Công dụng thuốc Simvatin

Thuốc Simvatin được bào chế dược dạng viên nén, có thành phần chính là Simvastatin và các tá dược khác. Thuốc được sử dụng để điều trị tăng cholesterol máu và giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành.

1. Công dụng của thuốc Simvatin

Thuốc Simvatin có các dạng hàm lượng là: Simvatin 10mg (chứa 10mg Simvastatin và các tá dược), Simvatin 20mg (chứa 20mg Simvastatin và các tá dược).

Simvastatin là thuốc hạ lipid được tổng hợp từ các sản phẩm lên men của Aspergillus terreus. Sau khi uống, Simvastatin (vốn là 1 lactone bất hoạt) sẽ được thủy phân sang dạng beta-hydroxy acid tương ứng. Đây chính là 1 chất ức chế men HMG-CoA reductase. Men này có thể xúc tác phản ứng chuyển hóa HMG-CoA thành mevalonate - là 1 khâu sớm trong quá trình sinh tổng hợp cholesterol.

Chỉ định sử dụng thuốc Simvatin:

  • Điều trị tăng cholesterol máu: Simvastatin được chỉ định điều trị hỗ trợ trong 1 chế độ ăn giảm cholesterol toàn phần, apolipoprotein B, LDL-cholesterol và các triglycerid ở người bệnh tăng cholesterol máu không đáp ứng đầy đủ với chế độ dinh dưỡng hoặc các phương thức điều trị không dùng thuốc khác. Ngoài ra, Simvastatin cũng làm tăng HDL-cholesterol (cholesterol tốt), vì vậy làm giảm tỷ lệ LDL/HDL và tỷ lệ cholesterol toàn phần/HDL;
  • Điều trị bệnh động mạch vành: Ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành và tăng cholesterol máu, Simvastatin được chỉ định sử dụng nhằm làm giảm nguy cơ tử vong do mạch vành, giảm nguy cơ phải phẫu thuật tái thông động mạch vành (nong mạch vành và phẫu thuật bắc cầu), làm chậm sự tiến triển của xơ vữa mạch vành (bao gồm giảm quá trình phát triển của sang thương mới, giảm hiện tượng tắc nghẽn hoàn toàn);
  • Chỉ định khác: Simvastatin cũng được sử dụng điều trị hỗ trợ cho chế độ ăn và các phương thức điều trị khác để làm giảm tình trạng tăng cholesterol toàn phần, apolipoprotein B, LDL-cholesterol trên bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình có tính di truyền đồng hợp tử (khi bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Simvatin:

  • Phối hợp Simvastatin với các thuốc ức chế CYP3A4 mạnh như: Erythromycin, itraconazol, telithromycin, clarithromycin, thuốc ức chế protease của HIV, nefazodon, telaprevir, boceprevir, gemfibrozil, posaconazol, cyclosporin, danazol;
  • Bệnh nhân quá mẫn, dị ứng với một trong các thành phần của thuốc;
  • Người có bệnh gan tiến triển, gia tăng các men transaminase huyết thanh dai dẳng (không rõ nguyên nhân);
  • Người mắc bệnh cơ thứ phát do sử dụng các thuốc hạ lipid khác;
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Simvatin

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Điều trị tăng cholesterol máu:
    • Liều khởi đầu thông thường: 10mg/lần/ngày, dùng vào buổi tối. Người bệnh tăng cholesterol máu thể nhẹ hoặc trung bình có thể khởi đầu với liều 5m. Có thể điều chỉnh liều dùng thuốc nếu cần thiết, chỉ nên thực hiện sau thời gian điều trị không dưới 4 tuần. Liều dùng có thể tăng tới 40mg/lần/ngày, dùng vào buổi tối. Ở bệnh nhân tăng cholesterol trầm trọng, không đáp ứng với liều 40mg/ngày và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch thì có thể tăng liều tới 80mg/ngày;
    • Người bệnh sử dụng đồng thời Simvastatin với Amiodaron không nên dùng quá 20mg/ngày;
    • Nếu nồng độ LDL-cholesterol dưới 75mg/dL (1,94mmol/L) hoặc cholesterol huyết tương toàn phần dưới 140mg/dL (3,6mmol/L) thì cần chú ý giảm liều Simvastatin;
    • Tăng cholesterol máu gia đình có tính chất di truyền đồng hợp tử: Dùng liều 40mg/lần/ngày vào buổi tối hoặc 80mg/ngày chia làm 3 lần 20mg - 20mg 40mg buổi tối. Nên sử dụng Simvastatin hỗ trợ cho các phương pháp điều trị hạ lipid máu khác (như lọc LDL) cho những bệnh nhân này khi không sử dụng được các liệu pháp khác;
  • Bệnh mạch vành: Liều khởi đầu là 20mg/lần/ngày, dùng vào buổi tối. Nếu cần thiết, có thể điều chỉnh liều dùng thuốc như thông tin ở phần trên;
  • Điều trị kết hợp: Thuốc Simvastatin có hiệu quả cả khi dùng đơn độc hoặc khi phối hợp với các thuốc ngưng kết acid mật. Nếu người bệnh đang dùng các thuốc fibrat, cyclosporin hoặc niacin chung với Simvastatin thì liều tối đa là 10mg/ngày;
  • Bệnh nhân suy thận: Do thuốc Simvastatin không bài tiết nhiều qua thận nên không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở những bệnh nhân suy thận trung bình. Ở bệnh nhân suy thận mức độ nặng (độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút) thì liều trên 10mg/ngày cần được đánh giá cẩn thận, thận trọng khi dùng thuốc;
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bị suy gan nhẹ. Với bệnh nhân suy gan trung bình và nặng, không nên dùng thuốc.

*Lưu ý:

  • Cần điều trị với liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng. Sau đó, nếu cần thiết thì có thể điều chỉnh liều dùng thuốc theo nhu cầu, đáp ứng của từng bệnh nhân bằng cách tăng liều từng đợt cách nhau không dưới 4 tuần, kết hợp theo dõi các phản ứng có hại của thuốc, đặc biệt là những phản ứng gây hại cho hệ cơ;
  • Người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ một chế độ ăn chuẩn để hạ cholesterol trước khi sử dụng Simvastatin và tiếp tục tuân theo chế độ ăn này trong quá trình điều trị với Simvastatin.

Quá liều: Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu khi dùng thuốc Simvatin quá liều. Khi xảy ra quá liều, người bệnh được điều trị triệu chứng và điều trị nâng đỡ. Tất cả bệnh nhân đều có thể hồi phục sức khỏe sau khi dùng thuốc quá liều mà không để lại di chứng.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Simvatin, bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp nhất.

3. Tác dụng phụ của thuốc Simvatin

Khi sử dụng thuốc Simvatin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, nhìn mờ, suy nhược, mất ngủ, đau cơ khớp. Các kết quả xét nghiệm chức năng gan tăng gấp 3 lần so với mức giới hạn trên của mức bình thường nhưng phần lớn là không gây triệu chứng và sẽ hồi phục khi ngưng thuốc;
  • Ít gặp: Bệnh cơ (kết hợp yếu cơ và tình trạng tăng hàm lượng creatine phosphokinase huyết tương), phát ban da, viêm xoang, viêm mũi và ho;
  • Hiếm gặp: Viêm cơ, tiêu cơ vân, suy giảm nhận thức (lú lẫn, mất trí nhớ), suy thận cấp thứ phát do myoglobin niệu, tăng HbA1c, tăng đường huyết.

Người bệnh nên thông báo kịp thời cho bác sĩ về các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Simvatin để được tư vấn về biện pháp xử trí phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Simvatin

Trước và trong khi dùng thuốc Simvatin, người bệnh cần lưu ý:

  • Cân nhắc khi sử dụng thuốc Simvatin đối với những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ dẫn đến tổn thương cơ. Thuốc Simvatin có thể gây ra những phản ứng có hại đối với hệ cơ, đặc biệt là những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ như người trên 65 tuổi, người bệnh thận, người bị thiểu năng tuyến giáp không được kiểm soát. Nên theo dõi chặt chẽ các phản ứng có hại trong quá trình sử dụng thuốc;
  • Simvastatin có thể làm tăng nồng độ men creatine phosphokinase và transaminase trong huyết thanh. Nên lưu ý tình trạng này nhằm chẩn đoán phân biệt chứng đau ngực ở những bệnh nhân đang điều trị với Simvastatin;
  • Nên tạm ngưng sử dụng Simvastatin ở bất kỳ bệnh nhân nào có các bệnh lý cấp nghiêm trọng cho thấy có khả năng mắc bệnh cơ hoặc có yếu tố nguy cơ dẫn tới sự tiến triển suy thận thứ phát do ly giải cơ vân, hạ huyết áp, nhiễm khuẩn cấp trầm trọng, đang phẫu thuật lớn, chấn thương, có các rối loạn chuyển hóa, nội tiết và điện giải nặng, động kinh chưa kiểm soát được;
  • Nên thực hiện xét nghiệm enzyme gan trước khi bắt đầu điều trị với Simvastatin và trong trường hợp chỉ định lâm sàng có yêu cầu xét nghiệm sau đó;
  • Cân năng theo dõi creatine kinase (CK) trong các trường hợp:
    • Trước khi điều trị, cần xét nghiệm CK trong trường hợp bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, nhược giáp, có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh cơ di truyền, tiền sử bệnh cơ do sử dụng fibrat hoặc statin trước đó, tiền sử bệnh gan hoặc uống nhiều rượu, người cao tuổi (trên 70 tuổi) có yếu tố nguy cơ bị tiêu cơ vân, khả năng tương tác thuốc, một số bệnh nhân đặc biệt,... Trong các trường hợp này, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, theo dõi người bệnh trên lâm sàng trong khi điều trị bằng thuốc Simvatin. Nếu kết quả xét nghiệm CK trên 5 lần so với mức giới hạn trên của mức bình thường thì không nên dùng thuốc Simvastatin;
    • Trong quá trình điều trị bằng thuốc Simvastatin, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ khi có những biểu hiện về cơ như đau cơ, yếu cơ, cứng cơ,... Khi có các triệu chứng này, người bệnh nên làm xét nghiệm CK để từ đó có biện pháp can thiệp thích hợp;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Simvastatin ở người bệnh uống nhiều rượu, có tiền sử bệnh gan;
  • Nên theo dõi kỹ các tác dụng phụ của thuốc Simvatin ở người bệnh lớn tuổi, bị suy thận và suy tuyến giáp;
  • Không sử dụng thuốc Simvastatin ở phụ nữ mang thai. Chỉ nên dùng thuốc Simvastatin cho phụ nữ đang trong độ tuổi mang thai khi chắc chắn những bệnh nhân này không có khả năng thụ thai. Nếu người bệnh có thai trong khi dùng thuốc thì phải ngưng sử dụng Simvastatin ngay, bệnh nhân cần được thông báo về nguy cơ độc tính đối với thai nhi;
  • Hiện chưa rõ Simvastatin hoặc các chất chuyển hóa của nó có tiết qua sữa mẹ hay không nên tốt nhất không dùng thuốc này ở bà mẹ đang cho con bú. Nếu dùng thuốc, bà mẹ không nên cho con bú;
  • Trên các thử nghiệm lâm sàng ở các bệnh nhân trên 65 tuổi khi dùng Simvastatin, không thấy có sự gia tăng rõ rệt về các tác dụng phụ. Vì vậy, có thể dùng thuốc bình thường ở nhóm bệnh nhân này;
  • Hiện chưa xác định được hiệu quả và độ an toàn của thuốc Simvastatin ở trẻ dưới 18 tuổi nên tốt nhất không dùng thuốc cho nhóm bệnh nhân này;
  • Thuốc Simvatin có thể gây nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt,... nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Simvatin

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ. Do đó, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc/thực phẩm chức năng mình đang sử dụng, tiền sử bệnh lý của bản thân. Bên cạnh đó, bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc, bắt đầu dùng 1 loại thuốc hoặc thay đổi liều dùng, cách dùng của bất kỳ thuốc nào khi chưa được bác sĩ cho phép.

Một số tương tác thuốc của Simvatin gồm:

  • Tăng nguy cơ tổn thương cơ khi dùng đồng thời Simvastatin với các thuốc: Gemfibrozil, thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat khác, colchicin, niacin liều cao (trên 1g/ngày);
  • Phối hợp Simvastatin với các thuốc ức chế CYP3A4 mạnh như Erythromycin, itraconazol, telithromycin, clarithromycin, thuốc ức chế protease của HIV, nefazodon, telaprevir, boceprevir, gemfibrozil, posaconazol, cyclosporin, danazol có thể làm tăng nồng độ của Simvastatin, tăng nguy cơ mắc bệnh cơ;
  • Tránh sử dụng đồng thời lượng lớn nước ép bưởi (trên 1 lít/ngày) khi dùng Simvastatin;
  • Không nên sử dụng quá 10mg Simvastatin mỗi ngày khi dùng phối hợp với Verapamil, dronedaron, diltiazem. Chống chỉ định phối hợp các thuốc này với các chế phẩm có hàm lượng Simvastatin từ 20mg trở lên;
  • Không sử dụng quá 20mg Simvastatin mỗi ngày khi sử dụng phối hợp với Amlodipin, Amiodaron, Ranolazin;
  • Việc sử dụng đồng thời các thuốc hạ lipid máu nhóm statin (trong đó có Simvastatin) với các thuốc điều trị viêm gan C và HIV có thể làm tăng nguy cơ gây tổn thương cơ, nghiêm trọng nhất là tiêu cơ vân, thận hư, suy thận, thậm chí tử vong;
  • Sử dụng đồng thời Simvastatin và digoxin có sự gia tăng nhẹ nồng độ digoxin (dưới 0,3mg/mL) trong huyết tương (bằng cách thực hiện xét nghiệm phóng xạ miễn dịch digoxin) so với việc dùng đồng thời thuốc placebo và digoxin. Do vậy, nên theo dõi thích hợp khi bắt đầu điều trị bằng Simvastatin ở bệnh nhân đang sử dụng digoxin;
  • Simvastatin làm tăng nhẹ tác dụng chống đông máu của các thuốc chống đông coumarin. Việc điều trị bằng Simvastatin không gây chảy máu hoặc thay đổi thời gian prothrombin ở người bệnh không dùng thuốc chống đông.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Simvatin, người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng và liều dùng thuốc. Việc này đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh và ngăn chặn nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

168 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan