Công dụng thuốc Hepasig 400 và 500

Thuốc Hepasig được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với thành phần chính là Ribavirin. Thuốc Hepasig được sử dụng trong điều trị một số bệnh về gan.

1. Hepasig là thuốc gì?

Thuốc Hepasig 400 và Hepasig 500 có hoạt chất chính là Ribavirin với hàm lượng lần lượt là 400mg và 500mg cùng tá dược vừa đủ một viên nén. Ribavirin là một nucleosid tổng hợp có cấu trúc tương tự với guanosin. Cơ chế tác dụng của ribavirin hiện còn chưa biết đầy đủ. Thuốc có công dụng kháng virus bằng cách cản trở sự tổng hợp ARN và ADN, cuối cùng là ức chế tổng hợp protein và sao chép virus. Tác dụng kháng virus của thuốc Hepasig chủ yếu ở trong tế bào nhiễm virus nhạy cảm.

Ribavirin có tác dụng chống lại ít nhất 20 loại virus ADN và ARN khác nhau. Các bằng chứng đã cho thấy phổ tác dụng rộng của thuốc, chống lại cả 2 loại virus ARN và ADN. Đánh giá lâm sàng cũng đã chứng minh hiệu quả của thuốc Hepasig khi sử dụng qua các đường khác nhau và công thức khác nhau (uống, phun mù, ngoài da, tiêm tĩnh mạch) chống lại các bệnh sởi, thủy đậu, viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, Herpes simplex loại I và II, Herpes zoster, cúm A và B, virus hợp bào hô hấp (RSV) cùng nhiều loại virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Chỉ định: Thuốc Hepasig phối hợp với peginterferon alpha-2a hoặc interferon alpha-2a để điều trị bệnh viêm gan C mạn tính ở bệnh nhân xơ gan còn bù chưa điều trị interferon hoặc người bệnh bị tái phát sau quá trình điều trị interferon alpha-2a. Lưu ý, Ribavirin không được chỉ định sử dụng đơn độc.

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Hepasig 400 và Hepasig 500 trong các trường hợp sau:

  • Người bị quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc Hepasig;
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú;
  • Người bị thiếu máu cơ tim, tiền sử có bệnh tim nặng trước đây bao gồm bệnh tim chưa kiểm soát hoặc chưa được ổn định trong 6 tháng trở lại đây;
  • Người bị thiếu máu, bệnh về hemoglobin (ví dụ như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, thiếu máu Địa Trung Hải);
  • Người có tình trạng lâm sàng nặng, bao gồm cả các bệnh về suy thận mạn hoặc có độ thanh thải creatinin < 50ml/phút hoặc người đang trong quá trình lọc máu;
  • Người bị viêm gan với xơ gan mất bù, suy gan nặng;
  • Người có tiền sử rối loạn tâm thần hoặc rối loạn tâm thần nặng, nhất là trầm cảm nặng, có ý định tự sát;
  • Người bị viêm gan tự miễn hay có tiền sử mắc các bệnh tự miễn.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Hepasig

Cách dùng: Sử dụng thuốc Hepasig theo đường uống, không liên quan đến bữa ăn, không được bẻ nhỏ hoặc nghiền viên thuốc.

Liều dùng:

Viêm gan C: (trong phác đồ kết hợp với interferon alpha-2a hoặc peginterferon alpha-2a):

  • Bệnh nhân < 55kg: Dùng liều 400mg x 2 lần/ngày;
  • Bệnh nhân 55kg - 75kg: Dùng liều 500mg x 2 lần/ngày;
  • Bệnh nhân > 75kg: Dùng liều 400mg x 3 lần/ngày;
  • Thời gian điều trị:
    • Đối với người bệnh tái phát sau khi đã được điều trị interferon alpha-2a: 24 tuần (tương đương 6 tháng);
    • Hiệu quả và an toàn của việc phối hợp này chưa được xác định khi thời gian điều trị kéo dài trên 6 tháng;
    • Bệnh nhân chưa điều trị interferon alpha-2a: 24 - 48 tuần (tương đương 6 - 12 tháng);
    • Đến tuần thứ 24, tiến hành kiểm tra xem điều trị có đáp ứng không bằng cách đo nồng độ ARN HCV huyết thanh. Nếu không đáp ứng, dừng sử dụng thuốc Hepasig vì điều trị thêm có nhiều khả năng không đạt được kết quả;

Đồng nhiễm HCV và HIV: Dùng liều 400mg x 2 lần/ngày trong 24 - 48 tuần (tương đương 6 - 12 tháng);

Viêm gan C ở trẻ em dưới 18 tuổi (trong phác đồ kết hợp với interferon alpha-2a hoặc peginterferon alpha-2a):

  • Bệnh nhân 47kg - 49kg: Dùng liều 200mg (vào buổi sáng) và 400mg (vào buổi chiều);
  • Bệnh nhân 50kg - 65kg: Dùng liều 400mg x 2 lần/ngày (vào buổi sáng và buổi chiều);
  • Bệnh nhân > 65kg: Sử dụng như liều người lớn.

Quá liều: Không có trường hợp quá liều ribavirin trong các thử nghiệm lâm sàng đã được báo cáo. Trong trường hợp dùng thuốc quá liều và có những biểu hiện bất thường, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ và nhập viện ngay để được điều trị sớm, kịp thời.

Quên liều: Trong trường hợp quên một liều khi đang trong quá trình sử dụng thuốc Hepasig, bệnh nhân hãy dùng thuốc càng sớm càng tốt (thông thường có thể uống thuốc cách 1 - 2 giờ so với giờ được bác sĩ yêu cầu). Tuy nhiên, nếu thời gian đã gần với liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều quên Hepasig và sử dụng liều kế tiếp đúng thời điểm theo kế hoạch. Lưu ý không sử dụng gấp đôi liều thuốc đã quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Hepasig

Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Hepasig là:

  • Thường gặp:
    • Nhức đầu, run, sốt, mệt mỏi, triệu chứng giả cảm cúm, giảm cân, yếu cơ;
    • Giảm hemoglobin, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, giảm tiểu cầu, sưng hạch;
    • Buồn nôn, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, khô miệng, trướng bụng, viêm loét miệng, chảy máu lợi, viêm tụy;
    • Tăng hoặc hạ huyết áp, nhịp tim tăng nhanh;
    • Đau khớp, đau cơ, đau cơ vân;
    • Loạn cảm, cơn bốc hỏa, tăng cảm giác, lú lẫn, chóng mặt; trầm cảm, dễ bị kích thích, lo lắng, mất ngủ, dễ cảm xúc, giảm tập trung;
    • Rụng tóc, da khô, ngứa, nổi mẩn, nổi ban, viêm họng, viêm mũi, xoang, tăng tiết mồ hôi, ho, đau ngực;
    • Rối loạn vị giác và thị giác, giảm thính lực, ù tai, rối loạn kinh nguyệt, cường năng giáp, thiểu năng tuyến giáp, giảm ham muốn, nhiễm nấm, đãng trí và nhiễm virus khác;
  • Ít gặp: Ý định tự sát;
  • Hiếm gặp: Co thắt phế quản, thiếu máu huyết tán, viêm màng tiếp hợp, viêm phổi mô kẽ.

Nếu gặp các tác dụng phụ của thuốc Hepasig, người bệnh nên kịp thời báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách ứng phó thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Hepasig

Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Hepasig:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Hepasig cho người dưới 18 tuổi, nhất là khi phối hợp với interferon alpha-2a vì chưa biết rõ tác dụng và an toàn của thuốc ở lứa tuổi này;
  • Trước khi sử dụng thuốc Hepasig phải theo dõi nguy cơ thiếu máu có thể xuất hiện, phát tiến hành xét nghiệm máu (đếm tế bào bạch cầu, tiểu cầu, thời gian máu đông), thực hiện lại vào tuần điều trị thứ 2 và thứ 4, sau đó được kiểm tra định kỳ tùy theo tình trạng lâm sàng;
  • Phụ nữ đang trong lứa tuổi sinh đẻ: Phải chắc chắn không đang mang thai hoặc không có ý định mang thai trong thời gian điều trị và nhiều tháng sau điều trị vì thuốc Hepasig có nguy cơ gây quái thai;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Hepasig ở người bị tổn thương gan nặng hoặc xơ gan mất bù;
  • Phải sử dụng thận trọng ribavirin đường uống ở người có tiền sử rối loạn tâm thần, đặc biệt là người bị trầm cảm. Khi phối hợp thuốc với interferon-2a, cần lưu ý phát hiện trầm cảm ở bệnh nhân;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở những người bệnh có khả năng mắc phải bệnh gout;
  • Trẻ em đang phát triển cần được chú ý theo dõi chức năng tuyến giáp mỗi 3 tháng trong quá trình dùng thuốc;
  • Người bệnh nhiễm virus viêm gan C và HIV cần được theo dõi cẩn thận những dấu hiệu của nhiễm acid lactic và nhiễm độc ty thể trong thời gian dùng thuốc Hepasig;
  • Rối loạn về răng và nha chu có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Hepasig, khuyến cáo bệnh nhân nên kiểm tra răng miệng thường xuyên và thực hiện vệ sinh răng miệng tốt;
  • Ribavirin độc với thai, có khả năng gây quái thai. Không được sử dụng thuốc Hepasig cho phụ nữ mang thai. Trước khi cho phụ nữ sử dụng thuốc phải xét nghiệm chắc chắn không mang thai;
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần dùng các biện pháp tránh thai có hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 6 tháng sau khi đã ngừng thuốc Hepasig. Trong thời gian này, người bệnh phải tiến hành kiểm tra đều đặn hàng tháng để phát hiện có thai hay không. Nếu có thai trong thời gian điều trị hoặc trong vòng 6 tháng khi sử dụng thuốc Hepasig phải thông báo cho người bệnh biết về nguy cơ gây ra quái thai của thuốc;
  • Người chồng được điều trị với ribavirin cũng cần áp dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị và trong 6 - 7 tháng sau khi dừng thuốc Hepasig;
  • Hiện vẫn chưa rõ thuốc Hepasig có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, để tránh các tác dụng phụ của thuốc lên trẻ đang bú, không sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú. Nếu đang cho con bú thì phải ngưng cho con bú trước khi sử dụng thuốc Hepabig;
  • Ribavirin không hoặc có ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên cần lưu ý, peginterferon alpha-2a hoặc interferon alpha-2a được sử dụng trong kết hợp với ribavirin có thể có ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Hepasig

Một số tương tác thuốc Hepasig là:

  • Ribavirin ức chế sự phosphoryl hóa của stavudine và của zidovudin, sự ức chế tác dụng lẫn nhau này cũng có thể khiến cho số lượng HIV trong máu tăng. Cần lưu ý theo dõi nồng độ ARN của HIV trong máu người bệnh. Ribavirin cũng có thể làm tăng các dẫn xuất phosphoryl hóa của các nucleosid (abacavir, didanosine) nên làm tăng nguy cơ bị nhiễm acid lactic do các thuốc này gây ra;
  • Ribavirin khi kết hợp với amphotericin làm tăng độc tính lên máu, tăng tác dụng phụ;
  • Ribavirin khi kết hợp với didanosin làm gia tăng nồng độ didanosin trong tế bào, tăng độc tính lên ty thể. Do đó không nên sử dụng kết hợp hai thuốc này;
  • Ribavirin kết hợp với ganciclovir, flucytosin, pentamidine, hydroxyurea, pyrimethanil hoặc trimetrexate, sulfadiazin sẽ làm tăng độc tính lên máu, tăng tác dụng phụ của thuốc;
  • Ribavirin khi kết hợp với zidovudin: Ribavirin làm ức chế sự phosphoryl hóa của zidovudin để thành dạng có hoạt tính, gây tăng tác dụng phụ. Do vậy, không dùng kết hợp hai thuốc này;
  • Uống ribavirin cùng với một số loại thuốc trung hòa acid có chứa magnesi và nhôm sẽ làm giảm diện tích dưới đường cong của ribavirin.

Trong quá trình sử dụng thuốc Hepasig 400 và 500, người bệnh cần lưu ý lắng nghe kỹ các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn và áp dụng chuẩn để có thể đạt hiệu quả cao, hạn chế tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan