Công dụng thuốc Cavired HCTZ 10/12.5

Thuốc Cavired HCTZ có hai thành phần chính là Lisinopril và Hydroclorothiazid. Phối hợp Lisinopril và Hydroclorothiazid có tác dụng cộng hợp, làm tăng cường tác dụng hạ huyết áp so với sử dụng riêng rẽ. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Cavired là gì?

1. Thuốc Cavired HCTZ 10/12,5 là thuốc gì?

Thuốc Cavired có hai thành phần chính là Lisinopril với hàm lượng 10mg và Hydroclorothiazid với hàm lượng 12,5mg. Vai trò của từng thành phần trong công thức như sau:

  • Lisinopril là thuốc ức chế men chuyển angiotensin với tác dụng kéo dài. Men chuyển angiotensin là enzym nội sinh có vai trò chuyển hóa angiotensin I thành angiotensin II. Angiotensin II có vai trò thúc đẩy tăng trưởng cơ tim gây phì đại cơ tim, làm tăng tiết aldosteron dẫn tới co mạch, gây tăng huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm giảm nồng độ angiotensin II và aldosteron, nhờ đó giảm ứ natri, nước, giãn mạch ngoại biên và giảm sức cản ngoại biên. Ngoài ra, thuốc còn làm giảm sự phân hủy của bradykinin, dẫn đến tăng nồng độ bradykinin. Đây chính là nguyên nhân gây ra một số tác dụng không mong muốn của thuốc như phù mạch và ho kéo dài.
  • Hydroclorothiazid và các thuốc lợi tiểu thiazid làm tăng bài tiết natri và nước. Sự bài tiết các chất điện giải khác cũng gia tăng đặc biệt là kali và magnesi, còn bài tiết calci giảm. Thuốc có tác dụng hạ huyết áp do giảm thể tích huyết tương và dịch ngoại bào. Các thuốc nhóm thiazid có tác dụng lợi tiểu vừa phải, vì khoảng 90% ion natri đã được tái hấp thu trước khi đến ống lượn xa (vị trí thuốc tác động). Hydroclorothiazid có thể làm tăng cường tác dụng của các thuốc hạ huyết áp khác. Phối hợp Lisinopril và Hydroclorothiazid có tác dụng cộng hợp, làm tăng cường tác dụng hạ huyết áp so với sử dụng riêng rẽ.

2. Thuốc Cavired có tác dụng gì?

Thuốc được chỉ định trong trường hợp tăng huyết áp từ nhẹ đến vừa đã được kiểm soát bằng các thành phần riêng lẻ với tỷ lệ tương tự.

Thuốc Cavired chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Quá mẫn với các thuốc khác trong nhóm ức chế men chuyển hay dẫn xuất sulfonamide.
  • Bệnh nhân có tiền sử phù thần khi dùng thuốc ức chế men chuyển.
  • Phù mạch di truyền hay vô căn.
  • Bệnh nhân vô niệu, suy gan, suy thận thận
  • Phụ nữ mang thai
  • Bệnh nhân bị hẹp lỗ van động mạch chủ, hoặc bệnh cơ tim tắc nghẽn, hẹp động mạch thận hai bên hoặc ở một bên.

3. Liều dùng của thuốc Cavired

Liều lượng sẽ tùy vào mức huyết áp và đặc điểm của từng bệnh nhân.

  • Liều khởi đầu khuyến cáo là 1 viên x 1 lần/ngày. Sau 2-4 tuần có thể tăng lên 2 viên ngày 1 lần. Nên ngưng thuốc lợi tiểu trước khi bắt đầu dùng thuốc Cavired. Nếu không thể ngưng thuốc Cavired thì chỉ nên khởi đầu Lisinopril với liều 5mg
  • Bệnh nhân suy thận nhẹ: Không khuyến cáo dùng thuốc Cavired ở bệnh nhân có độ lọc cầu thận dưới 30ml/phút
  • Bệnh nhân cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều
  • Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Cavired chưa được xác định ở đối tượng này.

4. Tác dụng phụ của thuốc Cavired

Bệnh nhân sử dụng Cavired có thể gặp phải các tác dụng phụ sau đây:

Lisinopril

  • Hô hấp: Ho khan và kéo dài.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, mất vị giác, tiêu chảy.
  • Tuần hoàn: Hạ huyết áp.
  • Da: Ban da, nổi mẩn, mày đay có thể ngứa hoặc không.
  • Thần kinh: Lú lẫn, đau đầu, kích động, tê bì hoặc như kim châm ở môi, tay và chân.
  • Máu: Giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt.
  • Gan: Gây độc cho gan, vàng da, ứ mật, tổn thương tế bào gan, hoại tử gan.
  • Khác: Mệt mỏi, protein niệu, sốt hoặc đau khớp, phù mạch, tăng kali huyết

Hydroclorothiazid

  • Chuyển hóa: Tăng kali huyết, tăng acid uric huyết, tăng đường huyết, tăng lipid huyết
  • Tuần hoàn: Hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, tiêu chảy chảy
  • Da: Mày đay, viêm mạch, phát ban
  • Máu: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan huyết.
  • Thần kinh: Dị cảm, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.
  • Chuyển hóa: Hạ magnesi huyết, hạ natri huyết, tăng calci huyết, kiềm hóa do giảm clo huyết, hạ phosphat huyết.
  • Khác: Phản ứng phản vệ, sốt.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Cavired là gì?

  • Bệnh nhân suy thận có nguy cơ cao bị giảm bạch cầu trung tính. Bệnh nhân bị cả suy thận và bệnh mạch máu collagen có nguy cơ giảm bạch cầu trung tính cao hơn.
  • Hẹp động mạch chủ: Thận trọng khi dùng cho những bệnh nhân bị hẹp động mạch chủ nặng vì có thể làm giảm tưới máu mạch vành dẫn đến thiếu máu cục bộ.
  • Cổ trướng: Tránh dùng thuốc Cavired cho bệnh nhân cổ trướng do xơ gan hoặc cổ trướng khó chữa. Nếu không thể tránh sử dụng thuốc Cavired, cần theo dõi chặt chẽ huyết áp và chức năng thận để tránh suy thận phát triển.
  • Bệnh nhân nên được theo dõi định kỳ điện giải, nhất là người bệnh đang sử dụng corticosteroid, digitalis hay quinidin
  • Ðái tháo đường: Thuốc lợi tiểu có thể làm tăng đường huyết nên cần chú ý điều chỉnh thuốc liều lượng thuốc hạ glucose huyết.
  • Suy gan: Thận trọng khi sử dụng thuốc Cavired cho bệnh nhân suy chức năng gan nặng. Tránh mất cân bằng điện giải và axit/bazơ vì có thể dẫn đến bệnh não gan, hôn mê gan.
  • Tăng cholesterol máu: Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có nồng độ cholesterol vừa phải hoặc cao vì tăng cholesterol đã được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.
  • Phụ nữ cho con bú: Hiện chưa có thông tin liên quan tới việc sử dụng Lisinopril/Hydroclorothiazid ở phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy thuốc Cavired không được khuyến cáo sử dụng ở đối tượng này.
  • Tương tác thuốc: Sử dụng đồng thời thuốc Cavired với một số thuốc có thể làm tăng/giảm hiệu quả điều trị hoặc gia tăng tác dụng phụ. Do đó tốt nhất bệnh nhân cần thông báo cho thầy thuốc tất cả các loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và những loại thực phẩm chức năng đang sử dụng để được tư vấn thích hợp.

Trên đây là những thông tin tổng quát về công dụng, liều dùng và các lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Cavired. Tuy nhiên các thông tin trên đây không thể thay thế sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả của thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

73 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan