tràng và hội chứng Zollinger – Ellison. Esomeprazole có cơ chế ức chế đặc hiệu trên enzym H+/K+-ATPase, do đó hợp chất này thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton, ngăn chặn bước cuối cùng trong quá trình sản xuất acid và làm giảm tiết acid ở bề mặt của tế bào thành của dạ dày.

Các thuốc ức chế bơm proton như Esomeprazole magnesium dihydrate có tác dụng ức chế Helicobacter pylori nhưng không tiệt trừ được vi khuẩn này, nên phải phối hợp với các kháng sinh như Amoxicilin, Tetracyclin hay Clarithromycin trong việc điều trị nhiễm H. pylori.

2. Thuốc Softprazol có tác dụng gì?

Thuốc Softprazol được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD).
  • Điều trị duy trì bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trong giai đoạn hồi phục.
  • Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng tiến triển.
  • Phối hợp với kháng sinh trong điều trị điều trị nhiễm Helicobacter pylori.
  • Hội chứng Zollinger – Ellison.
  • Dự phòng viêm loét dạ dày do dùng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs).
  • Dự phòng và điều trị viêm loét ống tiêu hóa do Stress.
  • Dự phòng xuất huyết tái phát sau điều trị loét dạ dày – tá tràng bằng nội soi.
  • Hỗ trợ điều trị xuất huyết do viêm loét dạ dày – tá tràng.

3. Chống chỉ định của thuốc Softprazol

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Softprazol.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác chứa Esomeprazole magnesium dihydrate.
  • Tiền sử dị ứng với các thuốc khác thuộc nhóm ức chế bơm proton dạ dày (PPI).
  • Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Softprazol

Lưu ý: Dùng thuốc trước ăn ít nhất 1 giờ.

Liều dùng

Người lớn hoặc trẻ vị thành niên ≥ 12 tuổi

  • Loét dạ dày – tá tràng tiến triển lành tính: Uống 20mg/lần vào buổi sáng. Thời gian điều trị: 4 – 6 tuần hoặc có thể lâu hơn tuỳ vào đáp ứng của bệnh nhân.
  • Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Uống 20 - 40mg/lần mỗi ngày trong 4 đến 8 tuần. Có thể điều trị duy trì thêm 4 – 8 tuần nếu tổn thương chưa lành.
  • Hội chứng Zollinger – Ellison: Liều khởi đầu uống 40mg x 2 lần mỗi ngày, sau đó điều chỉnh nâng hoặc hạ liều khi cần thiết. Có thể nâng liều lên 80 – 160mg/ngày, liều lớn hơn 80mg/ngày phải chia làm 2 lần.
  • Điều trị nhiễm H. Pylori: Sử dụng phác đồ Esomeprazole (Softprazol) 20mg x 2 lần mỗi ngày hoặc 40mg x 1 lần mỗi ngày + Amoxicillin 1g x 2 lần mỗi ngày + Clarithromycin 500mg x 2 lần mỗi ngày. Thời gian điều trị trong 7 ngày.
  • Dự phòng viêm loét dạ dày do dùng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs): Uống 20mg/lần trong 4 – 8 tuần.
  • Không thay đổi liều thuốc Softprazol trên các bệnh nhân lớn tuổi hay suy giảm chức năng gan thận.

Trẻ em:

  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc Softprazol do chưa đảm bảo tính an toàn trên lâm sàng.

5. Lưu ý khi sử dụng Softprazol

Điều trị bằng thuốc Softprazol với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Các rối loạn toàn thân như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ban ngoài da. Rối loạn tiêu hóa như Buồn nôn, nôn, đầy hơi, khô miệng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
  • Ít gặp: Các rối loạn toàn thân như phát ban, ngứa, dị cảm, mệt mỏi, mất ngủ, buồn ngủ, rối loạn thị giác.
  • Hiếm gặp: Các rối loạn toàn thân như sốt, toát mồ hôi, mẫn cảm với ánh sáng, rụng tóc, phù ngoại biên, phản ứng quá mẫn như mày đay, phù mạch, co thắt phế quản, sốc phản vệ. Rối loạn thần kinh trung ương như kích động, trầm cảm, lú lẫn, ảo giác. Nhiễm trùng hô hấp. Các rối loạn huyết học như tăng hoặc giảm bạch cầu, giảm toàn thể huyết cầu, giảm tiểu cầu. Rối loạn chức năng gan như viêm gan, vàng da, suy chức năng gan, tăng men gan. Rối loạn vị giác, viêm miệng. Rối loạn chuyển hóa như hạ natri huyết, rối loạn chuyển hóa porphyrin, hạ magnesi huyết. Triệu chứng cơ xương khớp như đau cơ, đau khớp, loãng xương, gãy xương. Các triệu chứng trên da như hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da, ban bọng nước. Các dấu hiệu khác như viêm thận kẽ, chứng vú to ở nam.

Nên ngừng thuốc ngay khi phát hiện những triệu chứng trên sau khi dùng thuốc Softprazol và nhanh chóng thông báo với nhân viên y tế hoặc đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí kịp thời.

Lưu ý sử dụng thuốc Softprazol ở các đối tượng sau:

  • Cần loại trừ bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày trước khi sử dụng Softprazol cho bệnh nhân.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Softprazol cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh nhân có nguy cơ gãy xương do loãng xương.
  • Phụ nữ có thai: Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa có dữ liệu an toàn về việc sử thuốc thuốc Softprazol trên phụ nữ có thai. Vì thế, chống chỉ định thuốc Softprazol trên đối tượng này.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay chưa có nghiên cứu chỉ ra rằng liệu hoạt chất Esomeprazole magnesium dihydrate có trong Softprazol có thể bài tiết qua sữa mẹ hay không. Vì thế, để đảm bảo tính an toàn cho trẻ bú mẹ, chống chỉ định sử dụng thuốc Softprazol trên đối tượng này.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có gặp phải những tác dụng phụ như hoa mắt, chóng mặt, ảo giác... trong lúc làm việc. Vì thế, tránh sử dụng thuốc Softprazol trước và trong khi làm việc.

6. Tương tác thuốc Softprazol:

Tương tác với các thuốc khác:

  • Thuốc Softprazol làm giảm hấp thu với các thuốc kháng nấm như Ketoconazole hoặc Itraconazole.
  • Tránh sử dụng thuốc Softprazol đồng thời với các thuốc như Delavirdine, Posaconazole, Nelfinavir, Erlotinib vì có thể làm tăng tác dụng phụ của cả 2 thuốc.
  • Thuốc Softprazol làm giảm nồng độ và tác dụng của các thuốc sau:
  • Atazanavir
  • Clopidogrel
  • Dabigatran
  • Etexilate
  • Dasatinib
  • Erlotinib
  • Indinavir
  • Muối sắt
  • Mesalamine
  • Mycophenolate
  • Nelfinavir
  • Thuốc Softprazol làm tăng nồng độ và tác dụng của các thuốc sau:
  • Cơ chất CYP2C8, CYP2C19
  • Methotrexat
  • Saquinavir
  • Voriconazole

Trên đây là thông tin khái quát về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Softprazol. Lưu ý, Softprazol là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

84 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan