Công dụng thuốc Ranitidine

Thuốc Ranitidine có chứa hoạt chất chính là Ranitidine và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc có tác dụng làm giảm tiết acid trong dạ dày nhờ cơ chế hoạt động cạnh tranh với Histamin, không cho Histamin gắn vào thụ để để đáp ứng tạo acid.

1. Thuốc Ranitidine là thuốc gì? Các dạng bào chế của thuốc Ranitidine

Thuốc Ranitidine là thuốc gì? Thuốc Ranitidine có thành phần chính là Ranitidine. Thuốc có tác dụng điều trị bệnh lý viêm loét tá tràng, loét dạ dày lành tính, loét sau phẫu thuật, bệnh trào ngược thực quản, hội chứng Zollinger - Ellison. Thuốc được sử dụng trong các trường hợp cần thiết giảm tiết dịch vị và giảm tiết acid như:

  • Phòng chảy máu dạ dày - ruột nguyên nhân do loét vì stress ở những người bệnh nặng;
  • Phòng chảy máu tái phát ở những người đã bị loét dạ dày - tá tràng có xuất huyết;
  • Dự phòng trước khi gây mê toàn thân ở những người có nguy cơ hít phải acid (hội chứng Mendelson), đặc biệt ở người đang mang thai đang chuyển dạ;
  • Sử dụng trong điều trị triệu chứng của khó tiêu.

1.1. Dược lực học

Thuốc Ranitidine là thuốc đối kháng với thụ thể H2 Histamin. Thuốc có khả năng làm giảm khoảng 90% acid dịch vị tiết ra sau khi uống 1 liều điều trị, có tác dụng làm liền nhanh vết loét dạ dày tá tràng và dự phòng bệnh tái phát. Hơn nữa, thuốc Ranitidine có vai trò quan trọng trong kiểm soát hội chứng Zollinger – Ellison và trạng thái tăng tiết dịch vị quá mức.

1.2. Cơ chế tác dụng

Thuốc Ranitidine ức chế cạnh tranh với histamin ở thụ thể H2 của tế bào vách. Thuốc có tác dụng trong làm giảm lượng acid dịch vị tiết ra cả ngày và đêm, cả trong tình trạng bị kích thích nguyên nhân do thức ăn, insulin, amino acid, histamin hoặc pentagastrin. Thuốc Ranitidine có tác dụng ức chế tiết acid dịch vị mạnh hơn Cimetidin từ 3 – 13 lần nhưng tác dụng không mong muốn lại ít hơn.

1.3. Dược động học:

Sinh khả dụng của thuốc Ranitidine vào khoảng 50%. Thuốc được sử dụng theo đường uống sau 2 – 3 giờ, nồng độ tối đa trong huyết tương sẽ đạt được cao nhất. Sự hấp thu của thuốc Ranitidine hầu như không bị ảnh hưởng của thức ăn và các thuốc kháng acid. Thuốc Ranitdine không bị chuyển hoá nhiều và không bị tương tác thuốc nhiều như Cimetidin. Ranitidin được thải trừ chủ yếu qua ống thận, thời gian bán huỷ là 2 – 3 giờ, 60 – 70% liều uống và 93% liều tiêm tĩnh mạch được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, còn lại được thải trừ qua phân. Phân tích nước tiểu trong vòng 24 giờ đầu sau khi uống thuốc cho thấy 35% liều uống và 70% liều tiêm tĩnh mạch thải trừ dưới dạng không thay đổi.

Thuốc Ranitidine dùng theo đường tiêm bắp, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được nhanh hơn, trong vòng 15 phút sau khi tiêm.

1.4. Dạng bào chế thuốc Ranitidine

Thuốc Ranitidine có những dạng thuốc và hàm lượng như sau:

  • Dạng viên nén, thuốc uống: 25 mg; 75 mg; 150 mg; 300 mg.
  • Dạng viên nang, thuốc uống: 150 mg; 300 mg.
  • Dung dịch pha tiêm,thuốc tiêm: 50mg/2ml, 150 mg/6 ml, 1000 mg/40 ml.

2. Công dụng của thuốc Ranitidine

  • Điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày và tá tràng lành tính, kể cả các trường hợp nguyên nhân do thuốc chống viêm non-steroid, loét sau phẫu thuật, trào ngược thực quản, hội chứng Zollinger Ellison.
  • Điều trị viêm loét tá tràng nguyên nhân do vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Điều trị chứng khó tiêu mãn tính, được đặc trưng bởi đau (đau rát vùng thượng vị và xương ức) có liên quan đến bữa ăn hoặc mắt ngủ nhưng không phải do những tác nhân trên gây ra.
  • Thuốc Ranitidin còn được sử dụng để điều trị tổn thương niêm mạc dạ dày (ăn mòn, chảy máu, phù trong các bệnh: viêm dạ dày cấp tính, giai đoạn tiến triển cấp tính của bệnh lý viêm dạ dày mạn tính).
  • Dự phòng trước khi gây mê toàn thân ở những người có nguy cơ hít phải acid trong hội chứng Mendelson, đặc biệt ở những sản phụ mang thai đang chuyển dạ.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Ranitidine 150 mg

3.1. Cách dùng thuốc Ranitidine

  • Dùng thuốc Ranitidine bằng đường uống.
  • Lưu ý nhai cả viên thuốc với một ít nước.

3.2. Liều dùng thuốc Ranitidine

Liều điều trị với người lớn (cả người già)

  • 1 viên thuốc Ranitidine 150 mg vào buổi sáng và 150 mg vào buổi tối
  • 1 viên thuốc Ranitidine 300 mg khi đi ngủ.

Liều điều trị với trẻ em ≥ 12 tuổi

  • Trẻ cân nặng trên 30kg và trong độ tuổi 3-11: liều điều trị tính toán dựa vào các chỉ số trên (cân nặng).

Liều điều trị bệnh loét dạ dày hoặc tá tràng (hay ruột non)

  • Liều điều trị thông thường là 2 mg/ kg x 2 lần/ ngày x 4 tuần.
  • Liều điều trị có thể tăng lên 4 mg/ kg x 2 lần/ ngày. Mỗi liều liều điều trị cách nhau 12 giờ và điều trị có thể lên đến 8 tuần.

Liều điều trị chứng ợ nóng nguyên nhân do quá nhiều acid

  • Liều thông thường là 2,5 mg/ kg thể trọng x 2 lần/ ngày x 2 tuần.
  • Liều điều trị có thể tăng lên 5 mg/ kg x 2 lần một ngày.

3.3. Quá/ quên liều thuốc Ranitidine

Hầu như không có vấn đề gì đặc biệt khi dùng quá liều thuốc Ranitidine. Nguyên nhân là do không có thuốc giải độc đặc hiệu nên cần điều trị hỗ trợ và triệu chứng như sau:

  • Xử trí co giật: Dùng thuốc Diazepam tĩnh mạch;
  • Xử trí chậm nhịp tim: Tiêm Atropin;
  • Xử trí loạn nhịp thất: Tiêm Lidocain;

Theo dõi, khống chế những tác dụng không mong muốn. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thẩm tách máu để loại bỏ thuốc ra khỏi huyết tương.

Trong trường hợp quên liều thuốc: nếu quên liều, người bệnh cần dùng ngay sau khi nhớ ra. Tuyệt đối, không sử dụng thuốc với gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên. Trường hợp khoảng cách về thời gian uống thuốc gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình bình thường.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ranitidine

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sau:

  • Viêm tụy;
  • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy;
  • Tăng men gan;
  • Ban đỏ đa dạng;
  • Rối loạn điều tiết mắt;
  • Ngứa, đau tức tại vị trí tiêm;
  • Viêm gan, đôi khi xuất hiện vàng da;
  • Đau đầu, chóng mặt, yếu mệt;
  • Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu;
  • Xuất hiện tình trạng vú to ở nam giới;
  • Giảm bạch cầu hạt, giảm toàn bộ huyết cầu kể cả trường hợp giảm sản tủy xương;
  • Các phản ứng quá mẫn có thể xảy ra như sau mề đay, co thắt phế quản, sốt, choáng phản vệ, phù mạch, đau cơ, đau khớp.

5. Tương tác của thuốc Ranitidine

  • Thuốc Ranitidine ức chế rất ít sự chuyển hóa ở gan của một số thuốc (như các thuốc chống đông máu Coumarin, Theophylin, Diazepam, Propranolol). Ái lực của thuốc Ranitidine với men cytochrom P450 vào khoảng 10% so với Cimetidin và mức độ ức chế men gan ít hơn Cimetidin 2 - 4 lần.
  • Tác dụng làm hạ đường huyết khi sử dụng thuốc Ranitidine phối hợp Glipizid với Ranitidin hoặc Cimetidin có gặp nhưng thường không nhiều.
  • Khi dùng phối hợp các kháng sinh Quinolon với các thuốc đối kháng H2 thì hầu hết các kháng sinh này không bị ảnh hưởng, riêng thuốc Enoxaxin bị giảm sinh khả dụng khi dùng cùng với Ranitidine, nhưng sự thay đổi này không quan trọng về mặt lâm sàng.
  • Khi sử dụng kết hợp với thuốc Ketoconazol, Fluconazol và Itraconazol với Ranitidin thì các thuốc này bị giảm hấp thu. Nguyên nhân là do thuốc Ranitidine làm giảm tính acid của dạ dày.
  • Khi sử dụng kết hợp thuốc Theophylin phối hợp với Cimetidin thì nồng độ theophylin trong huyết thanh và độc tính tăng lên, nhưng với thuốc Ranitidine thì tác dụng này rất ít.
  • Thuốc Ranitidine sử dụng phối hợp với thuốc Clarithromycin sẽ làm tăng nồng độ Ranitidin trong huyết tương (57%).
  • Propanthelin bromid làm tăng nồng độ đỉnh của thuốc Ranitidine trong huyết thanh và làm chậm hấp thu, có thể do làm chậm sự chuyển vận thuốc qua dạ dày, sinh khả dụng tương đối của Ranitidin tăng lên khoảng 23%.
  • Sử dụng kết hợp cùng lúc thuốc Ranitidine với thức ăn hoặc với một liều thấp các thuốc kháng acid (khả năng trung hòa 10 - 15 mili đương lượng HCl trong 10ml) không thấy giảm hấp thu hay nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc Ranitidine.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Ranitidine

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Ranitidine cho các đối tượng sau: Người bệnh suy thận cần giảm liều; người bệnh suy gan nặng, người bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp. Bởi nguy cơ gây tăng tác dụng không mong muốn có thể xảy ra và nguy cơ quá liều; người bệnh có bệnh tim có thể xuất hiện nguy cơ chậm nhịp tim.
  • Viên thuốc Ranitidine sủi bọt trong nước có chứa natri, dễ làm quá tải natri nên cần chú ý khi sử dụng ở người bị tăng huyết áp, suy tim, suy thận.
  • Điều trị với các kháng histamin H2 có thể che lấp các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày và làm chậm chẩn đoán bệnh này. Do đó khi có triệu chứng viêm loét dạ dày cần loại trừ khả năng bị ung thư trước khi điều trị bằng thuốc Ranitidine.
  • Thuốc Ranitidine được đào thải qua thận, nên khi người sử dụng bị suy thận thì nồng độ thuốc trong huyết tương tăng cao, vì vậy các bác sĩ thường chỉ định tiêm những liều thấp 25mg, hoặc chỉ uống 1 liều 500mg vào các buổi tối, trong 4 - 8 tuần.
  • Tuy hiếm gặp nhưng cũng có những trường hợp khi tiêm nhanh thuốc Ranitidine có thể gây nhịp tim chậm và thường xảy ra ở những người bệnh có những yếu tố dễ gây ra rối loạn nhịp tim.
  • Cần tránh sử dụng thuốc Ranitidine cho người có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Đối với phụ nữ có thai thuốc Ranitidine qua được nhau thai nhưng trên thực tế dùng với liều điều trị không thấy tác hại nào đến người mẹ mang thai, quá trình sinh đẻ và sức khỏe thai nhi.
  • Đối với bà mẹ cho con bú thì thuốc Ranitidine bài tiết qua sữa. Tương tự như các thuốc khác, thuốc Ranitidine cũng chỉ dùng khi cần thiết trong thời kỳ cho con bú sau khi đã được bác sĩ điều trị cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra.

7. Cách bảo quản thuốc Ranitidin

  • Tránh để thuốc Ranitidin ở nơi ẩm ướt như nhà tắm;
  • Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và thú cưng trong gia đình;
  • Bảo quản thuốc Ranitidin nơi khô ráo ở nhiệt độ từ 15 – 30 °C. Tránh ánh sáng trực tiếp.
  • Không được sử dụng thuốc Ranitidin đã hết hạn và phải biết xử lý những thuốc này trước khi đưa ra ngoài môi trường.

Thuốc Ranitidine có chứa hoạt chất chính là Ranitidine và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc có tác dụng làm giảm tiết acid trong dạ dày nhờ cơ chế hoạt động cạnh tranh với Histamin, không cho Histamin gắn vào thụ để để đáp ứng tạo acid. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe