Công dụng thuốc Malosic

Malosic thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa sử dụng để điều trị các bệnh phổ biến như viêm loét dạ dày tá tràng, các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, viêm dạ dày... Bên cạnh các công dụng hiệu quả của Malosic, người bệnh cũng nên lưu ý đến các phản ứng phụ mà thuốc mang lại.

1. Thuốc Malosic có tác dụng gì?

Malosic có thành phần chính là Nhôm oxyd (dưới dạng Nhôm hydroxyd gel 14%) 0,45g; Magnesi hydroxyd (dưới dạng Magnesi hydroxyd paste 30%) 0,8004g; Simethicon (dưới dạng Simethicon nhũ tương 30%) 0,08g và thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp như:

  • Điều trị bệnh viêm dạ dày cấp và mãn tính, bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, người bị viêm hang vị dạ dày.
  • Điều trị bệnh viêm loét tá tràng.
  • Người bệnh gặp các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu trong quá trình thực hiện thủ thuật chụp X quang.
  • Dùng cho bệnh nhân bị ngộ độc các chất acid, ngộ độc kiềm, các chất ăn mòn gây xuất huyết...
  • Thuốc cũng được sử dụng trong mục đích giảm đầy bụng do tăng acid, ợ nóng, khó tiêu và ợ chua nguyên nhân do bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra.

Cơ chế tác động: Khi thuốc vào cơ thể và tan trong acid dịch vị, Malosic giải phóng ra các anion có tác dụng trung hòa acid dạ dày, hoặc làm chất đệm cho dịch dạ dày, làm giảm triệu chứng tăng acid, giảm độ acid trong thực quản và giảm táo bón.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Malosic

Cách dùng: Thuốc được dùng qua đường uống, thời điểm tốt nhất để uống thuốc là trước khi ăn hoặc trước khi đi ngủ.

Liều lượng: Liều thông thường sử dụng cho người lớn là 1 gói x 3 lần/ ngày.

Đối với bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng không có biến chứng có thể uống thuốc 1 - 3 giờ sau khi ăn và lúc đi ngủ. Thời gian sử dụng thuốc trong khoảng từ 4 - 6 tuần hoặc tới khi vết loét trở nên tốt hơn.

Đối với người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng đi kèm như chảy máu dạ dày hoặc bị viêm loét dạ dày do stress, thuốc được chỉ định dùng mỗi giờ một lần và phải điều chỉnh liều Antacid để duy trì được pH dạ dày bằng 3,5.

Chống chỉ định:

  • Người bệnh bị dị ứng với thành phần của thuốc Malosic.
  • Những trường hợp bị suy giảm chức năng thận nặng vì có thể gây nguy cơ tăng magnesi máu.
  • Với các trường hợp bị mẫn cảm với các Antacid chứa magnesi.
  • Không sử dụng thuốc đối với trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ mất nước hoặc bị suy thận.

3. Tác dụng phụ thuốc Malosic

Khi dùng thuốc Malosic người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Tác dụng liên quan đến rối loạn tiêu hóa với biểu hiện như buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy.

Thông thường những tác dụng phụ này sẽ mất đi khi ngưng dùng thuốc và nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng khác hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì nên thông báo với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Malosic

  • Thận trọng sử dụng Malosic với người bị đang gặp phải chứng rối loạn chức năng thận, gan.
  • Không sử dụng thuốc cho đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc là sự tác dụng qua lại lẫn nhau giữa Malosic với một số loại thuốc và thực phẩm khác hay giữa thuốc với tình trạng sinh lý của cơ thể dẫn đến giảm công dụng hoặc tăng tác dụng phụ của chúng. Dưới đây là một số loại thuốc khi kết hợp với thành phần Magnesi hydroxyd và Simethicon có thể gây ra sự tương tác thuốc mà người bệnh nên lưu ý:

  • Thuốc có thành phần muối Fe;
  • Thuốc Tetracyclin;
  • Fluoroquinolon;
  • Ketoconazol;
  • Norfloxacin;
  • Ciprofloxacin;
  • Thuốc dạng viên bao tan trong ruột;
  • Mecamylamin;
  • Methenamin.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Malosic. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Malosic theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

112 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan