Công dụng thuốc Dipalgan

Dipalgan 325 là thuốc giảm đau hạ sốt không steroid thường được chỉ định trong các trường hợp cảm cúm, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn... ở trẻ nhỏ. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công dụng thuốc Dipalgan cũng như những thông tin quan trọng nhất.

1. Công dụng thuốc Dipalgan

Thuốc Dipalgan có thành phần chính là Acetaminophen. Paracetamol (acetaminophen hay N - acetyl - p - aminophenol) chính là một chất chuyển hoá có hoạt tính của phenacetin. Không chỉ vậy, nó còn là thuốc giảm đau hạ sốt có khả năng thay thế cho aspirin. Tuy nhiên, khác với aspirin, paracetamol lại không mang đến hiệu quả trong việc điều trị viêm. Đối với liều như nhau tính theo gam, paracetamol mang đến khả năng giảm đau và hạ sốt tương tự như aspirin.

Paracetamol khi sử dụng ở liều điều trị ít tác động đến hệ tim mạch hay hô hấp, đồng thời cũng không gây kích ứng, xước hoặc chảy máu dạ dày hay làm thay đổi cân bằng acid - base như khi sử dụng salicylat. Bởi cơ chế hoạt động của Paracetamol không tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, thay vào đó nó chỉ ảnh hưởng tới cyclooxygenase/prostaglandin tại hệ thần kinh trung ương. Mặt khác, Paracetamol cũng không gây tác động trên tiểu cầu hay thời gian chảy máu.

Paracetamol có khả năng giảm đau và hạ sốt hiệu quả, tác động đến trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt nhờ giãn mạch đồng thời tăng lưu lượng máu ngoại biên. Qua đó mà thuốc làm giảm thân nhiệt nhanh chóng ở những người bị sốt, nhưng lại rất hiếm khi làm giảm thân nhiệt bình thường. Còn về cơ chế giảm đau, Paracetamol giảm đau thông qua việc nâng ngưỡng chịu đau lên.

Chính vì vậy mà thuốc được chỉ định giảm đau, hạ sốt cho trẻ nhỏ trong các trường hợp: Sốt xuất huyết, cảm, cúm, nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn, sau khi tiêm chủng, mọc răng, sau phẫu thuật...

Thuốc Dipalgan 325 chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Người bệnh có tiền sử nhiều lần thiếu máu hoặc mắc các bệnh về thận, gan, tim hoặc phổi.
  • Bệnh nhân nghiện rượu.
  • Quá mẫn cảm với Paracetamol.
  • Người bệnh trong tình trạng bị thiếu hụt men glucose - 6 - phosphat dehydrogenase.

2. Liều lượng và cách dùng

Thuốc Dipalgan được bào chế dưới dạng viên nang, sử dụng qua đường uống bằng cách uống trực tiếp. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà Dipalgan 325 có liều lượng sử dụng khác nhau:

  • Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Sử dụng liều 500 - 1000mg sau mỗi 4 - 6 giờ khi cần thiết, tuy nhiên không được phép vượt quá 4g/ngày.
  • Đối với trẻ em từ 6 - 12 tuổi: Sử dụng liều 250 - 500g cứ sau mỗi 4 - 6 giờ khi cần thiết, tuy nhiên không được phép vượt quá 4 lần/ngày.

Ngoài ra, người bệnh cũng không được phép tự ý dùng Paracetamol để giảm đau liên tục quá 10 ngày đối với người lớn và quá 5 ngày liên tục đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, không dùng Paracetamol với mục đích hạ sốt trong các trường hợp sốt quá cao (trên 39,5 độ C) hoặc sốt kéo dài quá 3 ngày, sốt tái phát.

Khi sử dụng thuốc với liều lượng vượt quá so với chỉ định, người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, xanh xao. Đặc biệt, nếu dùng với liều quá cao (trên 10g ở người lớn, trên 150mg/kg ở trẻ nhỏ) có nguy cơ gây phân huỷ tế bào gan tới hoại tử hoàn toàn và không hồi phục, tình trạng nhiễm toan chuyển hoá, thậm chí là bệnh lý não dẫn tới hôn mê hoặc tử vong.

Đối với trường hợp quá liều, bệnh nhân cần được nhanh chóng chuyển tới bệnh viện để tiến hành rửa dạ dày loại bỏ lượng thuốc đã uống. Ngoài ra, cần sử dụng chất giải độc N- acetylcysteine sớm nhất có thể bằng cách uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Trong khi sử dụng thuốc, đôi khi người bệnh sẽ gặp phải tình trạng ban da hoặc những phản ứng dị ứng khác. Phổ biến là tình trạng mề đay hoặc ban đỏ, thế nhưng trong các trường hợp nặng hơn sẽ còn kèm theo sốt do thuốc và tổn thương vùng niêm mạc.

Các phản ứng không mong muốn ít gặp khác có thể kể đến như: Buồn nôn, nôn mửa, ban da, thiếu máu, rối loạn tạo máu (gây giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu), bệnh thận, gây độc tính cho thận nếu lạm dụng thuốc trong thời gian dài.

4. Tương tác thuốc

  • Khi sử dụng liều cao Paracetamol trong thời gian dài, có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của Coumarin cùng dẫn chất Indandion.
  • Cần lưu ý tới khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở những bệnh nhân sử dụng kết hợp Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
  • Nhóm thuốc chống co giật (Phenytoin, Carbamazepin, Barbiturat), Isoniazid và thuốc chống lao có nguy cơ làm gia tăng nhanh độc tính của Paracetamol đối với gan.
  • Đối với bệnh nhân nghiện rượu, uống quá nhiều rượu trong dài ngày có thể khiến tăng khả năng Paracetamol gây độc cho gan.

5. Lưu ý khi dùng thuốc

  • Đối với bệnh nhân bị phenylceton - niệu và bệnh nhân phải hạn chế lượng phenylalanin nạp vào cơ thể cần tránh sử dụng Paracetamol đồng thời với thuốc hay thực phẩm có chứa Aspartam.
  • Với người bệnh quá mẫn (bệnh hen) cần tránh dùng Paracetamol với thuốc hoặc thực phẩm mà trong thành phần có chứa sulfit.
  • Cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân bị thiếu máu từ trước hoặc suy giảm chức năng gan, thận.
  • Ở bệnh nhân uống nhiều rượu có thể làm tăng độc tính của Paracetamol với gan, chính vì vậy cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc uống rượu.
  • Bác sĩ cần cảnh báo người bệnh về những dấu hiệu của phản ứng nghiêm trọng trên da như các hội chứng: Hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, Steven-Johnson (SJS), hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
  • Hiện vẫn chưa xác định được mức độ an toàn của Paracetamol đối với thai nhi khi sử dụng cho phụ nữ trong thai kỳ, chính vì vậy chỉ nên dùng thuốc cho thai phụ khi thực sự cần thiết.
  • Nghiên cứu của thuốc ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ cho thấy, Paracetamol không gây tác dụng không mong muốn ở trẻ bú sữa mẹ.

Bài viết đã cung cấp cụ thể và chi tiết về công dụng thuốc Dipalgan cũng như những lưu quan trọng cần nhớ. Trong quá trình sử dụng, nhằm đảm bảo hiệu quả và tính an toàn, người bệnh nên uống thuốc theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

62 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan