Công dụng thuốc Dexcain

Thuốc Dexcain là thuốc gây tê tại chỗ, với hoạt chất chính là Bupivacain hydrochloride. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về chỉ định và lưu ý khi dùng thuốc Dexcain.

1. Thuốc Dexcain có tác dụng gì?

Thuốc Dexcain chứa hoạt chất chính là Bupivacain hydrochloride, được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm với hàm lượng 20mg/ống 4ml.

Bupivacain là thuốc gây tê tại chỗ thuộc nhóm amid, có thời gian tác dụng kéo dài. Bupivacain có tác dụng phong bế có hồi phục sự dẫn truyền xung thần kinh do làm giảm tính thấm của màng tế bào thần kinh đối với ion Na+. Dung dịch tiêm khác nhau: 2,5mg/ml hoặc 5mg/ml hoặc 7,5mg/ml tùy theo mức độ cần phong bế hệ thần kinh vận động nhiều hay ít. Bupivacain có độc tính đối với tim và thần kinh cao hơn Lidocain, Mepivacain hay Prilocain. Bupivacain có thể gây tê thần kinh liên sườn, giảm đau kéo dài 7 - 14 giờ sau phẫu thuật, gây tê tốt ngoài màng cứng trung bình trong 3 - 4 giờ. Bupivacain không có epinephrin được dùng để gây tê tủy sống trong các phẫu thuật bụng dưới, sản khoa,tiết niệu, chi dưới.

2. Thông tin thành phần chính của thuốc Dexcain - Bupivacain hydrochloride

2.1 Chỉ định của Bupivacain

Chỉ định sử dụng Bupivacain trong các trường hợp sau:

  • Gây tê từng lớp để phẫu thuật và làm giảm đau sau mổ.
  • Phong bế thần thần kinh và đám rối thần kinh để phẫu thuật.
  • Gây tê ngoài màng cứng để phẫu thuật, kéo dài giảm đau sau mổ bằng cách tiêm thuốc tê nhỏ giọt liên tục hay ngắt quãng qua catheter đặt vào khoang ngoài màng cứng.
  • Gây tê ngoài màng cứng để mổ sinh, hoặc giúp giảm đau trong khi chuyển dạ.
  • Gây tê tủy sống để mổ bụng dưới, tiết niệu, chi dưới.

2.2 Chống chỉ định Bupivacain

Chống chỉ định sử dụng thuốc Bupivacain ở các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với thuốc tê tại chỗ thuộc nhóm amid.
  • Không dùng để gây tê vùng theo đường tĩnh mạch hoặc gây tê quanh cổ tử cung trong sản khoa.
  • Không dùng để gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng cho bệnh nhân bị tụt huyết áp nặng trong trường hợp bị sốc do tim hay do mất máu, bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu hoặc có rối loạn đông máu.
  • Chống chỉ định sử dụng dung dịch Bupivacain 0,75% để gây tê ngoài màng cứng trong sản khoa do có trường hợp vô ý tiêm vào lòng mạch gây ngừng tim ở mẹ. Tuy nhiên, có thể dùng Bupivacain với các liều thấp hơn.

2.3 Lưu ý khi sử dụng Bupivacain hydrochloride

  • Bupivacain được chuyển hóa ở gan, do đó thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh có bệnh lý về gan.
  • Không dùng các dung dịch chứa chất bảo quản để gây tê ngoài màng cứng hay xương cùng; cơn co giật do nhiễm độc nặng thần kinh trung ương có thể làm ngừng tim, nhất là khi vô ý tiêm vào mạch máu.
  • Bupivacain có độc tình ở tim nhiều hơn so với các thuốc gây tê tại chỗ khác, thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có rối loạn chức năng tim mạch.
  • Tình trạng nhiễm toan hay thiếu oxy máu có thể làm giảm khả năng dung nạp thuốc Bupivacain của bệnh nhân, đồng thời tăng nguy cơ và mức độ trầm trọng của các phản ứng gây độc của Bupivacain.
  • Phụ nữ mang thai: Bupivacain qua được nhau thai. Phụ nữ mang thai tăng nhạy cảm với Bupivacain, do đó cần giảm nồng độ và giảm liều của thuốc khi sử dụng ở đối tượng này. Trong sản khoa, do Bupivacain ít gây tai biến nên thuốc thường được sử dụng để giảm đau khi chuyển dạ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Bupivacain vào được sữa mẹ, tuy nhiên khi người mẹ dùng thuốc ở mức độ điều trị thì thuốc qua sữa mẹ với lượng ít và không gây ảnh hưởng đến trẻ.

2.4 Tác dụng không mong muốn khi sử dụng Bupivacain hydrochloride

Tác dụng không mong muốn khi sử dụng Bupivacain hydrochloride người bệnh có thể gặp phải với tần suất như sau:

  • Thường gặp: hạ huyết áp, nhịp tim chậm khi gây tê tủy sống.
  • Hiếm gặp: các phản ứng dị ứng, sốc phản vệ; suy cơ tim, suy tâm thu, mất ý thức và co giật do quá liều; thần kinh như yếu cơ, dị cảm và rối loạn chức năng bàng quang.

Tai biến thuốc Bupivacain có thể gặp trong trường hợp không may tiêm thuốc phải động mạch đưa máu đến não khi gây tê vùng họng như: phong bế hạch sao, cắt amidan; hoặc trường hợp tiêm Bupivacain phải động mạch nhỏ ở nửa trên của cơ thể khiến thuốc đi ngược dòng lên não. Những trường hợp này đều có nguy cơ gây ra triệu chứng thuộc hệ thần kinh trung ương, các cơn co giật ngay cả khi sử dụng thuốc ở liều thấp.

Khi sử dụng Bupivacain với tổng liều cao cũng có nguy cơ gặp tai biến về hệ thần kinh trung ương, tuy nhiên tác dụng không mong muốn ở tim mạch thường gặp nhiều hơn. Khi vô ý tiêm Bupivacain phải tĩnh mạch, triệu chứng về thần kinh trung ương có thể xảy ra như: “trạng thái say rượu”, kích động, vật vã, ù tai, tê cứng lưỡi và môi, nói ngọng, chóng mặt, hoa mắt, cảm giác chẹn ở ngực, rung cơ cục bộ. Những triệu chứng này được xem là triệu chứng báo động về độc tính, phải ngừng tiêm thuốc ngay khi xuất hiện các triệu chứng này. Trường hợp nếu tiếp tục sử dụng có thể dẫn đến mất ý thức, co giật và ức chế hô hấp toàn bộ.

Tai biến về tim mạch khi sử dụng Bupivacain thường xảy ra chậm khi dùng quá liều. Tuy nhiên, nếu tiêm nhanh một liều lớn vào tĩnh mạch có thể đưa lượng lớn thuốc Bupivacain vào mạch vành, có khả năng gây suy cơ tim nặng dẫn đến suy tâm thu.

Khi sử dụng Bupivacain gây tê tủy sống, hoặc ngoài màng cứng có thể gây phong bế hệ giao cảm, dẫn đến hạ huyết áp và chậm nhịp tim.

2.5 Tương tác thuốc

  • Thuốc chống loạn nhịp nhóm I như Tocainid: có thể làm tăng thêm độc tính của Bupivacain.
  • Bệnh nhân đang sử thuốc chống loạn nhịp có tác dụng gây tê tại chỗ, chẳng hạn như Lidocain, thận trọng khi dùng Bupivacain vì có khả năng gây tăng độc tính.

Thuốc Dexcain chứa hoạt chất chính là Bupivacain hydrochloride, đây là thuốc gây tê tại chỗ và được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

42 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan