Công dụng thuốc Insunova 30/70

Thuốc Insunova 30/70 được sử dụng rất phổ biến trong điều trị bệnh đái tháo đường type I, type II và đái tháo đường thai kỳ. Vậy thuốc Insunova 30/70 có liều dùng như thế nào và cần những lưu ý gì khi sử dụng?

1. Thuốc Insunova là thuốc gì?

Insunova 30/70 100IU/ml là sản phẩm thuốc của công ty Biocon Limited. Thành phần chính của thuốc Insunova 30/70 là Insulin human được đóng gói dưới dạng lọ 10ml.

Tác động giảm đường huyết của Insulin có được là do diễn ra quá trình hấp thu glucose sau khi Insulin gắn với các thụ thể trên tế bào cơ và mỡ, đồng thời ức chế sản sinh glucose tại gan. Thời gian bán thải của Insulin trong máu kéo dài trong khoảng một vài phút, do đó thời gian tác động của một chế phẩm Insulin như thuốc Insunova 30/70 chỉ được xác định bởi đặc tính hấp thu. Quá trình này chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: liều insulin, đường và vị trí tiêm, vì vậy đây là lý do cần xem xét sự thay đổi khác nhau trên mỗi bệnh nhân và giữa các bệnh nhân với nhau.

Insulin sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa ở gan và thận, một lượng nhỏ được chuyển hóa ở cơ và mô mỡ. Insulin liên kết với thụ thể trên bề mặt tế bào, sau đó được đưa vào các tế bào và bị thoái hóa bởi enzym Insulin glutathione transhydrogenase trở thành chuỗi A và B. Khi thuốc Insunova 30/70 được tiêm dưới da, tác động khởi đầu sẽ xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm, nồng độ đỉnh đạt được từ 2 - 8 giờ, thời gian tác dụng có thể lên đến 24 giờ.

Trung bình quá trình tác động sau khi tiêm dưới da thuốc Insunova 30/70 như sau:

  • Khởi đầu tác động trong 30 phút;
  • Tác động tối đa: 2 - 8 giờ;
  • Thời gian tác dụng: 24 giờ.

2. Công dụng của thuốc Insunova 30/70

Thuốc Insunova 30/70 được chỉ định dùng trong các trường hợp điều trị bệnh đái tháo đường:

  • Đái tháo đường có nhu cầu sử dụng Insulin để duy trì đường huyết ổn định;
  • Kiểm soát ban đầu bệnh đái tháo đường, đái tháo đường trong thai kỳ.

3. Liều dùng của thuốc Insunova 30/70

Cách dùng thuốc Insunova 30/70: tiêm dưới da. Thông thường, tiêm hỗn hợp thuốc Insunova 30/70 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, tiêm dưới da, tốt nhất là trước bữa ăn để thuốc khởi đầu tác động nhanh cùng lúc với tác động kéo dài hơn nữa.

Thời điểm thuốc Insunova 30/70 lý tưởng, nhưng không phải luôn luôn, là trong vòng 30 phút sau bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ có chứa carbohydrat. Vị trí tiêm thuốc Insunova 30/70 nên được luân chuyển trong một vùng của cơ thể để tránh loạn dưỡng lipid. Ở những bệnh nhân đái tháo đường, kiểm soát đường huyết tối ưu sẽ làm chậm quá trình biến chứng đái tháo đường, vì thế khuyến cáo theo dõi chặt chẽ glucose huyết. Không dùng thuốc Insunova 30/70 để tiêm tĩnh mạch.

Hướng dẫn cách tiêm thuốc Insunova 30/70: Tiêm insulin dưới da, sử dụng kỹ thuật tiêm được mô tả trong hướng dẫn sử dụng. Giữ kim tiêm dưới da ít nhất 10 giây để đảm bảo rằng liều dùng thuốc Insunova 30/70 được phóng thích đủ. Sau mỗi lần tiêm thuốc Insunova 30/70 cần loại bỏ kim tiêm.

Liều dùng thuốc Insunova 30/70 được cá thể hóa và xác định bởi bác sĩ theo nhu cầu của từng bệnh nhân. Liều dùng Insulin trung bình hàng ngày để điều trị bệnh lý đái tháo đường từ 0,3 - 1,0 IU/kg tùy vào tình trạng chuyển hóa của từng bệnh nhân và mức kiểm soát đường huyết.

Lưu ý: Liều dùng thuốc Insunova 30/70 trên chỉ mang tính chất tham khảo, liều dùng cụ thể còn tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để nhận được liều dùng chính xác nhất.

4. Làm gì khi dùng quá liều thuốc Insunova 30/70?

Chưa xác định trường hợp quá liều chuyên biệt khi dùng thuốc Insunova 30/70, tuy nhiên tình trạng hạ đường huyết có thể phát triển tuần tự theo các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn hạ đường huyết nhẹ, đây là giai đoạn có thể được điều trị bằng cách uống glucose hoặc dùng các sản phẩm có đường. Do đó, bác sĩ thường khuyến cáo rằng bệnh nhân đái tháo đường luôn mang theo một số viên đường, đồ ngọt, bánh quy hoặc nước ép trái cây có đường bên người mỗi khi ra ngoài.
  • Giai đoạn hạ đường huyết nặng: bệnh nhân hạ đường huyết có thể trở nên mất ý thức cần được điều trị với glucagon (0,5 - 1 mg) tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch dưới thao tác của nhân viên y tế. Nếu cần thiết phải tiêm tĩnh mạch glucose nếu bệnh nhân không đáp ứng với glucagon trong vòng 10 - 15 phút.

Sau khi lấy lại ý thức, bệnh nhân được khuyến cáo nên ăn thức ăn có chứa carbohydrate để ngăn ngừa tái phát hạ đường huyết nguy hiểm.

5. Làm gì khi quên 1 liều thuốc Insunova 30/70?

Tuân thủ thời điểm sử dụng thuốc Insunova 30/70 là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp quên dùng thuốc Insunova 30/70, cách tốt nhất là đo glucose huyết và thêm 1 liều Insulin (regular) nếu nồng độ glucose quá cao. Nếu không, hãy đợi đến liều thuốc Insunova 30/70 kế tiếp theo liệu trình điều trị.

6. Tác dụng phụ của thuốc Insunova 30/70

Khi sử dụng thuốc Insunova 30/70, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) nghiêm trọng: hạ đường huyết là tác dụng không mong muốn thường xuyên nhất xảy ra nếu liều Insulin quá cao so với nhu cầu. Các triệu chứng của hạ đường huyết có thể là việc do giải phóng Adrenalin gây ra hoặc do quá trình cung cấp glucose lên não không đủ. Hạ đường huyết nhẹ có thể gây ra giấc ngủ bồn chồn, cơn ác mộng, mồ hôi lạnh đánh thức bệnh nhân vào ban đêm. Hạ đường huyết nặng, thiếu hụt glucose lên não gây ra nói lắp, giảm tập trung, nhầm lẫn, co giật, hôn mê, tổn thương não không hồi phục, thậm chí là tử vong.

Tác dụng phụ thuốc Insunova 30/70 thường gặp: Hạ đường huyết từ nhẹ đến trung bình gây toát mồ hôi lạnh, lo lắng, run rẩy, đói, nhịp tim nhanh, đau đầu, căng thẳng.

Tác dụng phụ thuốc Insunova 30/70 ít gặp: Phản ứng phản vệ và loạn dưỡng lipid có thể xảy ra ở nơi tiêm thuốc Insunova 30/70, hệ quả của sự thất bại khi luân chuyển vị trí tiêm. Ngoài ra còn có thể xảy ra phù khi khởi đầu điều trị bằng insulin, tuy nhiên những triệu chứng này thường có tính chất tạm thời.

7. Chống chỉ định của thuốc Insunova 30/70

Thuốc Insunova 30/70 chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Hạ đường huyết;
  • Mẫn cảm với Insulin human hay bất cứ thành phần của thuốc Insunova 30/70.

8. Thận trọng khi sử dụng thuốc Insunova 30/70

  • Dùng không đủ liều hoặc ngừng điều trị thuốc Insunova 30/70, đặc biệt là ở bệnh đái tháo đường tuýp 1, có thể dẫn đến tăng đường huyết và nhiễm ceton acid do đái tháo đường. Các triệu chứng đầu tiên của tăng đường huyết xuất hiện lần lượt trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày gồm khát nước, tăng tần suất đi tiểu, buồn nôn, nôn, lơ mơ, da khô đỏ ửng, khô miệng, mất cảm giác ngon miệng, có mùi aceton trong hơi thở.
  • Không được sử dụng thuốc Insunova 30/70 quá hạn dùng in trên bao bì.
  • Thuốc Insunova 30/70 là một hỗn dịch thân nước, có màu trắng đục, chứa insulin human, do đó không được sử dụng thuốc Insunova 30/70 không có màu trắng mờ đồng nhất sau khi xoay tròn nhẹ nhàng.
  • Thuốc Insunova 30/70 có chứa m - cresol có thể dẫn đến phản ứng dị ứng tuýp M (phản ứng quá mẫn muộn).
  • Không được tự ý ngừng tiêm thuốc Insunova 30/70 trừ trường hợp do bác sĩ yêu cầu.
  • Khi chuyển từ thuốc Insunova 30/70 sang sử dụng một loại Insulin khác hoặc một biệt dược khác nên được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ. Việc thay đổi về hàm lượng, nhãn hiệu, loại (insulin tác dụng nhanh, tác động trung gian, tác dụng kéo dài...), chủng loại (insulin nguồn gốc động vật) có thể cần thay đổi liều dùng.
  • Bệnh nhân chuyển sang dùng thuốc Insunova 30/70 hoặc chuyển từ thuốc Insunova 30/70 có thể cần thay đổi liều dùng Insulin thông thường trong vài ngày đầu sử dụng hay vài tuần.
  • Ở bệnh nhân mà việc kiểm soát nồng độ glucose huyết đã cải thiện đáng kể có thể có thay đổi triệu chứng cảnh báo thông thường của hạ đường huyết và cần được tư vấn thích hợp. Đã có báo cáo tăng trên một vài bệnh nhân có phản ứng hạ đường huyết khi chuyển từ Insulin nguồn gốc động vật, các triệu chứng cảnh báo sớm của hạ đường huyết ít rõ ràng hơn và có điểm khác biệt so với những người dùng Insulin trước đó.
  • Cần thiết điều chỉnh liều nếu bệnh nhân tăng cường các hoạt động thể chất hoặc thay đổi chế độ ăn uống thông thường, bệnh nhân đột nhiên mắc các bệnh nhiễm khuẩn và các triệu chứng tương tự như sốt, các yếu tố này thường làm tăng nhu cầu insulin.
  • Rượu là chất có thể tăng cường và kéo dài tác dụng hạ đường huyết của Insulin.
  • Khả năng tập trung và phản ứng nhanh nhạy của bệnh nhân có thể suy giảm do kết quả của hạ đường huyết vì vậy cần có biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết khi lái xe, điều này đặc biệt quan trọng với những người suy giảm nhận thức về những dấu hiệu cảnh báo của hạ đường huyết.
  • Thời kỳ mang thai: Không có hạn chế sử dụng thuốc Insunova 30/70 để điều trị bệnh đái tháo đường trong thai kỳ do Insulin không qua hàng rào nhau thai. Khi điều trị bệnh đái tháo đường ở phụ nữ mang thai nên tăng cường kiểm soát lượng đường huyết trong suốt thai kỳ và ngay cả khi chỉ đang dự định mang thai. Nhu cầu insulin của thai phụ thường giảm trong 3 tháng đầu thai kỳ và sau đó gia tăng trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Sau khi sinh, nhu cầu insulin của cơ thể bà mẹ sẽ nhanh chóng trở lại đến mức như trước khi có thai.
  • Không có hạn chế sử dụng insulin để điều trị đái tháo đường ở phụ nữ đang cho con bú vì không có rủi ro cho em bé, tuy nhiên nhu cầu insulin thường có xu hướng giảm trong thời kỳ cho cho bú, theo dõi đường huyết tại nhà để tránh nguy cơ hạ đường huyết và cần giảm liều Insulin.

9. Tương tác thuốc của thuốc Insunova 30/70

Một số loại thuốc có khả năng gây tương tác với Insulin do có liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose. Vì vậy, thầy thuốc nên lưu ý đến các khả năng tương tác có thể xảy ra:

  • Một số loại thuốc làm giảm nhu cầu Insulin: Thuốc hạ đường huyết dạng uống, Octheotride, chất ức chế enzyme monoamine oxidase, chất ức chế beta không chọn lọc, chất ức chế men chuyển Angiotensin, Salicylate, rượu, các steroid đồng hóa.
  • Một số loại thuốc làm tăng nhu cầu Insulin: Thuốc tránh thai đường uống, thuốc lợi tiểu Thiazid, Glucocorticosteroid, kích thích tố tuyến giáp, thuốc cường giao cảm, Danazol,...
  • Thuốc ức chế beta có thể gây tác dụng phụ là che lấp các triệu chứng của hạ đường huyết.

Bảo quản thuốc Insunova 30/70 trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2 - 8°C, không để thuốc đông băng. Có thể bảo quản hỗn dịch ở nhiệt độ phòng (dưới 25°C) trong vòng 6 tuần một khi lọ thuốc đã đưa vào sử dụng tuy nhiên không được để thuốc tiếp xúc với nhiệt và ánh nắng trực tiếp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan