Công dụng thuốc Esoragim 20

Thuốc Esoragim 20 là thuốc thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa được sản xuất bởi Chi nhánh công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm - VIỆT NAM. Thuốc Esoragim 20 có chứa thành phần Esomeprazol và được đóng gói dưới dạng viên nén bao phim tan trong ruột.

1. Thành phần của thuốc Esoragim 20

Thuốc Esoragim 20 có thành phần chính là Esomeprazol (dưới dạng esomeprazol magnesi trihydrat), đây là thuốc ức chế bơm proton có hàm lượng 20 mg được bào chế thành viên nén bao phim tan trong ruột.

Esomeprazole là dạng đồng phân S của Omeprazole có tác dụng làm giảm sự bài tiết acid dạ dày bằng cơ chế tác động chuyên biệt ức chế đặc hiệu bơm acid ở tế bào thành. Esomeprazole là một chất kiềm yếu được tập trung và biến đổi thành dạng có hoạt tính trong môi trường acid cao ở ống tiểu quản, tại đây thuốc ức chế men H+K+-ATPase và ức chế quá trình tiết dịch cơ bản lẫn tiết dịch do kích thích.

Sau 5 ngày dùng liều uống Esomeprazole 20mg và 40mg, độ pH trong dạ dày đạt được > 4 sẽ được duy trì trong thời gian trung bình tương ứng là 13 và 17 giờ ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng. Tác động này giống nhau bất kể Esomeprazole được dùng đường uống hay đường tĩnh mạch.

Người ta đã chứng minh được rằng có mối liên hệ giữa sự ức chế tiết acid với nồng độ thuốc và thời gian tiếp xúc sau khi dùng Esomeprazole dạng uống. Sau khi dùng Esomeprazole 40 mg dạng uống, khoảng 78% bệnh nhân viêm thực quản do trào ngược được chữa lành sau 4 tuần, 93% bệnh nhân được chữa lành sau 8 tuần.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng tiết acid dịch vị, nồng độ gastrin trong huyết thanh sẽ tăng để đáp ứng với sự giảm acid dịch vị. Tăng số tế bào ELC do tăng nồng độ gastrin huyết thanh đã được ghi nhận ở một số bệnh nhân khi điều trị dài hạn với Esomeprazole đường uống. Sau thời gian dài điều trị bằng thuốc kháng tiết acid dịch vị, nang tuyến dạ dày đã được ghi nhận xảy ra tương đối thường xuyên, đây là kết quả sinh lý của sự ức chế mạnh lên tiết acid dịch vị, tình trạng này tương đối lành tính và có thể phục hồi được.

2. Thuốc Esoragim có tác dụng gì?

Ở người lớn thuốc Esoragim 20 được chỉ định cho các trường hợp:

  • Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD), trị viêm xước thực quản do trào ngược, điều trị dài hạn cho bệnh nhân viêm thực quản đã chữa lành để phòng ngừa tái phát;
  • Thuốc Esoragim 20 kết hợp với một phác đồ kháng khuẩn thích hợp để diệt trừ Helicobacter pylori, chữa lành loét tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori, phòng ngừa tái phát loét dạ dày - tá tràng ở bệnh nhân loét có Helicobacter pylori.
  • Phòng ngừa loét dạ dày và loét tá tràng do dùng thuốc NSAID ở bệnh nhân có nguy cơ;
  • Điều trị kéo dài sau khi đã điều trị và phòng ngừa tái xuất huyết do loét dạ dày tá tràng bằng thuốc đường tĩnh mạch;
  • Hội chứng Zollinger Ellison.

Ở trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên thuốc Esoragim 20 được chỉ định cho các trường hợp:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), trị viêm xước thực quản do trào ngược, điều trị dài hạn cho bệnh nhân viêm thực quản đã chữa lành để phòng ngừa tái phát;
  • Kết hợp với kháng sinh trong điều trị loét tá tràng do Helicobacter pylori.

Tuân thủ sử dụng thuốc Esoragim 20 theo đúng chỉ định ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốchoặc tờ kê đơn thuốc của bác sĩ.

Chống chỉ định dùng thuốc Esoragim 20 cho người có tiền sử quá mẫn với Esomeprazole, phân nhóm benzimidazole hay các thành phần khác trong công thức thuốc Esoragim 20. Các trường hợp chống chỉ định quy định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Esoragim 20 hoặc đơn thuốc bác sĩ là chống chỉ định tuyệt đối, không vì lý do nào đó mà chống chỉ định lại linh động được dùng thuốc Esoragim 20.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Esoragim 20

  • Loét tá tràng dùng Esomeprazole 20 mg/ngày trong 2 - 4 tuần;
  • Loét dạ dày và viêm thực quản trào ngược dùng Esomeprazol 20mg/ngày trong 4 - 8 tuần;
  • Có thể tăng liều Esomeprazole lên 40mg/ngày ở bệnh nhân đề kháng với các trị liệu khác;
  • Hội chứng Zollinger-Ellison dùng Esomeprazole 60 mg/ngày;
  • Dự phòng tái phát loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc kháng viêm NSAID dùng Esomeprazole liều 20 - 40mg/ngày.

4. Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng thuốc Esoragim 20

Esomeprazole trong thuốc Esoragim 20 có thể ức chế CYP2C19 - men chính chuyển hoá Esomeprazole. Do vậy, khi thuốc Esoragim 20 được dùng chung với các thuốc chuyển hoá bằng CYP2C29 như Diazepam, Citalỏpam, Imipram, Imipramine, Clomipramine, Phenytoin... nồng độ các thuốc này trong huyết tương có thể tăng và cần thiết phải cân nhắc giảm liều dùng.

5. Tác dụng phụ của thuốc Esoragim 20

Các phản ứng ngoại ý do thuốc Esoragim 20 sau đây đã được ghi nhận hay nghi ngờ trong các chương trình nghiên cứu lâm sàng của Esomeprazole, tuy nhiên không có phản ứng nào liên quan đến liều dùng.

  • Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Esoragim 20: Nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn/nôn, táo bón.
  • Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Esoragim 20: Viêm da, ngứa, nổi mề đay, choáng váng, khô miệng.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Esoragim 20: Phản ứng quá mẫn như phù mạch, phản ứng phản vệ, tăng men gan.

Các phản ứng ngoại ý khác có thể xảy ra với Esomeprazole:

  • Hệ thần kinh trung ương và ngoại vi: Dị cảm, buồn ngủ, mất ngủ, chóng mặt, lú lẫn có hồi phục, kích động, nóng nảy, trầm cảm, ảo giác.
  • Hệ nội tiết: nữ hóa tuyến vú;
  • Hệ tiêu hoá: Viêm miệng, bệnh nấm Candida đường tiêu hóa;
  • Huyết học: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, giảm toàn bộ các tế bào máu;

Trên đây không phải toàn bộ các tác dụng phụ của loại thuốc này. Cho nên, trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp phải bất cứ triệu chứng nào bất thường bạn cũng cần thông báo với bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan