Công dụng thuốc Intalopram

Intalopram thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm. Hãy cùng tìm hiểu về thông tin thuốc Intalopram thông qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Intalopram là thuốc gì?

  • Thuốc Intalopram được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Escitalopram (dưới dạng Escitalopram oxalate) hàm lượng 10mg.
  • Escitalopram là một chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs). Tác dụng chống trầm cảm, chống kích thích của escitalopram được cho là có liên quan đến sự ức chế tái hấp thu serotonin ở thần kinh thần kinh trung ương. Tuy nhiên thuốc có tác dụng rất yếu đối với việc tái hấp thu norepinephrine và dopamin.
  • Escitalopram không có ái lực đáng kể đối với cholinergic, adrenergic (alpha1, alpha2, beta), dopaminergic, histaminergic, GABA, serotonergic (5HT 1A , 5HT 1B và 5HT 2 ) hoặc các thụ thể benzodiazepine. Sự đối kháng của các thụ thể đó đưa ra giả thuyết có liên quan đến tác dụng kháng cholinergic, an thần và tim mạch khác nhau của các thuốc hướng tâm thần khác.

2. Công dụng của thuốc Intalopram

Thuốc Intalopram được sử dụng trong điều trị chứng rối loạn lo âu và trầm cảm.

Không sử dụng Intalopram trong các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với Intalopram hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Dùng đồng thời với thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs).

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Intalopram

Liều lượng dùng thuốc tùy thuộc vào từng lứa tuổi.

Người lớn:

  • Liều khởi đầu: uống 10mg/lần/ngày và tăng liều lên 20 mg/lần/ngày nếu cần thiết sau ít nhất 1 tuần điều trị.
  • Liều duy trì: uống 10 - 20mg/lần/ngày.
  • Liều tối đa: uống 20mg/lần/ngày.
  • Người lớn tuổi bị trầm cảm: uống 10mg/lần/ngày.

Trẻ em từ 12 - 17 tuổi:

  • Liều khởi đầu: uống 10mg/lần/ngày và tăng liều lên 20mg/lần/ngày nếu cần thiết sau ít nhất 3 tuần điều trị
  • Liều duy trì: uống 10 - 20mg/lần/ngày
  • Liều tối đa: uống 20mg/lần/ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Intalopram

Khi sử dụng thuốc Intalopram có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Buồn ngủ, ngáp dài, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ù tai
  • Khô miệng, buồn nôn, ợ hơi, ợ nóng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, tăng cảm giác thèm ăn
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc khó đạt khoái cảm
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều, co cứng cơ

Khi sử dụng thuốc Intalopram, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

5. Tương tác với thuốc Intalopram

Khi sử dụng đồng thời Intalopram có thể tương tác với một số thuốc sau:

  • Không nên kết hợp Escitalopram với các thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO) như isocarboxazid (Marplan), phenelzine (Nardil), selegilin (ELDEPRYL), tranylcypromine (PARNATE), procarbazin (MATULANE), linezolid (Zyvox) và methylene blue tiêm tĩnh mạch do có thể dẫn đến sốt cao, run, cứng cơ hoặc tăng huyết áp. Cần ngừng escitalopram ít nhất 14 ngày trước khi bắt đầu sử dụng chất ức chế MAO và ngược lại.
  • Sử dụng đồng thời với các thuốc chống đông máu (Coumadin), aspirin, thuốc chống viêm không steroid và các thuốc tác động lên quá trình đông máu khác có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Kết hợp với các thuốc chống loạn thần và các thuốc đối kháng dopamin có thể gây hội chứng serotonin trầm trọng và hội chứng phản ứng an thần kinh ác tính.
  • Sử dụng thuốc cùng với rượu sẽ làm tăng khả năng ức chế thần kinh trung ương.

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Intalopram

Khi sử dụng thuốc Intalopram, cần lưu ý trong các trường hợp sau:

  • Sử dụng thuốc quá liều có thể gây buồn nôn, nôn, hoa mắt, vã mồ hôi, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, co giật, hay quên, hôn mê.
  • Không nên sử dụng thuốc khi đang mang thai hoặc cho con bú, chỉ sử dụng khi thật cần thiết dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ và cân nhắc ký giữa lợi ích và nguy cơ điều trị.
  • Thuốc gây buồn ngủ, chóng mặt vì vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe hay vận hành máy móc.

Ngoài những thông tin trên nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về b người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

23 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan